(Xây dựng) - Ngày 29/7 tại Hà Nội, TCty Cơ khí xây dựng (COMA) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập (29/7/1974 - 29/7/2014). Tham dự buổi lễ có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng qua các thời kỳ, đại diện Thành ủy Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các Cty thành viên trực thuộc TCty COMA.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những kết quả TCty COMA đạt được sau 40 năm xây dựng và trưởng thành.
Thay mặt lãnh đạo TCty COMA, Tổng giám đốc Dương Văn Hồng đã ôn lại hành trình 40 năm xây dựng và trưởng thành của TCty Cơ khí Xây dựng COMA trải qua 3 giai đoạn phát triển với tên gọi, tổ chức khác nhau theo yêu cầu và nhiệm vụ của từng thời kỳ phát triển của ngành Xây dựng, để lại những thành tựu góp phần thắng lợi vào sự nghiệp phát triển ngành Xây dựng Việt Nam.
Giai đoạn 1974 – 1978: Ngày 29/7/1974 Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký Quyết định số 371/QĐ-BXD thành lập Cty Cơ khí xây dựng trực thuộc Bộ Xây dựng với nhiệm vụ quan trọng là giải quyết hậu quả nặng nề sau chiến tranh và phát triển đất nước, chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ 2 (1976 - 1980).
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TCty COMA phát biểu tại buổi lễ.
Tổ chức bộ máy quản lý gồm: Chủ nhiệm, các Phó chủ nhiệm, 9 phòng chức năng giúp việc và 7 Nhà máy.
Nhiệm vụ của Cty Cơ khí xây dựng là sản xuất và hoạt động theo mô hình kế hoạch hoá do Bộ Xây dựng giao kế hoạch, cung ứng vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Với đặc thù và nhiệm vụ của từng đơn vị cụ thể là: Nhà máy Cơ khí xây dựng Gia Lâm, Nhà máy Cơ khí xây dựng Liên Ninh, Nhà máy Cơ khí xây dựng Đại Mỗ được đầu tư trang bị thêm một số thiết bị mới để nâng cao năng lực và chất lượng sản phẩm, sản xuất những sản phẩm như thiết bị sản xuất gạch, ngói, các thiết bị thi công, trang thiết bị phục vụ cho ngành xây dựng, ngành nước, ngành sản xuất vật liệu xây dựng... Nhà máy Cơ khí xây dựng số 5,số 2 Hà Bắc do Liên Xô trang bị mới đồng bộ có nhiệm vụ đại tu và sửa chữa 250 xe/năm. Nhà máy Khóa Minh Khai do Ba Lan trang bị đồng bộ chuyên về sản xuất khóa và tiểu ngũ kim công suất sản xuất 1.000 tấn/ năm với lực lượng công nhân, kỹ sư được đào tạo chuyển giao công nghệ của Ba Lan...
Đặc biệt, năm 1977, Cty được Bộ Xây dựng giao cho thay mặt chủ đầu tư quản lý 2 Ban kiến thiết xây dựng: Nhà máy Cơ khí Uông Bí và Nhà máy Cơ khí Hương Canh sửa chữa đại tu 250 xe/năm. Như vậy, trong thời kỳ 1974 - 1978 sau 4 năm thành lập, Cty Cơ khí xây dựng vừa đảm bảo nhiệm vụ sản xuất năm vừa chịu trách nhiệm quản lý các dự án xây dựng lớn của Bộ.
Giai đoạn 1978 - 1995: Để đáp ứng nhiệm vụ của ngành cơ khí xây dựng trên cả nước, trên cơ sở các đơn vị sản xuất cơ khí xây dựng ở miền Bắc và các đơn vị sản xuất cơ khí xây dựng mới tiếp quản ở miền Nam, ngày 20/6/1978, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1095/BXD-TCCB chuyển Cty Cơ khí xây dựng thành Liên hiệp các xí nghiệp Cơ khí xây dựng.
Các đại biểu tham dự buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập TCty COMA.
Từ sau khi sắp xếp lại, Liên hiệp đã chỉ đạo, định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh ngắn hạn cũng như dài hạn của các đơn vị thành viên. Các nhà máy dần đi vào chuyên môn hóa, mỗi nhà máy chỉ sản xuất một số chủng loại sản phẩm nhất định. Liên hiệp giúp các xí nghiệp phối hợp và hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, điều hành kế hoạch sản xuất, vật tư, tiền vốn giữa các đơn vị, phát huy thế mạnh của các xí nghiệp thành viên, tạo nên thế mạnh chung cho Liên hiệp, đảm bảo hoàn thành kế hoạch được giao.
Sản phẩm chủ yếu tập trung vào nhu cầu của thị trường các mặt hàng như: Bi đạn, phụ tùng xi măng, phụ tùng máy sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng thép đúc, cốp pha tôn, khóa và phụ tùng cửa, máy xây dựng. Từ năm 1986 - 1990 hàng năm sản xuất là 4.427 tấn sản phẩm, hàng hóa.
Hướng đi vô cùng quan trọng trong giai đoạn cuối của mô hình Liên hiệp các xí nghiệp là COMA đã bước đầu tập trung vào hướng xây dựng cơ cấu tổ chức, đầu tư chiều sâu để có thể đảm nhận được các công việc từ thiết kế, chế tạo và lắp đặt như khôi phục lại bộ phận thiết kế mà trước kia có ở giai đoạn Cty Cơ khí xây dựng, là Trung tâm Nghiên cứu thiết kế & Tư vấn công nghệ trang thiết bị ngành xây dựng, đã góp phần để thiết kế, chế tạo và lắp đặt thiết bị như: Máy nghiền bi, máy phân ly, hệ thống băng tải, gầu tải, vít tải, cân băng định lượng... cho các dự án xây dựng Nhà máy xi măng Đây là sự khởi đầu để phát triển chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành và hướng ra công trường của TCty sau này.
Giai đoạn 1996 đến nay: Thực hiện Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 7/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước, ngày 20/11/1995, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 993/BXD-TCCB về việc thành lập TCty Cơ khí xây dựng trên cơ sở Liên hiệp các xí nghiệp Cơ khí xây dựng, đổi tên các nhà máy, xí nghiệp thành các Cty trực thuộc TCty Cơ khí xây dựng, cơ cấu tổ chức của TCty Cơ khí xây dựng gồm có thêm: Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.
Trong suốt giai đoạn này, để đáp ứng tình hình nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của TCty có nhiều biến động và thay đổi để đáp ứng với yêu cầu đổi mới của đất nước.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011 – 2015, từ năm 2012 đến nay, TCty đã xây dựng Đề án tái cơ cấu TCty, tiếp tục cổ phần hóa các đơn vị còn lại và Cty mẹ - TCty trên cơ sở thoái vốn và chuyển nhượng cổ phần tại một số Cty.
Lễ kỷ niệm được bắt đầu với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc do tập thể cán bộ, công nhân viên TCty COMA biên soạn và thực hiện.
Hiện tại, cơ cấu tổ chức của TCty COMA bao gồm 11 Cty con, 9 Cty liên doanh liên kết, 4 Chi nhánh và 1 đơn vị sự nghiệp.
Với mục tiêu lấy ngành Cơ khí xây dựng làm chuyên ngành chủ đạo, tập trung nguồn lực vào công cuộc đổi mới và phát triển ngành cơ khí xây dựng TCty COMA tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu giai đoạn 2013 - 2015 được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-BXD ngày 05/9/2014.
Sau hơn một năm hoạt động theo mô hình TCty, Đại hội đại biểu Đảng bộ TCty lần thứ nhất đã đề ra những định hướng phát triển như: “Ngoài chuyên ngành chủ lực là cơ khí xây dựng, phát triển các ngành khác như thi công xây dựng, lắp đặt máy móc, thiết bị, điện, nước, điện lạnh... Trước mắt và lâu dài cần đẩy mạnh việc tham gia chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép cho các công trình công nghiệp và đô thị... áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất và tăng cường đầu tư, đổi mới trang thiết bị”.
Đây là thời kỳ đánh dấu bước chuyển đổi mạnh mẽ nhất trong quá trình phát triển của TCty. Chức năng của TCty không chỉ là quản lý mà là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, trực tiếp chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm trước Nhà nước về các hoạt động của mình.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đáng giá cao những thành tựu của COMA khi tham gia lắp đặt những công trình, yêu cầu khả năng sáng tạo, đổi mới, chủ động nâng cao năng lực, góp công sức đáng kể trên các công trình công nghiệp, như: Xi măng, thủy điện, nhiệt điện và nhiều công trình trọng điểm quốc gia: Trung tâm Hội nghị Quốc Gia, Nhà Quốc hội... Qua đó, hiệu quả sản xuất kinh doanh của TCty ngày càng nâng lên, đời sống thu nhập người lao động được cải thiện rõ rệt.
Bộ trưởng khẳng định: Những thành quả ngày hôm nay là sự ghi nhận công lao và nỗ lực phấn đấu của các thế hệ cán bộ, công nhân viên và người lao động TCty COMA trong việc phát huy sức mạnh nội lực, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị thương hiệu.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: Đất nước ta đang trong công cuộc xây dựng, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta phải tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.Trước yêu cầu đó, nhiệm vụ của ngành xây dựng rất to lớn và nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành, trọng tâm là tái cơ cấu hoạt động của ngành trên các lĩnh vực, trong đó có việc nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Trong lĩnh vực quản lý Nhà nước, Bộ Xây dựng đã tập trung xây dựng thể chế, cụ thể hóa quan điểm phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà kết quả là sự ra đời của những chính sách quản lý vĩ mô mang luồng gió mới thổi vào cuộc sống, khẳng định bước tiến mới trong tư duy xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Cơ khí xây dựng phải tiếp tục đổi mới, phát triển không chỉ đáp ứng sản phẩm trong ngành xây dựng mà phải tạo ra những sản phảm có hàm lượng chất xám cao, đẩy mạnh tham gia vào lĩnh vực xây dựng dân dụng trong đó có nhiệm vụ trọng tâm của ngành xây dựng là phát triển thị trường bất động sản, sản xuất ra những sản phẩm giá rẻ, chất lượng tốt, tiến độ nhanh.
Đối với TCty COMA, để có thể thực hiện mục tiêu phát trở thành nhà chế tạo hàng đầu Việt Nam, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp... trong thời gian tới TCty phải làm chủ được công nghệ thiết kế, dựa trên những cơ sở vật chất hiện có, đầu tư bổ sung nâng cấp nhà xưởng và những trang thiết bị tiên tiến, hiện đại. Đặc biệt, trong tổ chức, quản lý và điều hành, cần tiếp tục tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, tập trung cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng tầm thương hiệu, coi trọng phát triển nguồn nhân lực và tri thức là một trong những nhân tố then chốt trong chiến lược phát triển, sản xuất kinh doanh dài hạn của TCty.
Nhân buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập, TCty COMA vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng.
Hồng Diên
Theo