(Xây dựng) - Ngay sau tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên Quốc lộ 5 ngày 23/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Ban An toàn giao thông Hải Dương, Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam đã kiểm tra xem xét hiện trường, triển khai một số công việc cấp bách nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Zing.vn)
Theo đó, một số việc cần khẩn trương thực hiện và hoàn thành trước ngày 30/7 tại ngã tư Km63+530 như: Bổ sung sơn kẻ đường gồm vạch đi bộ, vạch mắt võng và sơn vạch gờ giảm tốc; Lắp đặt đinh phản quang ở vạch biên khu vực; Cắm các cụm biển báo hạn chế tốc độ (60 Km/h) khoảng 700 m.
Bên cạnh đó cần nhanh chóng hoàn thành phương án thiết kế để xây cầu vượt dân sinh (cho người đi bộ, xe máy, xe thô sơ) vượt qua Quốc lộ 5 và đường sắt tại Km63+530. Tổ chức lại giao thông 2 nút giao trước và sau vị trí ngã tư (tại Km63+020; Km64+620) theo hướng lắp đèn tín hiệu giao thông trước ngày 10/8.
Hiện nay, lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 5 rất lớn (khoảng 50.000 xe qđ/ngày đêm, trong khi đó lưu lượng thiết kế chỉ 10.000 - 15.000 xe qđ/ngày đêm). Cùng với đó, sự phát triển dân cư, các khu công nghiệp dọc theo Quốc lộ; đường sắt chạy dọc và sát theo Quốc lộ cũng như điều kiện về đất đai, kinh phí xây dựng đường gom khó khăn.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam quyết liệt thực hiện nhằm giảm tai nạn giao thông. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở Giao thông Vận tải, Công an của 4 địa phương dọc Quốc lộ 5 (bao gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng), đơn vị quản lý tuyến đường rà soát các điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, các điểm giao cắt và bàn biện pháp trước mắt và lâu dài, bao gồm: Tăng cường cảnh báo, sơn kẻ đường, giảm tốc, phản quang và hạn chế tốc độ tại các điểm xung yếu, các điểm mở dải phân cách. Xem xét đầu tư thêm cầu vượt dân sinh, đèn tín hiệu tại những vị trí nguy hiểm có lưu lượng người xe máy đi lại lớn. Khẩn trương thực hiện trùng tu, sửa chữa mặt đường. Do công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn, cần có sự phối hợp chặt chẽ của Trung ương và các địa phương để đầu tư.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan rà soát các điểm nguy cơ mất an toàn giao thông để xử lý và lắp camera quan sát.
Lê Mỹ
Theo