Thứ sáu 29/03/2024 14:11 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tăng hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp: Mong chờ sự tiếp sức thiết thực

14:35 | 17/05/2021

Dịch COVID-19 bùng phát trở lại khiến doanh nghiệp vẫn khó khăn cần tiếp tục được trợ lực thời gian tới. Tuy nhiên theo các chuyên gia, gói hỗ trợ cần đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp dễ tiếp cận.

tang hieu qua ho tro doanh nghiep mong cho su tiep suc thiet thuc
Công nhân sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngay từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều doanh nghiệp đầu năm 2020, Chính phủ cùng các bộ, ngành và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai một loạt chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Trong số đó, phải kể đến các chính sách về cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, lãi suất cho vay; gia hạn thuế và tiền thuê đất; giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp… Cùng nội lực doanh nghiệp, các gói hỗ trợ đã tiếp sức cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, dịch đang bùng phát trở lại khiến một số lĩnh vực, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn cần tiếp tục được trợ lực trong thời gian tới.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ có ngoài cuộc?

Theo dữ liệu của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 4/2021, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn ghi nhận tín hiệu phục hồi khá tích cực, với các chỉ số sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, nội thương… đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong năm 2020, thành phố đã kịp thời hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn, đảm bảo thực hiện 100% kế hoạch đề ra với số tiền hơn 600 tỷ đồng.

Thành phố cũng xử lý gia hạn hơn 8,8 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho doanh nghiệp; hơn 200 tỷ đồng gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất của các hộ kinh doanh.

Về phía các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho gần 172 nghìn khách hàng với dư nợ trên 202 nghìn tỷ đồng; miễn giảm lãi cho trên 21 nghìn khách hàng với dư nợ trên 54 nghìn tỷ đồng và cho vay mới lũy kế từ ngày 23/1/2020 cho trên 57 nghìn khách hàng với doanh số gần 492 nghìn tỷ đồng.

Ngành ngân hàng cũng đã tiếp nhận và xử lý gần 750 trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại do dịch bệnh COVID-19.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp và ghi nhận từ các hiệp hội ngành nghề, việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp là chính sách tài khóa rất thiết thực hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bởi phần lớn các doanh nghiệp sản xuất đều gặp khó khăn về dòng tiền.

Do vậy, các gói tài khóa trên giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để duy trì sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động.

Tuy nhiên, riêng chính sách cơ cấu lại nợ, ưu đãi miễn giảm lãi suất, ưu đãi phí giao dịch… của ngành ngân hàng, dù các ngân hàng công bố các gói hỗ trợ lên đến hàng nghìn tỷ đồng, song mức độ ảnh hưởng của chính sách đến doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ lại không lớn.

Ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn May mặc Thành Đạt, cho rằng từ khi xảy ra dịch COVID-19, may mặc là một trong những ngành sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề do gián đoạn cả nguồn cung nguyên phụ liệu và thời gian nhiều thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU đóng cửa biên giới, hoãn hủy đơn hàng.

Doanh nghiệp có nhận được thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như thành phố thông qua hiệp hội doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào dành cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

"Chủ trương chung là giảm lãi suất cho vay nhưng thực tế doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng thì rất khó để vay với lãi suất thấp. Để vay vốn sản xuất, ngân hàng yêu cầu phải kê khai doanh số, dòng tiền nhưng thời điểm doanh nghiệp cần vay vốn thì không xác định được doanh số. Ngoài ra, một số các chính sách khác cũng đi kèm các điều kiện mà doanh nghiệp khó đáp ứng được," ông Lê Nhung thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Cao su Đức Minh kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nhựa cao su Thành phố Hồ Chí Minh, cũng cho biết để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hầu hết các ngân hàng đã hạ mặt bằng lãi suất cho vay theo chủ trương chung của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, mức giảm mới xoay quanh dưới 1%, rất ít ngân hàng giảm ở mức 2% như công bố.

Bên cạnh lãi suất ngân hàng, các doanh nghiệp cũng được giãn thuế thu nhập doanh nghiệp theo chính sách chung của Bộ Tài chính, còn các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất hầu như không đủ điều kiện để được hưởng.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và các doanh nghiệp sản xuất-xuất khẩu vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực khi giá nguyên liệu và cước vận chuyển đồng loạt tăng cao.

Cùng với đó, dòng luân chuyển hàng hóa vẫn còn chậm khiến dòng tiền của doanh nghiệp chậm xoay vòng. Do đó, các doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh cũng như có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho các khoản vay đã đầu tư vào sản xuất nhưng chưa thu hồi được công nợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sau thời gian khó khăn do dịch bệnh.

Tình hình của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn hơn. Thống kê nhanh của Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến giữa tháng 3/2021, có khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường inbound (đưa khách quốc tế vào Việt Nam) đã tạm ngưng hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết "sức khỏe" của doanh nghiệp du lịch Thành phố Hồ Chí Minh hiện rất yếu. Nếu không có những biện pháp thúc đẩy, hỗ trợ kịp thời sẽ rất khó vực dậy ngành du lịch.

Do vậy, Sở Du lịch thành phố kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục giãn thuế, giảm thuế cho doanh nghiệp, bao gồm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, giữ nguyên nhóm nợ trong năm 2021.

Ưu tiên đúng đối tượng

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt "nhiệm vụ kép" của Chính phủ đã đề ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, hiện thành phố đang khẩn trương xây dựng, triển khai gói hỗ trợ lần 2 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch.

tang hieu qua ho tro doanh nghiep mong cho su tiep suc thiet thuc
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thành phố cũng tăng cường rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất kinh doanh, trên tất cả các lĩnh vực cơ chế, thủ tục hành chính, chính sách thuế…, góp phần hỗ trợ thiết thực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước những tác động tiêu cực của đại dịch lên các doanh nghiệp, từ cuối năm 2020, lãnh đạo thành phố cũng đã thông tin về gói hỗ trợ lần 2 cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Dự kiến gói tín dụng có quy mô 4.000 tỷ đồng sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các nhóm ngành dịch vụ như lưu trú, du lịch, vận tải; ngành công nghiệp như dệt may, giày da, sản xuất trang phục, chế biến gỗ, lương thực thực phẩm và các doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm lớn.

Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mục tiêu của gói hỗ trợ lần này sẽ ưu tiên đúng đối tượng cần hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang cạn kiệt năng lực. Hiện tình hình sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu phục hồi, song trên thực tế, vẫn còn nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ đang chật vật để duy trì hoạt động.

Do vậy, các doanh nghiệp hiện rất mong đợi Chính phủ, chính quyền thành phố tiếp tục triển khai gói hỗ trợ mới. Tuy nhiên, chính sách cần giảm bớt các điều kiện liên quan đến tài chính, tài sản bảo đảm sao cho phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp.

"Các chính sách hỗ trợ trước đó đều được ban hành rất kịp thời, đúng nguyện vọng của doanh nghiệp nhưng khi triển khai thực tế rất ít doanh nghiệp tiếp cận được. Muốn hỗ trợ hiệu quả cần đánh giá lại việc triển khai thực tế, làm thế nào để đơn giản hóa thủ tục, quy trình, báo cáo mà vẫn đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng" - ông Nguyễn Mạnh Tuệ, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói.

Trước nhiều phản ánh liên quan đến việc doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố đã có động thái giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng; đồng thời thực hiện tốt Thông tư 01/2020/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vốn chiếm tỷ trọng lớn trên địa bàn lại không chứng minh được có phương án kinh doanh khả thi, minh bạch dòng tiền… nên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng.

Để tăng cường việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngay từ đầu năm 2021, đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương và Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng.

Trong số đó, ngân hàng tập trung vào các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân có nhu cầu vay vốn không có tài sản thế chấp nhưng có phương án kinh doanh khả thi sẽ được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Đồng thời, mở rộng chương trình ra khắp các quận, huyện trên địa bàn và tất cả các thành phần kinh tế đang gặp khó khăn do dịch bệnh kể cả bà con tiểu thương. Nếu thực hiện tốt giải pháp trên, dòng vốn tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được kỳ vọng được khơi thông tốt hơn trong năm 2021./.

Theo Xuân Anh-Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Cùng chuyên mục
  • Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI trong quý I/2024

    (Xây dựng) – Với nhiều chính sách phù hợp trong thu hút đầu tư, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, cùng quan điểm chỉ đạo nhất quán trong điều hành, điều chỉnh chính sách thu hút FDI của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh thời gian qua đã giúp tỉnh này đứng thứ 2 cả nước, về hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong quý I/2024.

  • Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục hợp tác với 5 tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế - xã hội

    (Xây dựng) – Trong 2 ngày 3 - 4/4, tại khách sạn Rex, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông) sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đồng thời triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024 và Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên.

  • Hà Tĩnh: Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp quý I/2024 ước tăng 4,27%

    (Xây dựng) - Quý I/2024, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực ổn định hoạt động sản xuất; tích cực đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ… Chỉ số sản xuất ngành Công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh quý I tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2023

  • Tây Ninh: Nhiều điểm sáng trong quý I/2024

    (Xây dựng) - Kết thúc quý I/2024, tỉnh Tây Ninh đạt được kết quả nhiều khởi sắc so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục được phục hồi, GRDP tăng 8%, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ. Tây Ninh đặt kế hoạch đạt 50% giải ngân vốn đầu tư công của năm trong quý II/2024.

  • Đề nghị sử dụng chi thường xuyên để nâng cấp công trình dự án đã xây dựng

    (Xây dựng) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng chi thường xuyên ngân sách Nhà nước để mua sắm tài sản, trang thiết bị, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng.

  • Bình Định – Canada trao đổi, hợp tác, liên kết cùng phát triển

    (Xây dựng) – Sáng 28/3, UBND tỉnh Bình Định và Hội doanh nhân Việt Nam – Canada đã phối hợp, tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại với chủ đề “Canada – Cửa ngõ cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường Bắc Mỹ”.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load