Thứ bảy 09/11/2024 07:36 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Kinh tế /

Tăng gấp 3 lần doanh thu từ du lịch nhờ chính sách miễn thị thực

20:52 | 09/05/2018

(Xây dựng) – Hội đồng Tư vấn du lịch (HĐTVDL) và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chính sách miễn thị thực cho khách du lich quốc tế để tạo đà phát triển cho du lịch Việt Nam.


Du khách quốc tế đến Việt Nam đang gặp nhiều rào cản về thị thực.

Du lịch Việt phát triển mạnh nhưng chưa tương xứng tầm

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được những kết quả phát triển ấn tượng.

Từ năm 2011 – 2016, du lịch nội địa đã tăng từ 30 triệu – 62 triệu lượt du khách, vượt qua mục tiêu cho năm 2025 (58 triệu lượt du khách) được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.

Cùng thời gian này, du lịch quốc tế cũng tăng từ 6 triệu – 10 triệu lượt du khách, ngang bằng mục tiêu năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Số lượng du khách tăng mạnh giúp tổng thu từ du lịch cũng bội tăng từ 130 nghìn tỷ đồng lên 400 nghìn tỷ đồng. So với thời điểm năm 2000, doanh thu từ du lịch năm 2016 đã tăng 23 lần. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đang tạo ra khoảng 2,8 triệu việc làm (năm 2015), chiếm 5,2% lực lượng lao động cả nước.

Kết quả trên cho thấy việc Bộ Chính trị chọn du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta theo Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, Báo cáo Chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lại đang cho thấy, ngành Du lịch Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng to lớn của nước ta.

Dù có thứ hạng cao về tài nguyên thiên nhiên du lịch (34), tài nguyên văn hóa & du lịch công vụ (30) và nguồn nhân lực (37), nhưng tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn yếu, chỉ xếp 67/136 nền du lịch được WEF xếp hạng.

Đáng chú ý, những lợi thế về tài nguyên và nguồn nhân lực du lịch Việt Nam đang bị kìm hãm bởi nhiều “nút cổ chai” đã tồn tại từ lâu như mức độ cởi mở quốc tế; sự quan tâm, ưu tiên phát triển du lịch; nền tảng tin học; môi trường sạch sẽ, an toàn; phát triển bền vững (bảo tồn thiên nhiên); môi trường kinh doanh; hạ tầng sân bay; giao thông mặt đất; hạ tầng dịch vụ du lịch, hay an toàn, an ninh đối với du khách.

Trên cơ sở đó, Hội đồng tư vấn du lịch (HĐTVDL) đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ tái cơ cấu ngành Du lịch Việt Nam, cụ thể là cải thiện những chỉ số cạnh tranh đang thấp của Việt Nam trong so sánh toàn cầu và đồng bộ tăng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của du lịch Việt Nam, bao gồm việc điều chỉnh chính sách miễn thị thực cho khách du lich quốc tế.

Cải thiện thủ tục nhiêu khê thay vì giảm phí làm Visa

Theo Hội đồng Tư vấn du lịch, Chính phủ cần thực hiện một số điều chỉnh trong chính sách miễn thị thực nhằm tháo gỡ các rào cản, thủ tục cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Trước hết, HĐTVDL đề xuất tiếp tục miễn thị thực cho khách du lịch đến từ 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia), bổ sung thêm 6 nước được miễn thị thực (Australia, New Zealand, Canada, Hà Lan, Thụy Sỹ và Bỉ), kéo dài chương trình miễn thị thực lên 5 năm, không phải xem xét lại hàng năm và thông báo trước việc miễn thị thực ít nhất 6 tháng.

Trong thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ, HĐTVDL cũng đề xuất tăng số ngày miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày cho 12 nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italia, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan). Sự điều chỉnh này sẽ giúp kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, và chi tiêu bình quân lượt khách cũng vì thế mà sẽ tăng mạnh.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, du khách của 9/12 nước nêu trên có số ngày lưu trú dài từ vượt cả số ngày được miễn thị thực (từ 12 – 17 ngày) và chi tiêu bình quân lượt khách lớn hơn 1.000 USD.

Quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh cuối cùng khỏi Việt Nam ít nhất là 30 ngày” cũng nên được dỡ bỏ nhằm khuyến khích khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không lựa chọn Việt Nam như là một trung tâm trung chuyển cho các chuyến bay đến châu Âu và Australia.

Về nội dung thị thực điện tử, HĐTVDL có đề nghị Chính phủ cải thiện tốc độ truy cập trang web đăng ký thị thực điện tử, đổi tên miền “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” thành “evisa.gov.vn” để du khách dễ dàng tìm kiếm, và áp dụng thị thực điện tử cho du khách đến từ 4 nước/vùng lãnh thổ là Đài Loan, Hồng Kông,  Thụy Sĩ và Bỉ.

Đối với chính sách thị thực quá cảnh, HĐTVDL đề xuất áp dụng chính sách miễn thị thực quá cảnh 48 – 72h cho những hành khách có vé máy bay từ Australia đi châu Âu, hoặc ngược lại.

Chính sách này sẽ khuyến khích du khách dừng chân tại TP Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội và trải nghiệm không khí ở Việt Nam trong một thời gian ngắn trên hành trình của họ. Trong nhiều trường họp, trải nghiệm này sẽ khiến du khách quyết định trở lại Việt Nam để trải nghiệm lâu hơn, sâu hơn.

Kết quả rút ra từ nhiều cuộc điều tra cho thấy, khách du lịch quốc tế quan tâm nhiều hơn đến việc giảm bớt sự nhiêu khê khi làm thủ tục thị thực nhập cảnh, chứ không phải là mức phí làm visa.

Điều này đặc biệt đúng đối với các doanh nhân,  những người thường phải thực hiện chuyến đi trong khoảng thời gian rất gấp và chỉ biết về yêu cầu phải có thị thực nhập cảnh khi cố gắng lên một chuyến bay tới Việt Nam.

Đối với khách du lịch, việc đăng ký thị thực trực tuyến sẽ vừa mất thời gian, vừa tốn kém, vì phí làm thị thực cho một gia đình 4 người tương đương với chi phí cho 1 – 2 đêm lưu trú thêm ở các điểm đến như Thái Lan, Malaysia, Campuchia hoặc Lào.

Tất cả những rào cản nói trên hoàn toàn có thể khuyến khích du khách tìm kiếm những điểm đến khác được miễn thị thực, thay vì quay trở lại Việt Nam.

Quan trọng hơn, chính sách mở rộng diện miễn thị thực đang trở thành công cụ hiệu quả để các quốc gia trên thế giới nâng cao năng lực canh tranh, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư chất lượng đến từ các thị trường du lịch có mức chi tiêu cao.

Thực tế cho thấy, kể từ khi chính sách miễn thị thực có hiệu lực ở Việt Nam, mức tăng trưởng trung bình hàng năm của lượt khách đến từ 5 nước Tây Âu đã tăng hơn 20%.

Theo tính toán của HĐTVDL, chính sách miễn thị thực cho 6 quốc gia phát triển là Canada, Australia New Zealand, Thụy Sĩ, Hà Lan và Bỉ có thể khiến doanh thu trực tiếp từ khách du lịch tăng thêm 101 triệu USD, cao hơn rất nhiều so với khoản phí thị thực thất thu chỉ vỏn vẹn 17 triệu USD.

Như vậy, kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi gấp 3 lần từ doanh thu trực tiếp của du lịch khi mở rộng các chính sách miễn thị thực.


Kinh tế Việt Nam sẽ hưởng lợi ích lớn từ du lịch khi chính sách miễn thị thực được nới lỏng.

Chính phủ đồng ý miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu

Ngày 3/5/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định gia hạn miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia) sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2018.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ đồng ý miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu trong 3 năm, thay vì 5 năm như đề xuất của HĐTVDL.

Vấn đề mở rộng danh sách các quốc gia được miễn thị thực và tăng thời gian miễn thị thực cho du khách lưu trú tại Việt Nam từ 15 lên 30 ngày, cũng chưa được phê duyệt, vì  Thủ tướng Chính phủ muốn đánh giá lại việc thí điểm và thực tiễn các việc  đã làm được.

Hội đồng Tư vấn du lịch là một tổ chức liên kết các bên liên quan có uy tín trong ngành du lịch Việt Nam. Vai trò của Hội đồng Tư vấn du lịch là hỗ trợ phát triển ngành Du lịch Việt Nam một cách bền vững về môi trường và đạt được các mục tiêu phát triển du lịch của đất nước.

 

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load