Thứ hai 16/09/2024 03:54 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Tăng trưởng kinh tế xanh

14:48 | 26/04/2012

Xu hướng thế giới

Tăng trưởng kinh tế xanh (tăng trưởng xanh) hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường đã tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế xanh đã và đang phát triển với tốc độ chưa từng thấy đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Đối với các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng xanh tạo điều kiện để phát triển kinh tế xanh, tránh được vết xe đổ theo con đường phát triển kinh tế “gây ô nhiễm trước, xử lý sau”. Ngày nay, thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khủng hoảng tài chính và kinh tế, sự phụ thuộc vào năng lượng hoá thạnh đã tạo ra khí thải nhà kính gây biến đổi khí hậu. Những áp lực này yêu cầu các quốc gia phải tìm những hướng phát triển mới hài hòa hơn với thiên nhiên vì tương lai bền vững của trái đất. Trước yêu cầu đó, đòi hỏi con người phải nhìn nhận toàn diện lại mô hình phát triển kinh tế truyền thống, đòi hỏi một tư duy hoàn toàn mới về cách tiếp cận với nền kinh tế xanh.

Tăng trưởng xanh là trọng tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước trên thế giới trong nỗ lực đạt được sự phát triển bền vững. Trong đó có các quốc gia như Hàn Quốc, Đức, Anh, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan... đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh. Lào đang trong quá trình xây dựng một lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Campuchia cũng đang nỗ lực xây dựng một kế hoạch hành động sau khi ban hành lộ trình tăng trưởng xanh quốc gia. Trung quốc đã có kế hoạch phát triển kinh tế xanh của quốc gia. Thái Lan xây dựng nền kinh tế đầy đủ với những đặc điểm chính của nền kinh tế xanh.

Theo kinh nghiệm các nước, nội dung của tăng trưởng xanh chủ yếu bao gồm các vấn đề sau: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; Giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; Xanh hóa các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua phát triển công nghệ xanh, phát triển các ngành công nghiệp cao, sử dụng ít tài nguyên, áp dụng các biện pháp sản xuất sạch; Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững; Bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên; Cải tổ và áp dụng các công cụ kinh tế; Xây dựng và thực hiện các chỉ số sinh thái.

Xu hướng Việt Nam

Trong thời gian qua, Việt Nam đã chứng tỏ trên trường quốc tế về thành quả trong phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Đó là điều đáng trân trọng và phát huy nhưng điều băn khoăn là nền kinh tế chưa bền vững, chất lượng tăng trưởng còn thấp, tăng trưởng kinh tế vẫn còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng. Cùng với những tác động tiêu cực từ những biến động nền kinh tế thế giới thời gian qua cũng như các vấn đề nội tại, nền kinh tế Việt Nam lại càng gặp nhiều thách thức, khó khăn.

Việt Nam đã xác định rõ rằng không có con đường nào khác ngoài lựa chọn thúc đẩy tăng trưởng xanh được nhấn mạnh trong những văn kiện quan trọng nhất của đất nước và đang được hiện thực hoá. Tăng trưởng kinh tế xanh không những giảm phát thải khí nhà kính, giảm nhẹ biến đổi khí hậu mà còn nâng cao chất lượng của tăng trưởng, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững và cải thiện đời sống con người. Theo Bộ KH&ĐT, việc ban hành những chính sách và đầu tư hợp lý sẽ giúp đạt được mục tiêu thích ứng nâng cao khả năng tồn tại, đồng thời giảm thiểu để đóng góp vào nỗ lực chung, tận dụng cơ hội phát triển nền kinh tế và tham gia có trách nhiệm vào kinh tế toàn cầu. Dự thảo Khung chiến lược đề xuất là Việt Nam hình thành về cơ bản cơ sở kinh tế, xã hội và khoa học - công nghệ để thực hiện tăng trưởng xanh, ít các-bon, hình thành cơ cấu kinh tế có hiệu quả tổng hợp kinh tế, xã hội và môi trường cao, áp dụng ngày càng nhiều công nghệ xanh, hình thành lối sống xanh và tiêu dùng bền vững.

Tăng trưởng xanh với nhiều cách tiếp cận, đòi hỏi Việt Nam cần phải có cách tiếp cận phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực trạng kinh tế, trình độ phát triển cùng các vấn đề xã hội và môi trường. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, theo Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường, một số hướng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm chuyển đổi cơ cấu kinh tế hướng tới nền kinh tế xanh ở Việt Nam trong những năm tới bao gồm : Thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế dựa trên các hệ sinh thái; Đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng các bon thấp và ít chất thải; Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; Phát triển dịch vụ môi trường và ngành công nghiệp tái chế.

Khánh Phương

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load