Ngày 7/1/2019, Ngân hàng Nhà nước thông tin về kết quả điều hành năm 2018 và định hướng nhiệm vụ năm 2019.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Tính đến hết năm 2018, tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 14%, tập trung vào các ngành sản xuất kinh doanh, góp phần tích cực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước cho biết, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cuối năm 2018 tăng 8,88%.
Trong đó, dư nợ đối với một số sản phẩm thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: lúa gạo tăng 25%, thủy sản tăng 14,1%, cà phê tăng 13,65%; ngành công nghiệp và xây dựng cuối năm 2018 tăng 12,1%; ngành thương mại, dịch vụ tăng 15,9% so với năm 2017...
Bên cạnh đó, tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên tăng khá, đặc biệt đối với các lĩnh vực có tỷ trọng dư nợ cao trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế như tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 15,5%, chiếm gần 24% dư nợ tín dụng nền kinh tế; tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,5%, chiếm tỷ trọng 18% trên tổng dư nợ toàn nền kinh tế; tín dụng cho lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%; tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 17%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng khoảng 0,3%.
Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước dự kiến cũng đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% và sẽ điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng. Thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh, trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn hơn đối với tổ chức tín dụng thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016.
Cũng theo bà Hồng, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Cùng lúc, các tổ chức phải kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhưu bất động sản, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng. Kiểm soát cho vay và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ...
Theo Thúy Hà (Vietnam+)