Sáng 09/2, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Văn phòng Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức Hội thảo “Tăng cường quản lý chất lượng và an toàn xây dựng”. Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên dự khuyết trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì hội thảo.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội thảo
Đây là kết quả của sự hợp tác có hiệu quả của Bộ Xây dựng Việt Nam và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong khuôn khổ dự án hợp tác hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường năng lực đảm bảo chất lượng xây dựng” được triển khai gần 2 năm qua. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo cần trao đổi thẳng thắn về thực trạng, kinh nghiệm quản lý chất lượng và an toàn xây dựng; chỉ rõ những mặt hạn chế của công tác này, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác đảm bảo chất lượng và an toàn xây dựng; đóng góp thêm các giải pháp để tăng cường công tác quản lý dự án đầu tư, tăng cường hệ thống quản lý chất lượng công trình xây dựng của Việt Nam cũng như đóng góp ý kiến cho dự án để góp phần thiết thực cho công tác quản lý chất lượng và an toàn xây dựng trong các công trình xây dựng tại Việt Nam.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận vào một số nội dung chính như: Nghiên cứu chính sách hoàn thiện cơ chế quản lý dự án, phân định trách nhiệm của các chủ thể và tăng cường vai trò quản lý nhà nước về xây dựng; phát triển và áp dụng hệ thống đăng ký và đánh giá kết quả công việc nhà thầu; cải thiện phương thức cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn giám sát; chỉ dẫn kỹ thuật và sổ tay quản lý chất lượng; sổ tay quản lý an toàn trong thi công xây dựng.
Ông Trần Xuân Tiến, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh phát biểu tại hội thảo
Trong những năm gần đây, hoạt động đầu tư xây dựng công trình tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, quy mô và mức độ phức tạp. Năm 2011, số lượng công trình xây dựng của Việt Nam trên toàn quốc có gần 50.000 công trình, trong đó nhiều nhất là các công trình dân dụng chiếm 51%, công trình giao thông chiếm 19%, công nghiệp chiếm 11%, thủy lợi – thủy điện chiếm 9% và hạ tầng kỹ thuật chiếm 10%. Theo đó, với yêu cầu chất lượng ngày càng cao, công tác quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng đã trở thành một lĩnh vực rất quan trọng, không chỉ quyết định đến điều kiện an toàn sử dụng và tuổi thọ công trình, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đầu tư xây dựng, tác động đến chất lượng, môi trường sống của cộng đồng..
Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã trình bày chi tiết một số vấn đề về thể chế nhằm đảm bảo tăng cường chất lượng xây dựng từ kinh nghiệm của Nhật Bản và nghiên cứu trong điều kiện của Việt Nam như: nghiên cứu cải thiện các phương pháp của các dự án làm rõ trách nhiệm của các chủ thể hoặc trong kiểm tra công tác quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng xây dựng…Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, các nội dung này sẽ được nghiên cứu và cụ thể hóa bằng các văn bản QPPL sao cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thu Hiền
Theo baoxaydung.com.vn