(Xây dựng) Hành hương Tây Thiên là một sự đến hay trở về, song cả hai hành trình đều tràn ngập niềm hỷ lạc an bình và tự tại. Mảnh đất địa linh nơi giao hòa giữa văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ Mẫu tạo nên một cảnh sắc Tây Thiên sơn kỳ thủy tú, hùng vĩ, thanh bình, ngoạn mục đẹp đến nhiệm màu trong từng phút giây, thời khắc.
Tây Thiên nằm trong lòng chảo rừng nguyên sinh Tam Đảo, tại trung sơn điểm giữa các huyệt mạch quốc gia gồm Đền Hùng của Nhà nước Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước, Hoa Lư của cố đô nước Đại Việt, núi Tản - sông Đà, các trụ xứ Phật giáo thâm uy như chùa Hương, Yên Tử; tất cả hợp thành thế phong thủy vững chãi dựa vào mạch núi thiêng tạo ra đồng bằng rộng mở tràn xuống phương nam, hướng về biển lớn. Đây cũng là miền đất thiêng quần tụ linh khí Mẫu tính, nơi có đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên cùng các vị mẫu thần cai quản trời, đất, núi, rừng như Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Địa, Mẫu Thượng Thoải, Mẫu Thượng Ngàn. Nhiều bậc Thượng sư Kim Cương khi đặt chân tới đây đều thừa nhận chốn linh địa này tràn đầy năng lượng mẫu tính giác ngộ lan tỏa che chở mọi miền Tổ quốc.
Dấu ấn Phật giáo xưa và nay
Theo “Đại sử ký” (Mahavamsa) của Tích Lan (Sri Lanka) cho biết: Khoảng năm 325 Trước công nguyên, sau khi kết tập kinh điển lần thứ 3, vua A Dục và Đại lão Hòa thượng Mogggaliputta - Tissa đã cử 9 đoàn “Như Lai sứ giả” đi hoằng dương Phật pháp. Tăng đoàn thứ 8 do ngài Sona và ngài Uttara đã đến nước ta, sau khi yết kiến vua Hùng tại kinh đô Văn Lang, Tăng đoàn đến vùng núi Tây Thiên - Tam Đảo xây dựng chùa hoằng pháp.
Liên quan đến những ngôi chùa cổ theo ngọc phả Hùng Vương ghi lại “Có lần vua Hùng Vương thứ 7 là Chiêu Vương lên núi Tam Đảo cầu Tiên thì nghiễm nhiên đã thấy có chùa thờ Phật“. Các tài liệu cổ cũng ghi nhận nơi đây có ba ngôi chùa mang tên Thiên Ân Cổ Tự, Phù Nghì Cổ Tự và Tây Thiên Cổ Tự.
Những dấu tích để lại cho chúng ta thấy Tây Thiên là miền đất mà đạo Phật đã được truyền giáo vào từ thời Hùng Vương và được biết đến như chiếc nôi của Phật giáo Việt Nam. Nơi đây đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng là “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia“ từ năm 1991. Năm 2004, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây dựng và từ đó Tây Thiên ngoài vẻ đẹp cổ kính còn có sự khang trang tao nhã và sáng láng lạ kỳ. Bước vào bái đường của Thiền viện, du khách được ngợp trong một không gian rộng lớn và thiêng liêng.
Một công trình nghệ thuật đặc sắc nhất tại Tây Thiên đã đang dần hoàn thiện đó là Tòa Đại Bảo tháp Mandala Ngũ Trí. Đại Bảo tháp là nơi chứa đựng Tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa và không khí). Với thiết kế ba phần (chân đế, mái vòm, chóp đỉnh) tượng trưng cho Thân Khẩu Ý giác ngộ của mười phương chư Phật, nên hiểu cho Pháp thân của Phật, là bản tính đích thực của Tâm giác ngộ Toàn tri. Chính tay Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa - vị thượng sư từ bi được hóa thân của Bồ tát Quan thế âm, cũng là vị Thầy đứng đầu truyền thừa Drukpa của thế giới đã lựa chọn khu đất quy tụ nhiều linh khí của đất trời Tây Thiên để xây Bảo tháp. Ngài cũng chính là người đã thiết kế, gia trì và an trí những viên xá lợi linh thiêng vào tâm Bảo tháp Tây Thiên.
… Linh thiêng quê Mẫu:
“Thánh Mẫu anh hùng vô dĩ đối
Phù Hùng - Diệt Thục đắc huân công”.
Theo Ngọc phả thời Hùng Vương và những câu chuyện lịch sử ghi lại: Khi vua Hùng Vương thứ 7 tới Tây Thiên (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay) để thỉnh Phật, Ngài đã gặp gỡ và kết duyên cùng thiếu nữ Lăng Thị Tiêu. Hoàng phi Lăng Thị Tiêu đã cùng vua mở mang bờ cõi, thống nhất giang sơn, dạy dân trồng lúa, giữ lửa trong buổi bình minh của dân tộc, xây dựng một đất nước thái bình thịnh trị.
Với những công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương - Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần. Hàng năm, cứ vào ngày 15/2 âm lịch, hàng ngàn du khách không ngại vượt đường xa để mong được hưởng sự may mắn, chở che của Quốc Mẫu Tây Thiên.
Xuân năm nay, tín đồ Phật tử, du khách thập phương còn có dịp chiêm bái đền thờ Thần Thanh Sơn Đại Vương với bức tượng thánh Mẫu tuyệt mỹ có một không hai ấy. Sử sách kể thần là cô gái của một vị tộc trưởng ở trang Đông Lộ, nhờ cầu mưa mà sinh ra, từng tham gia cuộc chiến tranh Hùng Thục để bảo vệ đất nước; Trong tự điển Bộ Lễ thời Lê đã ghi lưu rất rõ: “Thần núi Tam Đảo họ Lăng, tên là Tiêu (Lăng Thị Tiêu), tục gọi là bà Cẩm Giang, người xã Đông Lộ, huyện Tam Dương. Bà sinh vào thời Trần, do hun đúc khí tốt từ núi cao (núi Tam Đảo), cốt cách không giống người trần tục, thường ở các vực, bỗng chốc thần biến hóa, bỗng chốc thần ẩn náu hoặc hiện hình, linh ứng khôn lường. Khi Lê Thái Tổ sắp khởi binh ở Lam Sơn, sự nghiệp chưa hoàn thành, có một người họ Lưu, tên là Chú, người xã Vân Yên, huyện Đại Từ, người này ban đêm ngủ tại Đền Quốc Mẫu, mộng thấy thần hiện lên báo với ông ta về sau đánh giặc sẽ thành công - tức nhờ thần âm phù mà được như thế. Trải từ đó đến nay, nước đảo dân cầu đều được như ý” (Nam Việt thần kỳ hội lục, A 761, tờ 49a-49b, lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm). Như vậy sự giao thoa giữa tín ngưỡng thờ nữ thần, đạo Mẫu cùng Phật giáo tạo nên một nét độc đáo mang tính bản sắc của việc thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Nó minh chứng cho sức sống và vị thế của vị thần, hình tượng Quốc Mẫu Tây Thiên nói riêng và bản sắc văn hóa địa phương nói chung trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh của người Việt. Tây Thiên luôn là nơi mong muốn được tìm về để được che chở và cầu bình an với những tín đồ Phật tử. Và cũng là nơi không thể không ghé qua với những tín đồ du Xuân khám phá bởi cảnh sắc thiên nhiên nguyên sơ và hùng vĩ.
Duy Minh
Theo