Thứ năm 23/01/2025 17:31 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Tạo chuyển động thị trường bất động sản từ chính sách sát thực tế

15:02 | 01/04/2023

Cùng với việc rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp, cơ quan quản lý cần lắng nghe khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.

Tạo chuyển động thị trường bất động sản từ chính sách sát thực tế
Các tòa chung cư cao tầng dọc theo Xa lộ Hà Nội, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn được dự báo tiếp tục khó khăn, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 178/TTg-CN về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản.

Văn bản này được ban hành ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Điều này cho thấy sự quyết tâm tháo gỡ các "nút thắt" của Chính phủ đối với lĩnh vực này và việc thực thi tốt chính sách vĩ mô được kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản chuyển động tích cực.

Mục tiêu đặt ra cho thời gian tới là phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường giá cả bất động sản hợp lý hơn.

Cùng đó là hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, điều kiện chi trả; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Cùng với việc rà soát, phân loại dự án bất động sản để có các biện pháp xử lý phù hợp, cần lắng nghe khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.

Bởi vậy, các bộ, ngành liên quan cùng địa phương cũng được yêu cầu nhập cuộc; trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng (cơ quan quản lý nhà nước về thị trường bất động sản và nhà ở), Bộ Tài chính (cơ quan quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng) theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động, chủ trì, phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan liên quan và cùng quyết tâm của các doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập một cách quyết liệt, mạnh mẽ để vượt qua khó khăn, tạo chuyển biến tích cực, khởi sắc thị trường bất động sản.

Thị trường và doanh nghiệp bất động sản phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, phân khúc thị trường giá cả bất động sản hợp lý hơn, đặc biệt chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân; rà soát dự án nhà ở, bất động sản để cùng doanh nghiệp xử lý vướng mắc pháp lý, nhất là với dự án bất động sản có phát hành trái phiếu doanh nghiệp, có bảo lãnh, vay vốn ngân hàng và huy động vốn từ người mua nhà ở.

Có thể thấy các nhiệm vụ và mục tiêu đã rất cụ thể và rõ ràng. Để cải thiện tình hình và có hướng đi lâu dài, bền vững cho các vấn đề thị trường bất động sản đang gặp phải, cần có sự chung tay, quyết tâm hiện thực hóa các chủ trương, chính sách vĩ mô mà Chính phủ đã đặt ra.

Tạo chuyển động thị trường bất động sản từ chính sách sát thực tế
Chung cư ở Hà Nội tăng giá ở tất cả các ở tất cả các phân khúc với tăng trung bình là 8%. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu (GP. Invest), cho biết những chỉ đạo Chính phủ đề cập đến trong văn bản 178 có ý nghĩa thúc đẩy các chính sách đã đề ra như về tín dụng, giãn nợ cho một số trường hợp được phép giãn nợ, giải quyết vấn đề vay vốn và cho ai vay..., tất cả phải biến thành các chương trình hành động cụ thể.

Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đẩy mạnh việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng, giao đất, cho thuê đất làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Đồng thời, rà soát vướng mắc trong thực hiện dự án của địa phương, doanh nghiệp; khẩn trương giải quyết các kiến nghị Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022) đã đặt ra.

Mặc dù Chính phủ đã cố gắng giải quyết vướng mắc pháp lý nhưng trên thực tế, có những điểm vướng thuộc về hệ thống và cần các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc.

Nhiều doanh nghiệp chờ đợi kết quả khi tại văn bản 178, Chính phủ đã yêu cầu địa phương khẩn trương có kết luận về các dự án bất động sản đã và đang rà soát thủ tục pháp lý để dự án sớm được tiếp tục triển khai, nhất là những dự án lớn.

“Văn bản 178 được ban hành ngày 27/3 thì chiều 28/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì buổi làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp về việc rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý làm giảm cơ hội đầu tư của doanh nghiệp. Đây đều là những động thái tích cực thể hiện Chính phủ và các bộ, ngành rất quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhưng quan trọng là có thấu được đến các địa phương hay không," ông Hiệp chia sẻ.

Còn theo ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, văn bản số 178 tiếp tục thúc đẩy thực thi những chính sách mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 33/NQ-CP nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận vốn tín dụng; ưu tiên vốn cho dự án đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ.

Đáng chú ý là việc Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi, giảm 1,5-2%/năm.

“Hiện Ngân hàng Nhà nước rất thận trọng bởi sức ép lạm phát và điều hành tỷ giá. Nhất là khi lạm phát 2 tháng đầu năm đã lên mức 4,31%, khá gần với mức lạm phát mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra. Nếu phải đưa ra thị trường khoản tiền lớn như thế này, Ngân hàng Nhà nước sẽ cẩn trọng như vẫn có thể xem xét cung tiền dần theo tiến độ xây dựng, vay mua nhà để dễ đánh giá, kiểm soát tác động lên chỉ số lạm phát,” ông Hòe phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Xuân Hòe, vấn đề mấu chốt của thị trường bất động sản và nền kinh tế là lãi suất huy động và lãi suất cho vay vẫn ở mức cao. Ngoài lý do thị trường vốn không được hình thành một cách đầy đủ thì cần phải nhìn lại quan điểm lãi suất thực dương nhằm hút tiền gửi, chống lạm phát.

“Nếu lạm phát ở mức 4% thì lãi suất thực dương chỉ cần 6% là đủ. Quan trọng nhất là phải ổn định hệ thống tài chính để hỗ trợ cho nền kinh tế; phải có lúc lãi suất tiền gửi thấp thì dòng tiền mới chảy mạnh vào hoạt động sản xuất-kinh doanh,” chuyên gia này phân tích.

Liên quan đến Nghị quyết số 33, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh - đánh giá Nghị quyết lần này đặc biệt có tác dụng vực dậy niềm tin thị trường.

Các nhiệm vụ được thực thi nghiêm túc sẽ tháo gỡ toàn bộ khó khăn từ tài chính tín dụng đến hành lang pháp lý.

Nghị quyết cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành và địa phương. Mọi thứ minh bạch, rõ ràng sẽ giúp các nhà đầu tư bất động sản, trái phiếu, cũng như chứng khoán có niềm tin trở lại.

Cùng đó, các doanh nghiệp, người dân hy vọng thời gian tới, Chính phủ sẽ có thêm các Nghị định cụ thể về lĩnh vực đất đai, xây dựng, quy trình thủ tục hành chính. Khi đó, hành lang pháp lý tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản càng thêm hoàn thiện.

Các chuyên gia cùng chung nhận định, đã có sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Chính phủ, đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, thay đổi, quyết tâm hỗ trợ thị trường không chỉ nằm trên văn bản mà cần chuyển động tích cực bằng hành động.

Muốn vậy, cần có hành động kịp thời, sự phối hợp đồng bộ từ các bộ, ngành liên quan và cả các địa phương. Có như vậy, “guồng máy” chuyển động hiệu quả mới đúng tinh thần cùng nhau phát triển./.

Theo Thu Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
  • Đất nông nghiệp đã xây nhà ở nhiều năm có được cấp sổ đỏ?

    (Xây dựng) - Một thửa đất nông nghiệp không có giấy tờ, đã xây nhà ở từ năm 1995 và sử dụng ổn định đến nay, được thể hiện trên bản đồ địa chính đo năm 2003 với mục đích sử dụng là đất ở (ký hiệu T), phù hợp với quy hoạch đất ở. Thửa đất có được cấp sổ đỏ không?

    14:14 | 22/01/2025
  • Giá biệt thự, nhà phố tại Hà Nội có thể đi ngang hoặc tăng nhẹ

    (Xây dựng) - Với việc nhu cầu ngày càng lớn của người dân, giá bán của dòng sản phẩm này được dự báo là có xu hướng đi lên trong thời gian tới.

    20:05 | 21/01/2025
  • Bất động sản phía Đông Hà Nội “cất cánh” với loạt hạ tầng mới sắp triển khai

    (Xây dựng) - Phía Đông Hà Nội đang trở thành điểm sáng trên bản đồ bất động sản với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng sắp được triển khai. Nổi bật trong số đó là cầu Tứ Liên, cây cầu kết nối giữa quận Tây Hồ và huyện Đông Anh, hứa hẹn không chỉ cải thiện giao thông mà còn gia tăng giá trị, tiềm năng bất động sản khu vực.

    20:02 | 21/01/2025
  • Quảng Nam: Tăng cường thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về đất đai

    (Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực đất đai định kỳ hàng năm và kiểm tra đột xuất. Qua đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai đối với các hành vi không đăng ký đất đai; lấn đất, chiếm đất, hủy hoại đất; sử dụng đất không đúng mục đích…

    16:24 | 21/01/2025
  • Năm 2024, Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thành 5 dự án nhà ở xã hội

    (Xây dựng) – Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2024 trên địa bàn Thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng 5/15 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 2.377/12.000 căn và 1 dự án nhà lưu trú công nhân hoàn thành 1 phần, với quy mô 368 căn.

    14:11 | 21/01/2025
  • Thành phố Hồ Chí Minh: Đã giải quyết khó khăn để cấp sổ hồng cho 27.500 căn hộ

    (Xây dựng) - Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Tổ Công tác giải quyết các nội dung liên quan đến công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) đã tổ chức 12 cuộc họp về 66 dự án. Kết quả, đã tháo gỡ 41/66 dự án khó khăn, vướng mắc với số lượng căn hộ là 27.575 và 655 ô đậu xe ôtô, 1 tài sản gắn liền với đất, 15 sàn xây dựng công trình thương mại dịch vụ.

    10:55 | 21/01/2025
  • Vĩnh Phúc: Bảng giá đất năm 2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 20/01

    (Xây dựng) – Từ ngày 20/01/2025, bảng giá đất mới được áp dụng năm 2025 do UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính thức hiệu lực. Theo nhận định, giá đất mới sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản.

    10:51 | 21/01/2025
  • Hà Nội: Áp dụng đơn giá xây dựng nhà ở mới từ ngày 25/1/2025

    (Xây dựng) - Đơn giá xây dựng mới về nhà, nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất, để làm căn cứ tính bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Thành phố.

    08:43 | 21/01/2025
  • Người sử dụng đất có được tự lập bản vẽ tách, hợp thửa đất?

    (Xây dựng) - Bà Vũ Lan Phương (Lào Cai) hỏi, bản vẽ tách thửa, hợp thửa đất mà người sử dụng đất tự lập có đủ điều kiện để nộp hồ sơ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 101/2024/NĐ-CP ngày 29/7/2024 của Chính phủ hay không?

    08:41 | 21/01/2025
  • Dồn lực xây dựng nhà ở xã hội trong năm 2025

    Đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, phát triển dự án mới, đề xuất quỹ đất mới xây dựng nhà ở xã hội... Đây là những giải pháp đồng bộ của thành phố Hà Nội trong năm 2025 nhằm thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn cũng như hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, đáp ứng đủ nhu cầu của người dân về nhà ở.

    08:37 | 21/01/2025
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load