Bên thềm hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển KCN, KCX, KKT ở Việt Nam do Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 17/02 tại Hà Nội, phóng viên Báo Xây dựng đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn (ảnh) về công tác quy hoạch xây dựng (QHXD) các KCN, KCX, KKT.
Thưa ông, những năm gần đây, các KCN, KCX, KKT được hình thành nhanh, mạnh và rộng khắp ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Bộ Xây dựng có vai trò như thế nào trong việc QHXD các KCN, KCX, KKT?
- Thực hiện Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, với chức năng quản lý Nhà nước về QHXD và phát triển nhà ở, Bộ Xây dựng đã tham gia xây dựng quy hoạch tổng thể các KCN, KKT tập trung trên địa bàn cả nước. Bộ thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng các KKT đặc thù; ban hành các quy định hướng dẫn thực hiện công tác quản lý Nhà nước về xây dựng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình xây dựng trong KCN, KKT; nghiên cứu cơ chế chính sách phát triển nhà ở công nhân… Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 19/2008/TT-BXD hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý QHXD KCN, KKT.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung 11 KKT đặc thù ven biển, 9 KKT cửa khẩu. Các KKT còn lại đang được triển khai lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dựng để trình Thủ tướng phê duyệt. QHXD đã cơ bản đi trước một bước, làm cơ sở triển khai đầu tư hệ thống hạ tầng KKT.
Bên cạnh những mặt đã đạt được của hệ thống KCN, KCX, KKT trong cả nước, tại hội nghị, một số đại biểu cũng đã đề cập đến những bất cập của chúng, trong đó có những bất cập liên quan đến công tác QHXD KCN, KCX, KKT. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào?
- Sự phát triển của các KCN, KCX, KKT ở Việt Nam đúng là còn nhiều vấn đề tồn tại ví dụ như việc lựa chọn địa điểm xây dựng KCN còn phụ thuộc vào chủ đầu tư và đề xuất của từng địa phương; hệ thống các KCN, KCX, KKT còn thiếu sự liên kết theo vùng lãnh thổ, chưa thực hiện được những chiến lược, định hướng lớn của Chính phủ dẫn đến hạn chế trong khai thác các lợi thế, tiềm năng, đặc thù của mỗi vùng, miền.
Hơn thế, chất lượng QHXD các KKT còn hạn chế, phải điều chỉnh nhiều lần, ảnh hưởng đến thời gian và tiến độ đầu tư xây dựng. Các KKT cửa khẩu tại khu vực miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lao Cai, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La… còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kể cả kinh phí lập QHXD.
Một tồn tại khác là việc đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật ngoài KCN, KCX còn chậm, thiếu đồng bộ, không đảm bảo gắn kết với các KĐT, khu dịch vụ, ảnh hưởng đến việc khai thác sử dụng và hiệu quả đầu tư của KCN, KCX.
Thêm vào đó, việc kiểm soát về môi trường nước, không khí và chất thải công nghiệp chưa được quan tâm. Các biện pháp, chế tài còn hạn chế, gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái vùng và đô thị.
Tương tự như vậy, việc đầu tư các tiện nghi, tiện ích công cộng phục vụ người lao động trong các KCN chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng người lao động phải thuê nhà ở trong các khu dân cư, làng xã với điều kiện môi trường không đảm bảo…
Nói tóm lại, do hạn chế về nguồn ngân sách cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật nên các KKT kém thu hút đầu tư. Việc sử dụng đất kém hiệu quả, lãng phí…
Để khắc phục tình trạng nêu trên, đồng thời hoàn thiện hơn mô hình KCN, KCX, KKT ở Việt Nam, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào những nhiệm vụ nào, thưa ông?
- Về công tác QHXD, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng đề án hình thành các KCN theo các vùng, hành lang kinh tế, vùng đô thị hóa, vừa đảm bảo khai thác được lợi thế về điều kiện tự nhiên, kết cấu hạ tầng diện rộng… vừa bảo vệ môi trường sinh thái chung của vùng và khu vực. Trước mắt, Bộ sẽ tập trung tổ chức thực hiện QHXD các vùng kinh tế trọng điểm, vùng Thủ đô, vùng TP.HCM đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ cũng đang nghiên cứu, đề xuất các nguyên tắc lựa chọn địa điểm và quy mô KCN, KCX dựa trên các yếu tố cơ bản như điều kiện quỹ đất xây dựng (bao gồm yếu tố địa hình, địa chất, khả năng đền bù GPMB); điều kiện cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào (như hệ thống giao thông đối ngoại, nguồn điện, cấp nước, thoát nước thải, thông tin liên lạc...) thuận lợi; gắn kết KCN với đô thị và khu dân cư; khả năng thu hút đầu tư; loại hình công nghiệp; phương thức kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN…
Bộ Xây dựng lưu ý các địa phương khi lập quy hoạch chi tiết KCN phải quy hoạch các KĐT, khu dân cư và dịch vụ phục vụ KCN, trong đó bao gồm các khu nhà ở cho công nhân, các công trình tiện ích công cộng như nhà văn hóa công nhân, công viên cây xanh, sân chơi thể dục thể thao, trạm y tế, trường dạy nghề và bồi dưỡng, nâng cao… Riêng đối với các KKT đặc thù, phải lập QHCXD theo hướng đồng bộ KCN - KĐT - khu dịch vụ và các công trình phụ trợ khác.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào, chính sách kiểm soát chất thải, nước thải công nghiệp và chính sách phát triển nhà ở cho công nhân.
Trân trọng cảm ơn ông!
Đề xuất cho vay vốn ưu đãi đối với 11 dự án nhà ở công nhân KCN Triển khai “Định hướng phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu các chính sách giải quyết nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp nói chung, công nhân lao động nói riêng (gọi tắt là đề án Nhà ở xã hội). Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết 18/NQ-CP và Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg và 67/2009/QĐ-TTg về nhà ở cho người thu thập thấp và nhà ở công nhân. Kết quả bước đầu, giai đoạn từ 2010 - 2015, các địa phương trong cả nước đã đăng ký triển khai 110 dự án, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 960 nghìn người. Trong đó, 27 dự án đã được khởi công với số vốn đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 866,6 nghìn m2, góp phần giải quyết 139,8 nghìn công nhân tại các KCN. 9 trong số 27 dự án này đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn, việc triển khai chính sách nhà ở cho công nhân các KCN còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc bởi nhiều lý do. Thứ nhất, các chính sách khuyến khích hiện hành đối với đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân vẫn chưa đủ sức thu hút, khó thực hiện, khiến DN chưa quan tâm thỏa đáng đến việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân KCN. Thứ hai, một số DN ngoài KCN muốn xây dựng nhà ở công nhân nhưng chưa có chính sách ưu đãi vì Quyết định 66/2009/QĐ-TTg chỉ quy định chính sách ưu đãi xây dựng nhà ở cho công nhân các KCN. Thứ ba, Việt Nam chưa có chính sách khuyến khích người dân vay vốn ưu đãi để cải tạo nhà ở theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng để cho thuê. Thứ tư, Nghị định 29/2008/NĐ-CP của Chính phủ chưa có quy định bắt buộc các DN sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân… Thời gian tới, trong công tác xây dựng chính sách phát triển nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, ban hành quy định tỷ lệ diện tích đất trong KCN cho phép đầu tư nhà ở công nhân. Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tình hình triển khai và đề xuất sửa đổi, bổ sung Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở cho công nhân trong KCN cũng như giải quyết những vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách… |
Nhị Nương (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn