Thứ bảy 20/04/2024 06:16 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tây Hồ (Hà Nội): Dự án cải tạo mương Thụy Khuê chậm tiến độ gây ô nhiễm môi trường

18:46 | 24/11/2022

(Xây dựng) – Khu vực mương Thụy Khuê dọc theo dốc La Pho đến cống Đõ (quận Tây Hồ, Hà Nội) chỉ dài khoảng 3km nhưng nhiều năm nay, người dân phải chịu đựng mùi hôi thối, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Khởi công từ năm 2012, đến nay dự án Cải thiện môi trường mương thoát nước Thụy Khuê vẫn chưa hoàn thành, đoạn thì được cống hóa, đoạn thì biến thành nơi tập kết rác thải, phế thải xây dựng.

Tây Hồ (Hà Nội): Dự án cải tạo mương Thụy Khuê chậm tiến độ gây ô nhiễm môi trường
Mương thoát nước Thụy Khuê dài khoảng 3km và là kênh thoát nước chính của hai quận Ba Đình và Tây Hồ.

Tìm hiểu được biết, cuối năm 2012, dự án Cải thiện môi trường xung quanh mương thoát nước Thụy Khuê được khởi công với tổng vốn là 400 tỷ đồng do UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư và dự kiến hoàn thành sau 17 tháng thi công.

Tây Hồ (Hà Nội): Dự án cải tạo mương Thụy Khuê chậm tiến độ gây ô nhiễm môi trường
Theo kế hoạch, dự án sẽ cống hoá mương Thuỵ Khuê bằng hệ thống cống hộp, có vỉa hè 2 bên cùng hệ thống cấp nước và chiếu sáng đồng bộ.

Đây là dự án cống hóa với quy mô mặt cắt ngang rộng 9-11m, hai làn xe cơ giới, hệ thống chiếu sáng, thoát nước được thiết kế đồng bộ. Dự án liên quan đến 325 hộ dân thuộc ngõ 67 đường Thụy Khuê, trong đó có 23 hộ trong diện giải phóng mặt bằng phải di dời toàn bộ diện tích nhà đất. Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, cả khu vực vẫn như ngồn ngang vật liệu, phế thải, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và cuộc sống sinh hoạt của người dân.

Ở đoạn mương từ dốc Tam Đa đến trước ngõ 167 Thụy Khuê dù đã được cống hóa song việc đi lại của các hộ dân gặp nhiều khó khăn do mặt đường lồi lõm nham nhở, ngổn ngang rác, phế thải, vật liệu xây dựng khiến khu vực này thường xuyên bụi mù.

Tây Hồ (Hà Nội): Dự án cải tạo mương Thụy Khuê chậm tiến độ gây ô nhiễm môi trường
Nhiều năm nay, người dân phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) phải sống chung với con mương ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, rác thải đóng thành bè.

Lòng mương rộng khoảng 2-3m, chứa dòng nước đen kịt, đặc quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc, rác thải đóng thành bè...Người dân khu vực này nhiều năm chịu khốn khổ vì sự ô nhiễm từ con mương. Không chỉ sống chung với mùi hôi thối, rác thải cũng là vấn đề nhức nhối đối với người dân địa phương. Việc tiến hành xây dựng cũng gây ra nhiều khó khăn cho người dân. Cảnh tượng ngổn ngang như đại công trường ở đoạn mương ngõ 105 Thụy Khuê, gây khó khăn trong việc đi lại của các hộ dân do mặt đường lồi lõm, nham nhở, ngổn ngang rác, phế thải, vật liệu xây dựng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Vũ Bá Đông – Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Khuê cho biết: Dự án đã được triển khai và hoàn thiện lên đến 80% khối lượng. Tuy nhiên, 2 năm qua do đại dịch Covid-19 nên còn một đoạn ngắn mương bị tạm ngừng thi công.

Chia sẻ thêm về những khó khăn của dự án, ông Vũ Bá Đông thông tin: Do khu vực này diện tích ngõ đi vào rất nhỏ, chật hẹp, đường dẫn đưa máy móc vào khó khăn. Bên đơn vị thi công vừa thi công từng đoạn, vừa đảm bảo việc thoát nước cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân nên phải thi công từ từ từng khu vực một. Ngoài ra, do khu vực nhà tái định cư đã được tận dụng làm nơi thu dung trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Vì vậy, hiện nay, còn hơn 10 hộ dân đang chờ nhà tái định cư được nghiệm thu và hoàn thiện các thủ tục để di chuyển. Tuy nhiên, đáng mừng là hầu hết người dân đều vô cùng ủng hộ dự án này bởi UBND phường cũng đã vận động, tuyên truyền người dân phối hợp với chủ đầu tư, đơn vị thi công để dự án sớm được hoàn thiện. Dự kiến, đến năm 2023 sẽ hoàn thiện toàn bộ dự án, và người dân sẽ được hưởng lợi, cuộc sống và môi trường sinh hoạt sạch đẹp, văn minh hơn.

GS.TS Trần Đức Hạ - Giảng viên cao cấp, Bộ môn Cấp thoát nước, Đại học Xây dựng chia sẻ về vai trò của mặt nước tại các ao, hồ trong khu vực đô thị. Chức năng chính của mặt nước tại sông, hồ, suối là tiêu thoát nước. Đồng thời, tạo cảnh quan khu vực và là hệ sinh thái của đô thị, từ đó góp phần cải thiện môi trường, đều tiết vi khí hậu khu vực xung quanh. Do đó, hệ thống mặt nước sông hồ và sự phát triển đô thị luôn đi song hành, kết nối với nhau. Hiện nay, theo thống kê, Hà Nội có khoảng 100 – 125 hồ, chủ yếu là hồ nhỏ - chức năng chính là điều tiết nước mưa và góp phần vào cảnh quan đô thị. Nhiều diện tích mặt nước hiện nay đang bị đe dọa bởi sự ô nhiễm, rác thải, nước thải không qua xử lý. Hà Nội cũng đã nhiều lần mời các đoàn chuyên gia nước ngoài cũng như trong nước nghiên cứu một số giải pháp xử lý tình trạng trên như kè hồ, tách nước thải khỏi mặt hồ, mặt sông, vớt rác thải và tiến hành cống hóa, mương hóa tại sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, hồ Gươm, hồ Tây…

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khu vực ao hồ bị ô nhiễm mà chưa thể có biện pháp xử lý triệt để dẫn đến ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt của người dân. Điển hình là dự án mương Thụy Khuê, mương đó trước là để thoát nước mưa. Tuyến mương đi dọc Thụy Khuê là một nhánh của sông Tô Lịch và là đường thoát nước của hai quận Ba Đình và Tây Hồ với chiều dài khoảng 3km (kéo dài từ dốc La Pho đến cống Đõ, quận Tây Hồ, Hà Nội). Tuy nhiên, sau quá trình đô thị hóa, phát triển dân cư nhanh chóng cộng với bùn thải, ô nhiễm rác thải tích tụ nhiều năm nên bốc mùi hôi thối. Để xử lý dứt điểm những vấn đề ô nhiễm, cần phải xử lý một số vấn đề như: Tiến hành cống hóa – như hiện tại quận Tây Hồ đang làm với đoạn mương Thụy Khuê; tách nước thải khỏi ao, hồ; nạo vét hồ thường xuyên; kè hồ để xây dựng hành lang bảo vệ mặt nước…

Diệu Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load