Tại phiên họp thứ 10 diễn ra vào chiều 15/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng.
Phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Tờ trình của Chính phủ về việc xin ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng của Chính phủ nhấn mạnh quan điểm xây dựng Nghị định là việc quy định cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù phải đáp ứng yêu cầu, thực tiễn tại địa phương và phù hợp với thẩm quyền của các cơ quan quan Nhà nước. Kế thừa, phát triển và hoàn thiện các quy định của Quyết định số 54/2004/QĐ-TTg ngày 5/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số cơ chế tài chính ngân sách ưu đãi đối với thành phố Hải Phòng. Bổ sung một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù trên cơ sở những quy định của pháp luật và đặc thù riêng của thành phố Hải Phòng.
Về nội dung, Dự thảo Nghị định quy định những vấn đề cụ thể liên quan đến việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển; các chính sách ưu đãi về tài chính, ngân sách...
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đối với Dự thảo Nghị định khẳng định sự cần thiết xây dựng và ban hành Nghị định.
Lý giải về sự cần thiết ban hành Nghị định, báo cáo thẩm tra nêu rõ, Hải Phòng là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn nhất phía bắc Việt Nam, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hoá, y tế, giáo dục, khoa học, thương mại và công nghệ của Vùng duyên hải Bắc Bộ.
Hải Phòng còn là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị loại 1, trung tâm cấp quốc gia. Vì vậy, để thể chế hóa Kết luận số 72-KL/TW ngày 10/10/2013 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW ngày 5/8/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về “Xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Bộ chính trị đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương: “Sớm trình cơ quan cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy, cán bộ, tài chính-ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng cho Thành phố đô thị loại 1, đô thị trung tâm cấp quốc gia…”.
Do vậy, việc Chính phủ dự kiến ban hành Nghị định về một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù đối với Hải Phòng là cần thiết để góp phần tạo điều kiện cho Thành phố huy động nguồn lực thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng, phục vụ cho phát triển và tăng trưởng kinh tế, phát huy vai trò trung tâm kinh tế-xã hội của khu vực.
Về thẩm quyền ban hành văn bản, báo cáo thẩm tra cho hay, Điều 74 của Luật NSNN năm 2015 quy định: Chính phủ xây dựng một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, báo cáo UBTVQH cho ý kiến trước khi thực hiện.
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng trình UBTVQH cho ý kiến là phù hợp với thẩm quyền của UBTVQH theo quy định của pháp luật.
Tại phiên họp, UBTVQH đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng, trong đó có các nội dung liên quan đến mức dư nợ vay của ngân sách thành phố Hải Phòng; việc bổ sung có mục tiêu từ nguồn tăng thu so dự toán và thưởng vượt dự toán thu...
Phát biểu kết thúc thảo luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định UBTVQH nhất trí với đề nghị của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị định một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải Phòng để thực hiện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 72 và Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị, tạo điều kiện cho thành phố Hải Phòng có đột phá để phát triển kinh tế-xã hội.
Về các cơ chế đặc thù cao hơn mức quy định của Luật Ngân sách thì UBTVQH nhất trí cho phép Thành phố huy động vốn đầu tư ở mức không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; nhất trí hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho thành phố Hải Phòng 70% số tăng thu so với dự toán thu được giao từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương.
* Tại phiên họp chiều 15/5, UBTVQH cho ý kiến về việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim Cự, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.
Theo Nguyễn Hoàng/BaoChinhphu.vn