Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TW về tăng cường quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài.
Chỉ thị nêu rõ thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là cơ quan, tổ chức, địa phương) đã quán triệt, cụ thể hóa và thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại và các quy định của Đảng và Nhà nước về việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài.
Việc quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài dần đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Tuy nhiên, những năm gần đây, các đoàn đi công tác nước ngoài bằng tiền ngân sách nhà nước còn quá nhiều; có tình trạng đoàn đi không rõ mục đích, trùng lặp nội dung, địa bàn, hiệu quả thấp, gây lãng phí; một số nơi bố trí đoàn đi nước ngoài nặng về giải quyết chính sách, tham quan, khảo sát, du lịch...
Để quản lý chặt chẽ các đoàn đi công tác nước ngoài (đi thăm, làm việc, nghiên cứu), phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước, nhất là Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Bộ Chính trị; bảo đảm việc tổ chức đi công tác nước ngoài thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương thực hiện tốt những điểm sau đây:
1- Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Bộ Chính trị và các quy định liên quan của Đảng và Nhà nước. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các quy chế, quy định quản lý các hoạt động đối ngoại.
Người đứng đầu cấp ủy và tổ chức Đảng ở Trung ương và địa phương phải chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra việc xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động đối ngoại, nhất là việc cử các đoàn đi công tác nước ngoài của cơ quan, tổ chức, địa phương mình phụ trách; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc chấp hành nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về bảo mật trong hoạt động đối ngoại. Cán bộ, công chức đi công tác nước ngoài không được mang theo tài liệu mật của Đảng, Nhà nước. Các đoàn đi công tác nước ngoài phải bảo đảm đúng quy định pháp luật của nước sở tại.
2 - Các cơ quan, tổ chức, địa phương phải xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí hoạt động đối ngoại hàng năm (nếu có), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, trong đó có mục riêng về kinh phí đi công tác nước ngoài. Kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm phải cụ thể, bảo đảm sát đúng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, yêu cầu đối ngoại và hội nhập quốc tế, phù hợp với khả năng tài chính của cơ quan, tổ chức, địa phương. Hạn chế tối đa việc cử đoàn đi công tác nước ngoài không nằm trong kế hoạch; không cử đoàn đi giao lưu, khảo sát, học tập kinh nghiệm nước ngoài không thiết thực... bằng ngân sách nhà nước. Thực hiện chế độ báo cáo, trình duyệt nhân sự đi công tác nước ngoài thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý theo đúng thời gian và quy định hiện hành.
3- Các đoàn đi công tác nước ngoài phải có đề án nêu rõ mục đích, yêu cầu chuyến đi, đối tác đón, nội dung, chương trình làm việc cụ thể; lưu ý cần trao đổi trước với cơ quan đại diện của ta ở nước đến để tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn ra và thống nhất quản lý, tránh trùng lắp với các đoàn đi trước.
Đối với các đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm ở nước ngoài trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác, các chương trình đào tạo, các dự án, đề tài, phải có đề cương nghiên cứu chi tiết và được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.
Thời gian mỗi chuyến đi công tác nước ngoài cần phải tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, trên cơ sở bảo đảm yêu cầu công việc, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
Các đồng chí lãnh đạo của các ban đảng, bộ, ngành, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể nhân dân, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gương mẫu, cân nhắc kỹ việc đi công tác nước ngoài; thực hiện đúng quy định đi công tác nước ngoài không quá 2 lần trong một năm (trừ trường hợp có nhu cầu đột xuất hoặc do công việc thật cần thiết); không bố trí 2 lãnh đạo chủ chốt của một bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cùng tham gia một đoàn đi công tác nước ngoài; không được tham gia các đoàn đi nước ngoài do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ hoặc do các doanh nghiệp nước ngoài mời đích đanh.
Tổ chức thành phần đoàn đi gọn nhẹ theo đúng quy định. Cán bộ tham gia đoàn phải đúng người, đúng việc, có tính đến nhu cầu đào tạo cán bộ. Không đưa thân nhân đi trong đoàn công tác, trường hợp đặc biệt hoặc do yêu cầu công tác cần có phu nhân hoặc phu quân cùng đi thì phải được cấp có thẩm quyền quyết định.
Tặng phẩm cho các đối tác nước ngoài cần gọn nhẹ, tiết kiệm, phù hợp, chú trọng ý nghĩa văn hóa, tuyên truyền, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. Các đoàn đi công tác nước ngoài phải thực hành tiết kiệm khi sử dụng các phương tiện đi lại, khuyến khích sử dụng hàng không giá rẻ.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương không được tổ chức các chuyến tham quan, du lịch nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức... bằng ngân sách nhà nước; không tổ chức chiêu đãi, mời cơm thân mật ở nước ngoài (trừ trường hợp đặc biệt cần thiết và phải được cấp có thẩm quyền cho phép).
4- Khi kết thúc chuyến đi công tác nước ngoài, trưởng đoàn phải có báo cáo kết quả chuyến đi cho cấp có thẩm quyền. Đối với các đoàn đi nghiên cứu, học tập kinh nghiệm phải kịp thời chia sẻ thông tin và thông báo kết quả chuyến đi cho các cơ quan liên quan.
Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các cơ quan, tổ chức, địa phương báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch đi công tác nước ngoài và việc sử dụng kinh phí đi công tác nước ngoài của đơn vị mình về Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao để tổng hợp báo cáo Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ.
5- Các cơ quan tham mưu trình phê duyệt kế hoạch hoạt động đối ngoại hàng năm của các cơ quan, tổ chức, địa phương chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ việc lập kế hoạch và triển khai các đoàn đi công tác nước ngoài, kiên quyết cắt giảm các đoàn đi công tác nước ngoài không thực sự cần thiết.
Các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài có trách nhiệm tham gia kiểm tra, giám sát việc tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài tại địa bàn mình phụ trách, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở trong nước xem xét, cắt giảm những đoàn không thực sự cần thiết hoặc có nội dung trao đổi, làm việc không phù hợp với nước sở tại.
6 - Các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này. Hàng năm, Ban Đối ngoại Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao và Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổng hợp đánh giá việc thực hiện Chỉ thị, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chỉ thị này được phổ biến đến các chi bộ.
Theo TTXVN/VIETNAM+
Theo