(Xây dựng) - Trong định hướng phát triển đến năm 2020 là tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã xác định và lựa chọn dịch vụ du lịch đẳng cấp làm trọng tâm phát triển của ngành dịch vụ. Để hiện thực hóa được mục tiêu này, trong những năm gần đây tỉnh đã tạo được những đột phá mạnh mẽ vào đầu tư hạ tầng, tạo sức hấp dẫn đặc biệt cho du lịch mang thương hiệu Quảng Ninh.
Sức hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh trong những năm gần đây không còn chỉ nằm ở việc khai thác tốt các tour, tuyến tham quan Vịnh Hạ Long hay các danh lam thắng cảnh trên địa bàn, mà những công trình hạ tầng du lịch được đầu tư xây dựng đã và đang trở thành sự lựa chọn và cân nhắc tiếp tục quay trở lại của du khách đối với du lịch Quảng Ninh. Từ điểm khởi đầu đặt chân vào đất mỏ với chuyến hành hương chiêm bái nơi Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông hóa Phật lên đỉnh Ngọa Vân bằng tuyến cáp treo, đến ở thành phố du lịch Hạ Long với những công trình vui chơi, giải trí độc đáo, tầm cỡ châu Á và ra địa đầu Tổ quốc dừng chân nơi thành phố vùng biên Móng Cái để tiếp tục trải nghiệm các loại hình dịch vụ du lịch mới lạ trên các tuyến phố đi bộ, ngắm nhìn cụm công trình văn hóa du lịch thể thao nơi mũi Sa Vĩ... đã khiến du khách bị cuốn hút, đến một lần muốn quay trở lại để tiếp tục trải nghiệm hành trình khám phá cảnh sắc thiên nhiên và sử dụng các dịch vụ đẳng cấp. Tính trong 6 tháng đầu năm 2017, đã có trên 5,84 triệu lượt khách du lịch đến với Quảng Ninh, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 8.300 tỷ đồng.
Công viên Đại Dương Hạ Long - địa điểm hấp dẫn của du lịch Quảng Ninh. Ảnh: Hùng Sơn
Để du lịch Quảng Ninh có được sự hấp dẫn như hôm nay phải bắt đầu từ chủ trương dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách và huy động các nguồn lực hợp pháp khác để ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng du lịch. Tỉnh đã tranh thủ mọi nguồn lực nhằm cải thiện các cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch, như TP Cẩm Phả dành hơn 730 tỷ đồng để đầu tư dự án khu di tích Đền Cửa Ông, thư viện nhà truyền thống, TX Đông Triều bằng nguồn vốn ngân sách và huy động đầu tư từ doanh nghiệp hơn 160 tỷ đồng để làm tuyến đường từ hồ Trại Lốc vào di tích chùa Ngọa Vân, đường vào lăng mộ nhà Trần... Không chỉ đầu tư các công trình hạ tầng trực tiếp phục vụ cho phát triển du lịch, mà hầu hết các công trình hạ tầng tỉnh tập trung đầu tư trong thời gian qua cũng nhằm mục tiêu tạo nền kích thích dịch vụ du lịch phát triển, như: Tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cầu và đường dẫn cầu Bắc Luân II; sân bay quốc tế Vân Đồn và các dự án tại Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn; đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái; cải tạo và nâng cấp cảng Cái Rồng, Vân Đồn, cảng phía bắc đảo Cái Bầu, Vân Đồn; cảng du lịch Hòn Gai; cảng Vũng Đục (Cẩm Phả), các điểm neo đậu tàu lưu trú trên Vịnh Bái Tử Long... Đến nay, các công trình hạ tầng về giao thông và hạ tầng khác đã phát huy hiệu quả và tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch, như: Cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Uông Bí - Hạ Long, đường từ hồ Trại Lốc vào Phủ Am Trà (TX Đông Triều), đường từ chùa Hồ Thiên đến Yên Tử, đưa điện lưới ra đảo Cô Tô và các xã đảo huyện Vân Đồn. Hạ tầng kỹ thuật viễn thông thực hiện phủ sóng di động đến phạm vi toàn tỉnh, phủ sóng 3G đến tất cả các điểm du lịch, một số địa phương đã có dịch vụ 4G, triển khai mở rộng các đường truyền băng thông rộng phục vụ du lịch... Ngoài việc đầu tư các hạ tầng cơ bản, việc tập trung đầu tư một số thiết chế văn hóa, như Cụm Bảo tàng - Thư viện; Cung Quy hoạch, Triển lãm đã được hoàn thiện giai đoạn I, tiếp tục tạo thêm điểm nhấn mới để thúc đẩy phát triển du lịch.
Lấy nguồn lực đầu tư từ ngân sách để dẫn dắt nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách, bằng sự cởi mở về chủ trương, quan điểm sẵn sàng chào đón, tỉnh đã xây dựng cơ chế thông thoáng về đầu tư phát triển du lịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính và phát triển các dịch vụ hỗ trợ đầu tư để thu hút các nhà đầu tư. Vì vậy, tỉnh đã mời gọi và giữ chân được rất nhiều “ông lớn” đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ du lịch của đất nước như Vingroup, Sun Group, BIM Group, FLC... Có những dự án đầu tư dịch vụ du lịch lên đến hàng nghìn tỷ đồng, như Khu khách sạn nghỉ dưỡng biển cao cấp tại Đảo Rều tại Bãi Cháy (TP Hạ Long) của Công ty TNHH Vinpearl Hạ Long, Công viên Đại Dương Hạ Long của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long, Khu dịch vụ cao cấp Bến Đoan tại TP Hạ Long - Vinhomes Hạ Long, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh (TP Cẩm Phả) của Công ty TNHH Mặt trời Hạ Long...
Trong định hướng phát triển của ngành Du lịch Quảng Ninh những năm tới 2 trung tâm du lịch lớn là Hạ Long và Vân Đồn sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển dịch vụ du lịch của tỉnh. Đặc biệt với hàng loạt các dự án hạ tầng du lịch mang đẳng cấp quốc tế tại Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, như: Cảng hàng không Quảng Ninh, Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino nằm trong vùng lõi của đặc khu được kỳ vọng sẽ tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt hơn nữa của du lịch Quảng Ninh.
PV
Theo