(Xây dựng) – Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang tại lễ khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 17.000m3/ngày đêm tại Thuận An, Bình Dương sáng 6/3.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang phát biểu tại lễ khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 17.000m3/ngày đêm tại Thuận An, Bình Dương sáng 6/3.
Thứ trưởng Cao Lại Quang đã biểu dương, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư Cty TNHH MTV Cấp thoát nước và môi trường Bình Dương (Biwase) cho lễ khởi công dự án.
“Biwase là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc đầu tư phát triển các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị trong thời gian qua. Đây là đơn vị năng động có nhiều kinh nghiệp trong việc triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật” Thứ trưởng Cao Lại Quang nhấn mạnh.
Dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương được triển khai tại TX.Thuận An là tiểu dự án 2 của dự án thoát nước và xử lý nước thải cụm đô thị Nam Bình Dương có công suất 54.000m3/ngày đêm.
Theo đó, dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 là xây dựng nhà máy xử lý nước thải có công xuất 17.000m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư 2.300 tỷ đồng (tương đương 13 tỷ Yên Nhật, vốn ODA chiếm 85%, còn lại 15% vốn đối ứng).
Mục tiêu của dự án là thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TX.Thuận An với quy mô 10 trạm bơm nâng chuyển bậc, 29km tuyến ống cấp 1, 82km tuyến ống cấp 2, 195km tuyến ống cấp 3 và 3,6km ống áp lực. Khi hoàn thành, quy chuẩn xả thải đạt cột A sẽ cải thiện được môi trường sống, giảm ô nhiễm môi trường và bảo vệ nguồn nước sông Sài Gòn.
Thứ trưởng Cao Lại Quang đề nghị chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công huy động mọi nguồn lực triển khai dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.
Thứ trưởng Cao Lại Quang cho biết, nền kinh tế Việt Nam không ngừng tăng trưởng và phát triển, mạng lưới đô thị quốc gia ngày càng mở rộng, bộ mặt đô thị ngày được khanh trang hơn. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức to lớn trong lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường. Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải của chúng ta còn nhiều bất cập, không theo kịp tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa. Hơn 90% các đô thị ở Việt Nam chưa có hệ thống thoát nước thải riêng mà chung cho cả thoát nước mưa và nước thải. Mặc dù tổng khối lượng nước thải xả vào hệ thống thoát nước tăng lên nhanh chóng, song chỉ có khoảng hơn 10% khối lượng nước thải đô thị được kết nối và xử lý tại hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nước thải không được xử lý, đặc biệt là nước thải từ các khu công nghiệp đã gây nên ô nhiễm nặng nề các dòng sông lớn tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tình trạng ngập úng đô thị đang là mối quan tâm hàng ngày của các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ…
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương, chủ đầu tư cùng nhấn nút khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 17.000m3/ngày đêm
“Với quan điểm, phát triển nhanh phải gắn liền với phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với bảo vệ và cải thiện môi trường, Chính phủ đã và đang tập trung ưu tiên đầu tư mạnh hơn trong lĩnh vực thoát nước và vệ sinh môi trường. Với sự hỗ trợ giúp đỡ của nhiều Chính phủ, tổ chức quốc tế, cả song phương và đa phương để cùng huy động các nguồn lực đầu tư vào các dự án thoát nước và xử lý nước thải trên cả nước”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đây là dự án lớn có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của Bình Dương để đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho cộng đồng dân cư, tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho dân cư. Đồng thời, cũng là tiền đề để Bình Dương tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp, để trở thành một trong những trung tâm phát triển kinh tế ở phía nam với các tiêu chí nhanh bền, vững gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan đô thị.
Cao Cường
Theo