Thứ tư 17/04/2024 02:04 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tết Thanh minh, nhớ về nguồn cội tổ tiên

12:18 | 04/04/2020

(Xây dựng) - Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hằng năm, là dịp để con cháu đi tảo mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ, thể hiện lòng đạo hiếu của con cháu với ông bà tổ tiên. Tết Thanh minh năm 2020 rơi vào hôm nay (ngày mùng 04/04 dương lịch, là ngày mùng 12/03 âm lịch). Báo điện tử Xây dựng xin giới thiệu đến độc giả nét đẹp văn hóa người Việt qua Tết Thanh minh.

tet thanh minh nho ve nguon coi to tien
Tết Thanh minh năm 2020 vào thứ 7 (ngày mùng 4/4 dương lịch).

Tiết Thanh minh là gì?

Trong sách Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính có nêu: “Trong khoảng tháng Ba, có một tiết hậu gọi là Thanh minh. Thanh minh nghĩa là trời độ ấy mát mẻ quang đãng”.

Tiết Thanh minh là một khái niệm trong công tác lập lịch của các nước phương Đông chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa cổ đại. Nó là một trong số hai mươi tư tiết khí của các lịch Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên…

Vì lịch của người Trung Quốc, cũng như Việt Nam cổ đại, bị nhiều người lầm tưởng là âm lịch thuần túy nên rất nhiều người cho rằng nó được tính theo chu kỳ của Mặt trăng quay xung quanh Trái đất. Trên thực tế lịch Trung Quốc cổ đại là một loại âm dương lịch nên nếu giải thích theo thuật ngữ của lịch hiện đại ngày nay thì nó được tính theo vị trí của Trái đất trong chu kỳ chuyển động trên quỹ đạo của mình xung quanh Mặt trời. Nếu tính điểm xuân phân là gốc (kinh độ Mặt trời bằng 0°) thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt Trời bằng 15°. Do vậy, tiết Thanh minh thực tế được tính theo cách tính của dương lịch hiện đại và nó thông thường bắt đầu vào ngày mùng 4 hoặc mùng 5/4 dương lịch.

Vì bố trí các tháng thiếu, đủ, thường, nhuận bám sát chuyển động biểu kiến của nguyệt cầu, nên âm lịch còn được người Âu Mỹ gọi là lịch mặt trăng/lunar calendar/calendrier lunaire. Kỳ thực, âm lịch cũng gắn bó chặt chẽ với Mặt trời. Nhị thập tứ tiết khí chính là phản ánh sự thay đổi của vầng thái dương trên cung hoàng đạo. Nói cho đúng thì đấy là 24 thời kỳ nối tiếp nhau với những biến dịch mang tính chu kỳ và tuần hoàn về nhiệt độ, độ ẩm, lượng gió, lượng nắng, lượng mưa… trên mặt đất khu vực Á Đông do vị trí địa cầu thay đổi khi quay quanh Mặt trời, đồng thời địa cầu lại tự quay quanh trục của nó. Do đó, người ta tìm cách điều chỉnh lại âm lịch theo Mặt trời thành ra âm dương lịch.

tet thanh minh nho ve nguon coi to tien
Tết Thanh minh là dịp nhớ về nguồn cội tổ tiên (ảnh Internet).

Tiết Thanh minh thường vào khoảng thời gian nào?

Nhị thập tứ tiết khí được đặt tên và sắp xếp thứ tự như sau: Lập xuân (đầu xuân); Vũ thuỷ (mưa ẩm); Kinh trập (sâu nở); Xuân phân (giữa xuân); Thanh minh (trời trong sáng); Cốc vũ (mưa rào); Lập hạ (sang hè); Tiểu mãn (kết hạt); Mang chủng (chắc hạt/tua rua); Hạ chí (giữa hè); Tiểu thử (nắng nhẹ); Đại thử (nắng gắt); Lập thu (đầu thu); Xử thử (mưa ngâu); Bạch lộ (nắng nhạt); Thu phân (giữa thu); Hàn lộ (mát mẻ); Sương giáng (sương sa); Lập đông (sang đông); Tiểu tuyết (tuyết nhẹ); Đại tuyết (tuyết dày); Đông chí (giữa đông); Tiểu hàn (rét nhẹ); Đại hàn (rét đậm).

Trong 24 thời kỳ nêu trên, những thời kỳ mang số lẻ gọi là tiết, mang số chẵn gọi là khí hoặc trung khí. Theo quy ước, tháng nào không chứa trung khí là tháng nhuận.

Nhị thập tứ tiết khí được phân đều đặn vào 12 tháng trong năm âm lịch. Ấy là năm thường, còn năm nhuận thì 13 tháng. Bình quân, mỗi tiết cách nhau 15 - 16 ngày. Sau tiết Lập xuân, lần lượt qua các tiết Vũ thuỷ, Kinh trập, Xuân phân, đoạn tới tiết Thanh minh. Do vậy, kể từ khai tiết Lập xuân, phải sau cỡ 60 ngày thì bắt đầu tiết Thanh minh, chứ đâu phải chỉ 45 ngày như một số nhà nghiên cứu trước đây. Chẳng hạn, năm Canh Tý 2020 có Lập xuân là ngày 11 tháng Giêng Canh Tý (04/02/2020), Vũ thuỷ là ngày 26 tháng Giêng (19/02), Kinh trập là ngày 12 tháng Hai (5/03), Xuân phân là ngày 27 tháng Hai (20/03) và Thanh minh là ngày 12 tháng Ba (04/04).

Học giả Đào Duy Anh biên soạn Từ điển Truyện Kiều (NXB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1974, tr. 384) đưa ra lời giải thích: “Tiết Thanh minh là tiết nhằm vào khoảng đầu tháng Ba âm lịch (thường vào ngày 5 hay ngày 6/04 dương lịch)”.

Cuốn Sổ tay văn hoá Việt Nam do Trương Chính và Đặng Đức Siêu hợp soạn (NXB Văn Hoá, Hà Nội, 1978, tr. 275) có nêu đôi nhận xét đáng chú ý: “Nhật kỳ của tiết khí không cố định với ngày tháng âm lịch, nhưng tương đối cố định với ngày tháng dương lịch (...). Tết Thanh minh vào ngày 5/04 (dương lịch) giữa ngày xuân, có tục tảo mộ, du xuân”.

Suốt 150 năm (Tân Sửu 1901 - Canh Ngọ 2050), tiết Thanh minh không chỉ xuất hiện ngày 5/0 4 dương lịch, mà nhiều lần rơi vào ngày 4 hoặc ngày 6/04 dương lịch. Liên tục ba năm Tân Sửu 1901, Nhâm Dần 1902, Quý Mão 1903, tiết Thanh minh bắt đầu ngày 6/04 dương lịch. Khảo sát thời khoảng một thế kỷ rưỡi vừa nêu, thấy 15 trường hợp như vậy. Còn tiết Thanh minh mở màn vào ngày 04/04 dương lịch gồm 32 trường hợp cả thảy. Năm Quý Mùi, tiết Thanh Minh khởi sự từ thứ Bảy ngày 04/04/2003. Năm Giáp Thân, tiết Thanh minh vào Chủ nhật ngày 04/04/2004. Năm Ất Dậu, tiết Thanh Minh vào thứ Hai ngày 04/04/2005. Năm Mậu Tý, tiết Thanh Minh vào thứ Sáu ngày 04/04/2008. Năm Kỷ Sửu, tiết Thanh Minh vào thứ Bảy ngày 04/04/2009. Năm Canh Tý, tiết Thanh Minh vào thứ Bảy ngày 04/04/2020…

tet thanh minh nho ve nguon coi to tien
Tết Thanh minh là dịp để con cháu đi tảo mộ gia tiên, thắp hương mộ phần, thể hiện lòng đạo hiếu của con cháu với ông bà tổ tiên (ảnh Internet).

Tết Thanh minh đối với người Việt Nam

Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có những vần thơ về tết Thanh minh: “Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi/Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa/Thanh minh trong tiết tháng Ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh…”

Theo “Đất lề quê thói” của Nhất Thanh mô tả phong tục Tết Thanh minh: “Nhiều nơi, ngày Thanh minh người cùng họ họp nhau ra đồng tảo mộ, thăm viếng tất cả các mộ phần của ông bà tổ tiên, cỏ rậm phát quang, đất khuyết thì đắp bồi, thắp ba nén hương cắm trên mộ. Đặc biệt mộ tổ được cả họ chăm sóc, năm nào cũng đắp phụ them mãi, thành gò đống to cao từ xa đã trông rõ.

Ngày Thanh minh người cùng họ cùng ra đông đảo trên các nghĩa địa, cảnh tượng có vẻ nhộn nhịp tuy khác ngày thường mà xa gần ai thấy cũng nhận thức ngay được là lễ tiết. Hầu như không mấy nơi có tục đàn bà tham dự việc tảo mộ. Xong công việc, dân làng lại lũ lượt kéo nhau về, họ nào cũng làm lễ tế tổ, mọi nhà làm lễ cúng gia tiên. Cũng nhiều nơi có tục thăm viếng mộ phần ông bà tổ tiên một vài ngày trước Tết, và vẫn đi tảo mộ ngày Thanh minh nữa”.

Trước đây, nam nữ thanh niên cũng nhân dịp này để du xuân nên mới có tên gọi hội đạp thanh (tức giẫm lên cỏ). Ngày nay, ở Việt Nam lễ này có lẽ không còn, nhưng ở Trung Quốc thì một vài nơi vẫn còn duy trì được.

Thanh Hải

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load