Thông tư số 38/2018/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành quy định về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và áp dụng ưu đãi thuế quan theo đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ảnh minh họa
Thông tư số 38/2018/TT-BTC là một văn bản quy phạm pháp luật quan trọng quy định cụ thể, thống nhất, minh bạch về xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Lần đầu tiên đối với lĩnh vực xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có một đầu mối văn bản riêng giúp hải quan và doanh nghiệp thuận tiện trong việc thực hiện và tra cứu.
Việc ban hành Thông tư giúp minh bạch hóa trong việc thực hiện xác định xuất xứ hàng hóa: Thông tư đã quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các trường hợp không phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, các chừng từ phải nộp khác để chứng minh xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu...
Một số nội dung quan trọng
Thông tư 38 quy định cụ thể hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (Điều 3). Theo đó, hồ sơ xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm:
a) Đơn đề nghị xác định trước xuất xứ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại mẫu số 01/CT/XĐTXX/GSQL Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 38/2018/TT-BTC;
b) Bản kê nguyên liệu, vật tư dùng để sản xuất hàng hoá gồm các thông tin: tên hàng, mã số hàng hóa, xuất xứ nguyên liệu, vật tư cấu thành sản phẩm, giá CIF hoặc giá tương đương của nguyên liệu, vật tư do nhà sản xuất hoặc nhà xuất khẩu cung cấp: 01 bản chụp;
c) Bản mô tả sơ bộ quy trình sản xuất hàng hoá hoặc Giấy chứng nhận phân tích thành phần do nhà sản xuất cung cấp: 01 bản chụp;
d) Catalogue hoặc hình ảnh hàng hóa: 01 bản chụp.
Thủ tục xác định trước xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 28 Luật Hải quan, Điều 24 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP và khoản 11 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định cụ thể các trường hợp phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 4):
a) Hàng hoá có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam; hàng hóa từ khu phi thuế quan nhập khẩu vào thị trường trong nước đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ có thỏa thuận ưu đãi thuế quan trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
b) Hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ các chế độ quản lý nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên; hàng hóa đang được thông báo nghi ngờ nhập khẩu từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ trong danh sách bị cấm vận theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
c) Hàng hoá thuộc diện Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.
d) Hàng hoá thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng, để xác định hàng hóa không thuộc diện áp dụng các thuế này.
Xử lý các trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Thông tư 38 quy định cụ thể việc xử lý các trường hợp không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 4) như sau: Đối với hàng hóa nhập khẩu áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt nếu người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa áp dụng thuế suất ưu đãi (MFN) hoặc thông thường.
Đối với hàng hóa phải nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan mà người khai hải quan không nộp thì hàng hóa không được thông quan và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trường hợp hàng hóa quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC, người khai hải quan không nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng hàng hóa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam kết luận hàng hóa đủ điều kiện nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu theo pháp luật chuyên ngành thì cơ quan hải quan thực hiện thông quan theo quy định.
Đối với hàng hóa áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ hoặc thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan nếu người khai hải quan không nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì hàng hóa áp dụng thuế chống bán phá giá hoặc thuế chống trợ cấp hoặc thuế tự vệ hoặc thuế suất ngoài hạn ngạch thuế quan đối với toàn bộ lô hàng và được thông quan theo quy định.
Thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Thông tư quy định cụ thể thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Điều 7): Đối với trường hợp người khai hải quan có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan: nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Đối với trường hợp người khai hải quan chưa có chứng từ tại thời điểm làm thủ tục hải quan: được chậm nộp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan, trừ 02 trường hợp ngoại lệ: (1) đối với C/O mẫu EAV nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan, (2) đối với C/O mẫu KV (VK) trường hợp chưa có chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm làm thủ tục hải quan thì nộp trong thời hạn 01 năm.
Đồng thời, Thông tư cũng quy định cụ thể việc trừ lùi C/O đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan để nhập khẩu nhiều lần vào nội địa (Điều 23).
Theo đó, trường hợp một lô hàng đưa từ nước ngoài vào kho ngoại quan để nhập khẩu vào nội địa nhiều lần thì được sử dụng C/O để lập Phiếu theo dõi trừ lùi cho từng lần nhập khẩu vào nội địa và được áp dụng trừ lùi tại nhiều Chi cục Hải quan khác nhau.
Quy định này tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa từ kho ngoại quan vào nội địa.
Theo Khánh Linh/Chinhphu.vn