Thứ ba 15/10/2024 21:50 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Tập trung khắc phục thiệt hại do lốc, mưa đá tại Lào Cai

07:23 | 31/03/2013

Ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện yêu cầu Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo khắc phục thiệt hại do lốc, mưa đá.


Bộ đội biên phòng huyện Mường Khương hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai tập trung chỉ đạo cứu chữa người bị thương, hỗ trợ cứu đói cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng, thiếu đói, nhất là những gia đình thuộc đối tượng chính sách.

Huy động các lực lượng công an, quân đội, đoàn thể tại chỗ hỗ trợ nhân dân sửa chữa lại nhà cửa, khôi phục sản xuất.

Tăng cường các biện pháp điều tiết nguồn hàng, quản lý giá cả thị trường, nhất là giá lương thực, thực phẩm, giá các vật tư, vật liệu thiết yếu cho sửa chữa nhà cửa, không để khan hiếm hàng, lợi dụng thiên tai ép giá.

Như đã đưa tin, trong các ngày 27 và 29/3, mưa đá, lốc xoáy đã xảy ra tại các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và Bảo Yên, gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, hoa màu.

Theo thông tin ban đầu, tại huyện Mường Khương, trận mưa đá ngày 27/3 ảnh hưởng tới 13 xã, thị trấn làm khoảng 7.000 ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng hoàn toàn; 500 ha ngô, 200 ha cây thuốc lá, 600 ha cây đậu tương bị dập nát và 23 người bị thương.

Thị trấn Si Ma Cai có khoảng hơn 1.000 hộ dân bị hư hại nhà cửa. Tại huyện Bắc Hà, trận mưa đá đã gây thiệt hại cho nhà cửa (của hơn 2.500 hộ dân), trường học, hoa màu ở 12 xã và một số người dân bị thương.

Trận mưa đá kèm theo lốc xoáy vào sáng qua, 29/3 ở huyện Bảo Yên đã khiến hơn 100 ngôi nhà bị tốc mái; 3 ngôi nhà bị đổ hoàn toàn và 1 người dân bị thương.

Trận mưa kéo dài khoảng 20 phút với những viên đá có kích thước từ 1 - 2 cm, thậm chí có nơi viên đá có kích thước từ 5 - 8 cm với mức độ dày đặc.

Những viên đá lớn của trận mưa phá nát vườn mận ở Bắc Hà.

Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Ở vùng núi phía bắc nước ta, từ tháng 1 - 5 hàng năm thường có mưa đá, nhiều nhất là từ tháng 3 - 5, mà nguyên nhân chủ yếu là các đợt front lạnh cực mạnh tràn về nhanh.

Dấu hiệu nhận biết để phòng tránh: Nếu thấy trời nổi dông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, có dạng như bầu vú, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục thì hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi, có thể mưa đá đã kéo đến. (Nguồn: Trung tâm Dự báo KTTV Trung ương)

Theo Chinhphu.vn

Theo baoxaydung.com.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load