Thứ sáu 29/03/2024 12:28 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Tăng cường khả năng chống chịu của đô thị Việt Nam

23:03 | 10/01/2017

(Xây dựng) - Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội thảo “Hướng tới phát triển bền vững: Tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam” do Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức tại Hà Nội ngày 10/1.


Quang cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Nguyễn Tường Văn nhận định: Việc đô thị hóa nhanh, phát triển đô thị quá nóng dẫn đến những vấn đề toàn cầu như bùng nổ dân số đô thị; thiếu hụt hạ tầng cơ sở, năng lượng, tăng phát thải, ô nhiễm…

Các TP hiện đang tiêu tốn 75% nguồn năng lượng của thế giới và sản sinh hơn 80% lượng phát khí thải nhà kính, chủ yếu là khí CO2. Nhiều đô thị, vùng đô thị, trong đó có Việt Nam đang chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng (NBD). Do vậy, chủ đề “Hướng tới phát triển bền vững: Tăng cường quy hoạch và khả năng chống chịu đô thị Việt Nam” sẽ luôn thu hút được sự quan tâm của nhiều cơ quan, chính phủ, tổ chức quốc tế và các hội nghề nghiệp.


Cục trưởng Cục Phát triển đô thị Nguyễn Tường Văn.

Ông Văn cho biết: Hội thảo này nhằm chia sẻ những bài học kinh nghiệm ban đầu về công tác chuẩn bị các dự án nâng cấp phát triển đô thị, đặc biệt là đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hội thảo cũng giới thiệu dự án viện trợ không hoàn lại GFDRR cho các hoạt động nhằm tăng cường khả năng thích ứng, chống chịu của các TP tham gia dự án Mở rộng nâng các đô thị Việt Nam (SUUP), thông qua thiết kế cơ sở hạ tầng chống chịu và tăng cường năng lực chính quyền địa phương để thực hiện quy hoạch đô thị tích hợp, cảnh báo rủi ro.

Với nhận thức BĐKH là thách thức mới cho công tác quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị Trần Thị Lan Anh đã phân tích các tác động của BĐKH tại khu vực đô thị. Theo đó, BĐKH tác động đến hệ thống giao thông đô thị, đến đất đai, dân cư, định cư, GDP quốc gia và GDP địa phương. Riêng đối với hạ tầng kỹ thuật đô thị, BĐKH tác động đến nguồn nước sạch, đến hệ thống thoát nước. Bởi BĐKH và NBD làm thay đổi chế độ thủy triều, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống thủy lợi đê điều. NBD làm giảm khả năng thoát nước của đô thị. Trong khi đó, Việt Nam lại thiếu các công cụ pháp luật, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, thiếu hệ thống dữ liệu GIS, thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch đô thị và quản lý phát triển đô thị ứng phó với BĐKH.

Bà Lan Anh cho biết: Ngành Xây dựng ưu tiên lồng ghép việc thích ứng với BĐKH vào trong quy hoạch đô thị, với 3 hành động trọng tâm gồm: Xây dựng công cụ đánh giá; xây dựng công cụ kiểm soát; xây dựng công cụ hỗ trợ thực hiện. Ngành đồng thời triển khai thực hiện đề án phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 – 2020.

Đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị, để thích nghi, giảm tác hại của BĐKH, ngành Xây dựng sẽ rà soát lại các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt, xem xét tới vấn đề ngập úng, trượt lở; Xây dựng hướng dẫn, đánh giá tác động, kế hoạch ứng phó, lập bản đồ ngập úng để có kế hoạch hành động cụ thể; Ban hành quy chế quản lý đô thị, tôn trọng địa hình tự nhiên, không san ủi, khởi thông dòng chảy; Xây dựng các khu tái định cư để di dời các khu nhà  tạm ven sông, ven biển; Đầu tư xây dựng mới, đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng, đặc biệt là hệ thống thoát nước đô thị; Đầu tư xây dựng các kè vách taluy tại các khu vực ven biển trọng yếu; Nghiêm cấm việc xây dựng tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao.


Chiến lược của ngành Xây dựng là tập trung giảm thiểu vào các lĩnh vực, bao gồm lũ lụt, khí hậu, nhu cầu sử dụng năng lượng và lượng phát thải CO2.

Đề cập đến các nguy cơ lớn mà các TP trong khu vực ĐBSCL phải đối mặt, ông Adri Verwey (tư vấn WB) chỉ ra đó là lụt lội do hệ thống sông ngòi xung quanh; hệ thống thoát nước tại chỗ, nhất là ở khu vực người nghèo đô thị không hiệu quả; độ mặn cao trong mùa khô; sụt lún đất làm trầm trọng thêm các vấn đề thoát nước, làm tăng nhanh tác động của BĐKH, đặc biệt là NBD; suy thoái hệ sinh thái…

Bàn về sức chống chịu cho đô thị vùng ĐBSCL, ông Adri Verwey cho rằng cần phải có các biện pháp tiếp cận tích cực đối với lũ lụt đô thị. ĐBSCL phải tạo ra các giải pháp thoát nước có khả năng thích ứng với sự thay đổi trong tương lai như mở rộng đô thị và gia tăng dân số đô thị, cũng như những tác động trong dự đoán của BĐKH.

ĐBSCL cần tạo ra những hệ thống lưu giữ nước mưa lớn, quy mô lớn như hồ ao hoặc quy mô nhỏ là những giải pháp xanh. Thiết kế công suất thoát nước kênh rạch phải tính đến những thay đổi trong tương lai. ĐBSCL phải tìm những giải pháp đa năng như khu lưu giữ kết hợp với công viên, khu vui chơi, phải có biện pháp tiếp cận tích cực trong việc lập kế hoạch – dành khoảng không cho TP cho những nhu cầu trong tương lai.

Cũng theo ông Adri Verwey, trong quy hoạch tổng thể, Việt Nam phải lồng ghép nhiều chức năng của TP, bao gồm nhu cầu về giao thông, thoát nước mưa và nước thải. Trong quy hoạch đô thị, các đô thị không chỉ làm thế nào để tránh được tổn thất do lũ lụt gây lên mà còn phải làm thế nào để tối đa hóa những thành quả mà lợi ích kinh tế mang lại.

Chia sẻ thành công của Singapore trong phát triển đô thị, Chủ tịch Trung tâm những TP đáng sống Liu Thai Ker cho biết: Có 2 giá trị cơ bản của đô thị hóa là con người và đất đai. Do vậy, chính phủ, các nhà lãnh đạo chính trị phải thiết kế hệ thống lớn, tương tác 2 trụ cột trong xã hội nói trên, tạo dựng môi trường tốt cho con người và môi trường vật chất.

Trong thiết kế đô thị phải coi trọng giữ gìn và bảo tồn di sản đô thị, tôn trọng tự nhiên và hình ảnh phi vật chất. Trong quy hoạch đô thị, phải xây dựng đô thị trung tâm lõi cũng như các đô thị vệ tinh. Các đô thị này phải được kết nối với nhau bằng các phương tiện giao thông vận chuyển nhanh như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao…

Tại hội thảo, các chuyên cũng chia sẻ quan điểm về sức chống chịu và thích ứng của đô thị. Theo đó, tính chống chọi, thích ứng của một TP được mô tả là năng lực vận hành của TP sao cho người dân sống và làm việc trong TP (đặc biệt là những người nghèo và dễ bị tổn thương) sống và phát triển được, mặc những áp lực và cú sốc mà họ gặp phải. Chống chịu sẽ đem đến cho đô thị 3 lợi ích lớn gồm: Cứu mạng sống, tránh thiệt hại; mở ra tiềm năng kinh tế; tạo ra đồng lợi ích phát triển.

 

Quý Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load