Không đường đi lối lại phù hợp, không bệnh xá, không trường học, không dịch vụ đời sống - “4 không”, đó là tình cảnh một thời của nhà ở xã hội (NƠXH).
Hình ảnh thực tế cổng vào dự án HQC Plaza.
Thực trạng ấy đã khiến cho nhiều người thiếu niềm tin trầm trọng đối với phân khúc nhà ở này, kể cả những người có thu nhập thấp (TNT), đang “khát” chỗ ở.
Đã qua thời "4 không"
"Là một hình mẫu về thành công của chương trình phát triển NƠXH, thế nhưng tại Bình Dương thời gian đầu, khi xây dựng NƠXH cũng không có người vào ở, mặc dù nhu cầu nhà ở của người lao động nhập cư là rất lớn” - Kiến trúc sư trưởng Tập đoàn Becamex IDC (Bình Dương) Nguyễn Hồng Hải cho biết. Theo ông Hải, nguyên nhân căn bản là NƠXH thường được thực hiện bởi những người giàu - họ lấy tư duy của người giàu để xây dựng dự án nhà ở cho người TNT, không hiểu hết được nhu cầu, nguyện vọng của người sử dụng nên dẫn đến thất bại.
Tuy nhiên, việc đầu tư phát triển các dự án NƠXH đến nay đã đổi khác. Nhiều DN đã đặc biệt chú trọng đến việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm nói chung. Không những vậy, có những dự án NƠXH được đánh giá là giàu tiện ích chẳng kém gì các dự án căn hộ thương mại.
Tại TP Hồ Chí Minh, đơn cử như dự án NƠXH HQC Plaza của Công ty Địa ốc Hoàng Quân, tọa lạc ngay trên mặt tiền đại lộ Nguyễn Văn Linh, có nhiều công trình tiện ích như trung tâm thương mại, khu vui chơi, khu tập thể thao, khu phố đi bộ, phòng khám đa khoa, nhà trẻ, công viên cây xanh, hồ bơi, sân tennis... Với hệ thống hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, cư dân HQC Plaza chỉ mất 5 phút để đến đại lộ Võ Văn Kiệt kết nối với trung tâm TP... Còn tại Bình Dương, theo ông Hải: "Căn cốt của vấn đề là chúng tôi đã tạo ra được một loại căn hộ dù có diện tích rất nhỏ, nhưng lại không bó buộc không gian, người dân có thể thoải mái sinh hoạt mà không bị ràng buộc". Bên cạnh đó, cũng như nhiều DN khác, Becamex IDC đã tạo ra không gian sống tiện ích với đầy đủ chợ, khu mua sắm, công viên cây xanh, mối liên hệ gần gũi mang đậm chất “tình làng nghĩa xóm” nên đã thu hút mạnh mẽ người lao động.
Cơ chế phải phù hợp với nhu cầu thực tế
Tại buổi tọa đàm “Mô hình nào cho NƠXH tại đô thị” diễn ra cuối tuần qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, nhu cầu về nhà ở của người TNT tại TP Hồ Chí Minh hiện rất lớn. Thế nhưng, nguồn cung căn hộ loại này lại đang thiếu hụt trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là bởi sự rườm rà của thủ tục, chi phí giá đất còn quá cao, các chính sách hỗ trợ chưa phát huy hết tác dụng, khiến DN không mặn mà đầu tư. "Đơn cử như việc buộc mỗi dự án phải dành 20% để xây dựng NƠXH, Nhà nước cần có cơ chế linh hoạt để không làm khó DN và không làm giảm giá trị của khu đô thị. Giả sử như tại khu Phú Mỹ Hưng, khu đô thị Thủ Thiêm, cả hai đều có diện tích lên tới mấy trăm héc ta, nhưng làm sao có thể phát triển NƠXH trong khu vực này?” - ông Châu chia sẻ.
Còn theo ông Hải, tư duy phát triển NƠXH tại Việt Nam hiện tại chưa linh hoạt. Chẳng hạn, việc bắt buộc làm NƠXH với đầy đủ quy chuẩn như phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp… cho người TNT như một ngôi nhà thương mại bình thường thì DN không thể làm nổi nhà ở giá rẻ. Thực tế, các dự án NƠXH của Becamex tại Bình Dương với hàng ngàn căn hộ giá bán chỉ từ 100 triệu đồng/căn được công nhân đón nhận tích cực vì các căn hộ này tốt hơn hẳn các khu nhà trọ lụp xụp mà họ ở trước đó.
Nghiên cứu gần đây của một nhóm chuyên gia cho thấy, với giá bán chính thức 9,7 triệu đồng/m2 thì những người có thu nhập từ 5 - 7,7 triệu đồng/tháng gần như không thể nào mua được nhà. Trong khi đó, với những người có thu nhập từ 10,2 - 14,3 triệu đồng/tháng thì chỉ mua được nhà ở có diện tích rất nhỏ, từ 39 - 55m2. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đồng quan điểm khi cho rằng, cần có sự tìm hiểu nhu cầu thực tế của người TNT và điều kiện của từng địa phương một cách thật sự nghiêm túc mới có thể đặt mục tiêu, kế hoạch cho việc phát triển NƠXH cho người TNT.
Theo Gia Việt/Kinhtedothi.vn
Theo