Hàng chục hộ dân có hợp đồng kinh tế trồng cao su với nông trường Bời Lời tại địa bàn xã Hưng Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh đang lo lắng trước thông tin các cơ quan chức năng địa phương đã chấp thuận cho Cty CP Thương mại và đầu tư Nhật Hoàng thực hiện dự án nhà máy xử lý rác tại khu vực này. Lý do là hợp đồng kinh tế của các hộ dân này ký với Giám đốc Nông trường Bời Lời đã xác định thời hạn hợp đồng đến năm 2043 mới hết hạn. Sau 18 năm đầu tư chăm sóc, cây cao su đang vào thời kỳ khai thác mủ thì việc chặt bỏ hàng chục ha cao su để lấy đất xây dựng nhà máy xử lý rác sẽ gây thiệt hại cho người dân. Hơn thế nữa dự án nhà máy xử lý rác này cũng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường vì nằm cạnh kênh Đông là hệ thống dẫn nước ngọt từ hồ Dầu Tiếng về cung cấp cho hàng triệu người dân TP.HCM.
Ngày 25/1/2010, một số người (có cả cán bộ xã Hưng Thuận) cùng phương tiện cơ giới đã ngang nhiên vào khu vực trồng cao su của gia đình bà Phương tiến hành khoan thăm dò địa chất. |
Trong đơn khiếu nại và hồ sơ gửi các cơ quan thông tấn báo chí, bà Huỳnh Thị Lan Phương trình bày rằng thực hiện chủ trương khai hoang đất để trồng cây công nghiệp, năm 1992 bà cùng chú mình là ông Nguyễn Hồng Minh đã ký hợp đồng kinh tế trồng 50 ha cao su với Nông trường Bời Lời thuộc Cty cao su Tây Ninh. Toàn bộ diện tích cao su này thuộc địa bàn ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận (nay là xã Hưng Thuận), huyện Trảng Bàng. Thời hạn hợp đồng được ký kết là 50 năm, tức bằng một chu kỳ chăm sóc và khai thác cây cao su.
Tin tưởng vào hợp đồng kinh tế được ký kết, gia đình bà Huỳnh Thị Lan Phương đã đầu tư kinh phí và công sức san ủi mặt bằng cũng như chăm sóc vườn cao su xanh tốt trong 18 năm qua. Tuy nhiên, ngày 25/1/2010, một số người (có cả cán bộ xã Hưng Thuận) cùng nhiều phương tiện cơ giới đã ngang nhiên vào khu vực trồng cao su của gia đình bà Phương tiến hành khoan thăm dò địa chất với lý do một phần diện tích khoảng 30ha cao su tại đây nằm trong dự án xây dựng nhà máy xử lý rác.
Nhóm người này đã “xuất trình” văn bản chấp thuận cho Cty CP Thương mại và đầu tư Nhật Hoàng thực hiện dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn với công suất 200 tấn rác/ngày do ông Võ Hùng Việt - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ký từ ngày 6/11/2008.
Khi bà Phương gửi đơn khiếu nại thì nhận được văn bản trả lời của Sở KH&ĐT tỉnh Tây Ninh với nội dung việc Nông trường Bời Lời cho thuê đất là không đúng thẩm quyền vì từ năm 2001, toàn bộ hơn 939ha đất của nông trường này đã được giao về cho UBND huyện Trảng Bàng quản lý.
Không đồng ý về điều này, bà Phương cho rằng người dân không hề được thông báo đầy đủ về pháp lý đất đai của Nông trường Bời Lời. Tại sao năm 2001, khi UBND tỉnh có quyết định giao đất của nông trường về cho UBND huyện Trảng Bàng nhưng không công khai cho những hộ dân đang ký hợp đồng kinh tế trồng cao su, trong đó có gia đình bà biết để điều chỉnh. Chỉ đến khi có dự án đầu tư của Cty CP Thương mại và đầu tư Nhật Hoàng thì những căn cứ pháp lý về đất đai của Nông trường Bời Lời mới được công bố, gây tâm lý hoang mang cho người dân.
Gần đây nhất, ngày 4/9/2010, Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng đã tổ chức cuộc đối thoại với các hộ dân đang có hợp đồng trồng thuê đất trồng cao su với Nông trường Bời Lời. Phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại, các hộ dân đã kiến nghị được tiếp tục thuê đất với thời hạn 50 năm như trong hợp đồng kinh tế đã ký với ông Hà Minh Đỏ - Giám đốc Nông trường Bời Lời. Lý do là những năm trước, dù thua lỗ vì giá mủ cao su thấp nhưng người dân vẫn cố gắng duy trì chăm sóc vườn cao su. Hiện nay, giá mủ cao su đã tăng cao và Nhà nước cũng đang khuyến khích người dân trồng cao su. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài thuê đất trồng cao su, thì không có lý do gì lại chặt bỏ cao su để xây dựng nhà máy xử lý rác mà chưa biết công nghệ xử lý ra sao vì đến lúc này người dân vẫn chưa biết gì về dự án này.
Điều đáng lưu ý là tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Văn Lam - Trưởng Phòng TN&MT huyện Trảng Bàng, cũng lo ngại về nguy cơ ô nhiễm phát sinh khi dự án nhà máy xử lý rác nếu được xây dựng tại khu vực này.
Thực tế, diện tích được UBND tỉnh Tây Ninh chấp thuận cho Cty CP Thương mại và đầu tư Nhật Hoàng xây dựng nhà máy xử lý rác có công suất 200 tấn/ngày đêm, có địa hình đất dốc, nằm gần kênh Đông dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về Củ Chi cung cấp cho nhà máy nước kênh Đông. Nếu công nghệ xử lý rác mà Cty?CP Thương mại và đầu tư Nhật Hoàng áp dụng không đảm bảo các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường thì nguy cơ ô nhiễm đến nguồn nước sinh hoạt cho hàng triệu người dân TP.HCM sẽ là điều cần lưu ý.
Bài học về công nghệ xử lý rác gây ô nhiễm đã bộc lộ tại dự án “nhà máy xử lý rác hiện đại nhất Đông Nam Á” của Cty CP Vietstar khi vốn đầu tư được công bố là 750 tỷ đồng nhưng vẫn phát sinh mùi hôi và nước rỉ rác tại huyện Củ Chi khi chỉ mới tiếp nhận 600 tấn rác/ngày. Còn với số vốn đăng ký kinh doanh chỉ khoảng 6 tỷ đồng thì không hiểu Cty CP thương mại và đầu tư Nhật Hoàng sẽ áp dụng công nghệ gì để xử lý tốt 200 tấn rác/ngày. |
Mimoza Trần
Theo baoxaydung.com.vn