Từ 2019-2021, Thừa Thiên-Huế hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ).
Nhà dân trên khu vực 1 di tích Kinh thành Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)
Thời gian tới, Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt triển khai một số nhiệm vụ theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về dự án di dời các hộ dân khu vực 1 di tích Kinh thành Huế; đặc biệt, hoàn thành đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để thực hiện di dời các hộ dân sống ở khu vực thượng thành từ tháng 10/2019.
Theo thông tin từ cuộc họp thứ 8 Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khóa 7, diễn ra ngày 8/7, Thừa Thiên-Huế sẽ thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng).
Mục tiêu cụ thể từ năm 2019-2021 (giai đoạn một), tỉnh hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực di tích Kinh thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ).
Từ năm 2022-2025 (giai đoạn hai), Thừa Thiên-Huế hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích hồ Tịnh Tâm, hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ bốn phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).
Tại cuộc họp lần này, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bàn về tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm và bàn giải pháp thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2019.
Từ nay đến cuối năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai lập quy hoạch trên địa bàn giai đoạn 2021-2030, định hướng 2050; báo cáo tổng kết đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW; xây dựng cơ chế cho đô thị di sản Huế.
Tỉnh hoàn thành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô; hoàn thành điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Huế đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng quy hoạch xây dựng vùng cảnh quan sinh thái đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; điều chỉnh quy hoạch các dự án kêu gọi đầu tư phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch nông thôn mới.
Đối với các dự án khác, tỉnh hỗ trợ triển khai dự án xây dựng mới nhà ga và sân đỗ Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; nghiên cứu, hỗ trợ Vietravel thành lập hãng hàng không tại Huế, hỗ trợ Bamboo Airway và các hãng hàng không khai thác mở các đường bay mới; triển khai thi công nâng cấp cao tốc Cam Lộ-La Sơn, dự án hầm đường bộ Hải Vân (bốn làn xe).
Đối với chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh tập trung đầu tư cho các xã gần đạt chuẩn 19/19 tiêu chí; phấn đấu đến cuối 2019, có từ 54-58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng ít nhất 10-14 xã; đạt tỷ lệ trên 53%.
Tỉnh tiếp tục triển khai Đề án "Huế - Kinh đô Ẩm thực;" xây dựng hệ thống thông tin du lịch thông minh, tạo không gian thông minh, là điểm đến trải nghiệm thân thiện, bền vững với du khách; hệ thống wifi phục vụ phát triển dịch vụ đô thị thông minh. Cùng với đó, tỉnh xây dựng Thừa Thiên-Huế xứng tầm là "thành phố Văn hóa ASEAN;" "thành phố Xanh Quốc gia;" "thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam;" tập trung công tác chuẩn bị Festival Huế năm 2020...
Đánh giá tình hình thực hiện kinh tế, xã hội sáu tháng đầu năm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, có 5/5 chỉ tiêu chủ yếu đều tăng trưởng khá hơn so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tốc độ GRDP tăng 6,87% (tăng ở mức khá so với các tỉnh miền Trung). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 9.950 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước 3.822 tỷ đồng, tạo việc làm mới 8.680 người.
Hoạt động du lịch Thừa Thiên-Huế sôi động hơn với các chương trình du lịch, văn hóa, lễ hội, thể thao, với tổng lượng khách du lịch đón đạt gần 2,5 triệu lượt khách, tăng 4,6%; doanh thu du lịch đạt 2.320 tỷ đồng, tăng hơn 2%. Tình hình thu hút đầu tư cũng đạt kết quả nổi bật: tỉnh đã cấp mới 16 dự án đầu tư và điều chỉnh tăng vốn bốn dự án với tổng vốn đăng ký và tăng thêm đạt trên 15.000 tỷ đồng; trong đó có bốn dự án lớn với tổng vốn đăng ký 13.000 tỷ đồng.
Hạn chế của Thừa Thiên-Huế trong sáu tháng đầu năm nay là tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,87%, dù cao hơn cùng kỳ năm 2018 (5,92%) nhưng không đạt kế hoạch; một số năng lực mới ngành công nghiệp tạo giá trị gia tăng cao nhưng chậm đưa vào hoạt động sản xuất; chưa có nhân tố mới đột phá làm ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng quy mô nền kinh tế.
Hạ tầng phục vụ du lịch chưa đồng bộ, chưa hình thành được các tour tuyến để kết nối kéo dài thời gian lưu trú của khách; chưa kêu gọi được các nhà đầu tư ngành công nghiệp tạo giá trị tăng cao vào địa bàn; chậm triển khai các trung tâm thương mại, đầu tư nâng cấp chợ Đông Ba.../.
Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)