Thứ năm 25/04/2024 18:27 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tết Độc lập nghĩ về nền kinh tế độc lập, tự chủ

23:07 | 02/09/2022

"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân". Đây là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tại Quảng Ninh ngày 1/9.

tet doc lap nghi ve nen kinh te doc lap tu chu
Thủ tướng Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tại Quảng Ninh ngày 1/9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuyến đường này là "mảnh ghép" cuối cùng để hoàn thành tuyến cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh dài 176 km, đồng thời kết nối với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, hình thành nên tuyến cao tốc kết nối vùng dài nhất Việt Nam hiện nay, hơn 571 km, từ Lào Cai-Yên Bái-Hà Nội-Hải Phòng-Hạ Long ra tận Móng Cái, mảnh đất địa đầu cực Đông Bắc của Tổ quốc.

Nói như Thủ tướng, đây cũng là tuyến đường của niềm tin và khát vọng, khi được "thai nghén" từ hàng chục năm trước, minh chứng cho quyết tâm và nỗ lực lớn lao của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân tỉnh Quảng Ninh, với sự quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.

Thực tế, quá trình lập dự án, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thi công tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh này gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như thể chế, cơ chế chính sách chưa được hoàn thiện (vừa làm, vừa xây dựng, đề xuất, hoàn thiện); các cơ quan chức năng còn có ý kiến khác nhau (phải mất nhiều thời gian thương lượng, trao đổi, thống nhất); đường quốc lộ nhưng do địa phương, doanh nghiệp làm (theo quy định thì quốc lộ chỉ do Trung ương đầu tư)…

tet doc lap nghi ve nen kinh te doc lap tu chu
Cầu Bạch Đằng ngày thông xe (1/9/2018)

Cách đây đúng 4 năm, ngày 1/9/2018 - tuyến cao tốc Hạ Long-Hải Phòng và cầu Bạch Đằng chính thức thông xe. Đây là tuyến cao tốc đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng bằng cơ chế mới: Chính phủ giao cho địa phương tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư, với sự chủ động đề xuất từ tỉnh Quảng Ninh.

Quảng Ninh đã làm cao tốc Hạ Long-Hải Phòng bằng cách "thắt lưng buộc bụng" tiết kiệm chi mỗi năm 1.000 tỷ đồng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, thực hiện nhất quán các chính sách khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư đồng hành cùng tỉnh.

Thực tiễn Quảng Ninh đã góp phần chứng minh và khẳng định đường lối vô cùng đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta khi xác định hạ tầng là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược (cùng với nhân lực và thể chế), đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Nếu trước đây Quảng Ninh chỉ trông đợi vào Quốc lộ 18 chật hẹp, thì các tuyến cao tốc, cùng với sân bay Vân Đồn – sân bay đầu tiên được đầu tư theo hình thức BOT và các công trình hạ tầng chiến lược khác như cảng biển, đường ven biển, đã giúp phá vỡ thế độc đạo của Quảng Ninh.

Quảng Ninh đã nhiều năm liền tăng trưởng ở mức hai con số, thuộc nhóm cao nhất cả nước. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của Quảng Ninh khoảng 2.000 USD, nhưng năm nay sẽ đạt khoảng 8.000 USD, tức tăng gấp 4 lần sau 10 năm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ 9 ý nghĩa và 8 bài học từ việc xây dựng tuyến đường cao tốc xuyên tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, có bài học về tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, lợi ích của vùng, của đất nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể", đi lên từ "bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển" của mình, không trông chờ, ỷ lại, đồng thời cũng phải tranh thủ được sự giúp đỡ của Trung ương, các bộ, ngành, các địa phương.

tet doc lap nghi ve nen kinh te doc lap tu chu
Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ngay tại hiện trường dự án sân bay Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây cũng là thông điệp được Thủ tướng nhắc lại nhiều lần trong các chuyến công tác địa phương thời gian qua. Gần đây nhất, trong chuyến công tác tại Bình Thuận, ông tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc ngay tại hiện trường dự án sân bay Phan Thiết.

Cũng tại Bình Thuận, dự lễ khởi công khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, ông mong muốn lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, các nhà đầu tư sẽ vào cuộc quyết liệt, làm việc nghiêm túc, nói thật, làm thật trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", đưa khu công nghiệp này sớm hình thành và đi vào hoạt động hiệu quả, thực chất, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người lao động và nhân dân địa phương.

"Nhà nước phải chăm lo, bảo vệ độc lập chủ quyền, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để doanh nghiệp yên tâm làm ăn, người dân đóng góp sức người, sức của vào đây. Mảnh đất của người dân sống hàng ngàn đời nay, nay nhường cho các dự án thì phải chia sẻ với người dân, đừng chỉ vì lợi ích của mình, "lợi ích phải hài hòa, rủi ro phải chia sẻ", mất cấu trúc hài hòa hợp lý này thì chẳng bao giờ tồn tại được", Thủ tướng nhiều lần chia sẻ điều này với các doanh nhân tại các hội nghị xúc tiến đầu tư, với mong muốn tha thiết là các nhà đầu tư phải "nói thật, làm thật", không để người dân thất vọng.

"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân". Bài học thấm thía này có ý nghĩa quan trọng để góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, vì mục tiêu đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Theo Hà Văn/Baochinhphu.vn

Cùng chuyên mục
  • Để cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát

    Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện thành công trong năm 2025 sẽ là một dấu mốc đáng nhớ, khi lần đầu tiên trong lịch sử, trên cả nước không còn nhà tạm, nhà dột nát và có lẽ không nhiều nước đang phát triển trên thế giới làm được điều này.

  • Tăng quyền, trao quyền khi 'chiếc áo thể chế' đã chật

    “TP.HCM đang như lò xo bị bó. Làm sao chúng ta tháo được ra để lò xo hoạt động, trỗi dậy, bứt phá được, đó là nhiệm vụ của quy hoạch. Nếu bật lên được, TP.HCM có thể sẽ phát triển nhanh như vũ bão”.

  • TP.HCM và ‘lỗ hổng’ làm điện rác

    Tiếp theo bài viết “Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch điện 8” đăng trên Tuần Việt Nam/VietNamNet, trong phạm vi bài viết này sẽ tập trung phân tích các vấn đề về điện rác ở Thành phố Hồ Chí Minh trong Quy hoạch điện 8.

  • Hiểu thế nào về “Tập thể lãnh đạo”, “Lãnh đạo tập thể”, “Lãnh tụ tập thể”?

    Tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị Đại hội XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: "tập thể lãnh đạo", "lãnh đạo tập thể", "lãnh tụ tập thể".

  • Những vấn đề cần làm rõ để thực hiện Quy hoạch Điện 8

    Sau khi ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng về phê duyệt Quy hoạch điện VIII, các cơ quan chức năng và chủ đầu tư mong chờ có bản kế hoạch mang tính tổng thể, công khai và minh bạch hướng dẫn thực hiện dự án Quy hoạch điện 8.

  • Sau TP.HCM, Hà Nội lại làm dự án BT

    Xin khôi phục lại các dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), Hà Nội muốn có thêm cơ chế để huy động nguồn lực cho phát triển.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load