(Xây dựng) - Ngày 21/12, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì nghe Sở Y tế báo cáo về vấn đề quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm dịp tết Nguyên đán 2016 trên địa bàn tỉnh.
Vĩnh Phúc hiện có 7.105 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ thực phẩm; trên 300 bếp ăn tập thể trong các khu, cụm công nghiệp; trung bình mỗi năm có hơn 200 lễ hội lớn nhỏ diễn ra tại các làng, thôn trên địa bàn. Vì vậy, công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế mà còn liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
Năm 2015, Vĩnh Phúc đã thành lập gần 400 lượt thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về lĩnh vực này. Qua kiểm tra, phát hiện tỷ lệ cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm ở mức thấp, chiếm 17 - 19%, song tỷ lệ vi phạm ở các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, thời vụ lại ở mức cao từ 25 - 42%. Các lực lượng chức năng thường xuyên lấy mẫu để kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong 2.490 mẫu thực phẩm được ngành y tế làm xét nghiệm có 259 mẫu không đạt các chỉ tiêu vi sinh, hóa lý; trong 240 cơ sở sản xuất kinh doanh được ngành công thương kiểm tra đã phát hiện, xử lý 19 cơ sở vi phạm về sử dụng phụ gia sản phẩm và sở dụng mỡ ôi khét trong quá trình sản xuất; trong 730 mẫu rau được ngành nông nghiệp kiểm tra định tính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có 28 mẫu dương tính…
Theo Sở Y tế, năm 2015, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực song tình trạng rau quả nhiễm hóa chất độc hại; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản có dư lượng kháng sinh, hoocmon vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất, phụ gia bị cấm, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm còn tương đối phổ biến… khiến nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh vẫn luôn tiềm ẩn. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương chưa đồng bộ; nguồn nhân lực, kinh phí thực hiện các mẫu thử còn hạn chế; hoạt động truyền thông giáo dục chưa có nhiều thay đổi về nội dung, hình thức.
Để công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tết Bính Thân và mùa lễ hội, ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương kiện toàn lại Ban Chỉ đạo và xây dựng Chỉ thị để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm; rà soát, thống kê số lượng bộ test nhanh các địa phương đang thiếu; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành bố trí nguồn nhân lực, vật lực, tạo điều kiện để các đoàn kiểm tra thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, huy động tối đa các kênh tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm cũng như các các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng; nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, bổ sung kinh phí mua sắm trang thiết bị, thành lập các đoàn kiểm tra và hỗ trợ các địa phương,... từ đó nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo vì sức khỏe của người dân.
Văn Nhất
Theo