(Xây dựng) - Bác Hồ kính yêu đã ra đi tới nay tròn 51 năm (1969 - 2020), để lại muôn vàn thương tiếc cho đồng bào, đồng chí, nhân dân cả nước ta. Nhớ lại, ngay sau thời điểm Người ra đi, tại nhiều đình, đền, miếu, chùa và nhiều gia đình đã lập bàn thờ Cụ Hồ để tỏ lòng thành kính với Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn ảnh: Internet). |
Lúc bấy giờ, ngay gia đình tôi cũng lập bàn thờ Bác Hồ. Tôi nhớ, dưới chân dung Người, có một bài thơ gồm bốn câu lấy 4 chữ đầu của khổ thơ là “Cụ - Hồ - Chí - Minh” như sau: Cụ thể ví như Bắc Đẩu tinh/ Hồ tại chân dung ảnh tùy hình/ Chí khí dựng xây nền độc lập/ Minh tâm chỉ ưa chuộng hòa bình (ý nghĩa khổ thơ Đường luật này là Bác Hồ sáng tựa sao Bắc Đẩu để dẫn đường, chỉ lối cho cả dân tộc; Bác Hồ đã đi xa, hình ảnh Người còn đây nhưng bóng hình của Người vẫn còn mãi mãi trong tâm trí mỗi con dân đất Việt! Bởi, ý chí của lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh luôn phấn đấu dựng xây nền độc lập cho dân tộc Việt Nam; tấm lòng của Người luôn chỉ mong ước cho đất nước hòa bình, thế giới hòa bình...).
Mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh của Người, chúng ta lại nhớ tới công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu! Gọi Người là vị Thánh nhân của dân tộc! Bởi vì, cũng hiếm thấy trong lịch sử nhân loại, có quốc gia hay dân tộc nào lại có một Nguyên Thủ, Tổng Thống hay một Chủ tịch nước nào, ngày tuyên ngôn độc lập, khai sinh cho Quốc gia hay dân tộc mình công bố nền cộng hòa hay dân chủ cho đất nước mình - vào một thời khắc lịch sử nhất định lại trùng hợp với thời khắc, thời điểm ra đi vào cõi vĩnh hằng của chính mình như Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa 9h45’ ngày 02/9/1945 Ất Dậu, trùng hợp thời khắc ra đi của Người cũng vào 9h47’ ngày 02/9/1969 Kỷ Dậu, 24 năm sau, ở tuổi 79 của Người. Duy vật biện chứng thì coi đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên trong lịch sử, còn các bậc hiền triết hay Triết gia phương Đông thì cho rằng, chỉ có những bậc vĩ nhân hay anh hùng dân tộc mới có những lá số tử vi khoa học dự đoán “Sinh một khắc, tử đồng khắc” như vậy!
Minh chứng cho điều này, điểm lại những mốc sau lịch sử của dân tộc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch với Cách mạng Việt Nam ở thế kỷ 20 cho thấy: Năm 1930 (Canh Ngọ) - Đảng Cộng Sản Đông Dương ra đời. Năm 1945 (Ất Dậu) - Cách mạng Tháng Tám thành công, ra đời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (02/9/1945). Tháng 2/1951 (Tân Mão) Đảng Cộng Sản Đông Dương đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 7/5/1954 (Giáp Ngọ) - Chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu; chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (một nửa đất nước được sống trong hòa bình, độc lập). Năm 1960 (Canh Tý) - Mặt trận dân tộc Giải phóng Miền Nam ra đời, bước ngoặt quan trọng tạo thế và lực cho Cách mạng để giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước. Năm 1972 (Nhâm Tý) - Chiến thắng lịch sử vĩ đại “Điện Biên Phủ trên không” trên bầu trời Thủ đô Hà Nội, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm là Đại thắng mùa xuân - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975 (Ất Mão). Đó là những mốc son kỳ diệu của Cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Theo quan điểm Hồ Chí Minh đó là “vận nước”. “Đại sự muốn thành công phải nhờ vận nước” - Thánh nhân Hồ Chí Minh nói: “Vận nước” là lòng dân và tình thế trong nước, ngoài nước”. Thời đại thánh nhân Hồ Chí Minh đã minh chứng cho luận điểm tâm linh của Người Việt. Quy luật vào thời khắc lịch sử, đột biến của “Thời thế” và “Vận nước” và những năm âm lịch Tý - Ngọ - Mão - Dậu thường diễn ra những biến cố lớn của đất nước chúng ta đó sao!
Đâu chỉ có vậy! Tại những thời khắc quyết liệt đầy cam go của Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thánh nhân của dân tộc Việt đã tiên đoán trước mọi tình thế.
Nhớ lại xuân Nhâm Ngọ 1942 trong trường ca “Lịch sử nước ta” với 236 lục bát của Hồ Chí Minh, cuối tác phẩm này có mục ghi những mốc lớn trong lịch sử dân tộc, Người đã có dòng chữ tiên đoán: “Năm Ất Dậu 1945 - Việt Nam độc lập”. Ngay trong cuốn sách “Nam Đàn xưa và nay” đã phân tích về sự kiện lạ kỳ: “Tại cuốn Nghệ An ký của Hoàng Giáp Bùi Dương lịch, viết vào cuối thế kỷ 18 có nhắc đến câu truyền tụng... “Độn Sơn phân giới, Nam Đàn sinh Thánh”.
Học trò của cụ Phan Bội Châu lúc đó hỏi: “Nam Đàn sinh Thánh” có phải ứng vào Thầy không? Cụ Phan đã giải thích: “Câu sấm truyền này có ứng thì là Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này)”.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, cụ Huỳnh Thúc Kháng, khi đó là Phó Chủ tịch nước, có thời gian ngắn làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất khâm phục trí tuệ siêu phàm của Thánh nhân Hồ Chí Minh, hiểu thấu thiên cơ của Người: “Tầm con mắt trong cao tột bậc, nhận rõ đại cuộc, xét thấu thiên cơ”. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đánh giá tầm nhìn đó trước thời cuộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Người thường kể với chúng tôi, dự đoán tương lai. Người nói, chừng 4 hay 5 năm nữa, Cách mạng Việt Nam sẽ thành công”.
Cả thời điểm trước khi ra đi vào cõi vĩnh hằng, Người vẫn còn để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta những lời tiên tri trong những vần thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu 1969, để 6 năm sau, đúng năm Ất Mão 1975 đã trở thành hiện thực: Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào!”.
Quả là dự báo thật chính xác của Thánh nhân Hồ Chí Minh: Không đánh cho Mỹ cút năm 1973 thì Ngụy ắt phải nhào, phải sụp đổ hoàn toàn năm 1975! Đó cũng có khác gì, khi cuối tháng 7/1945 khi Người ốm nặng, tại lán Nà Lừa, sau một đêm tỉnh lại sau cơn sốt, Người đã nói với đồng chí Võ Nguyên Giáp đang ngồi ở bên là: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy của dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập...” (Võ Nguyên Giáp - Từ Nhân dân mà ra - NXB QĐND).
Tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong tâm trí của Người khi Cách mạng tháng Tám mới thành công, nhận rõ vai trò quan trọng của các di tích danh thắng cùng các vùng đất linh thiêng của đất nước.
Ngày 23/11/1945, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh số 65 về “Bảo tồn tất cả cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, cấm phá hủy đình, chùa, đền, miếu, các cổ vật, thành, quách, lăng mộ, chiếu sắc, văn bằng.... có ích cho lịch sử”. Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự thảo được Quốc hội thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước ta (năm 1946) - Văn bản quan trọng nhất, thể chế hóa đường lối chính sách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Trong suốt cuộc đời cách mạng của Hồ Chủ tịch, tuy bận trăm công nghìn việc, nhưng Người vẫn dành thời gian đến thăm những di tích thiêng liêng đất Việt như; Đền Hùng, Chùa Côn Sơn, Chùa Hương Tích, chùa Quán Sứ, Chùa Thầy, di tích Cổ Loa thành .... Người luôn trân trọng giá trị tâm linh.
Sau khi hòa bình lập lại, năm 1958, đúng ngày sinh của Người (19/5), Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Chùa Hương thành tâm kính lễ Phật Bà Quan Thế Âm hay cùng Vùa Lào (sang thăm Việt Nam năm 1963) đến lễ Phật tại chùa Quán Sứ. Đó là sự kế tục dòng chảy văn hóa tâm linh đất Việt. Các đời Vua, các danh nhân, anh hùng dân tộc như: Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... qua các Triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đều sớm tìm đến vùng đất thiêng nhằm khởi phát để nối mạch thông linh: Thiên - Địa - Nhân, tạo thế trường tồn cho đất nước, cho muôn đời con cháu mai sau.
Cho nên, khi đất nước còn chiến tranh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chú ý tới khu linh thiêng K9 - Đá Chông. Theo Triết học phương Đông, bình địa rộng lớn của K9 - Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội là nơi tổng hòa các yếu tố linh thiêng quy tụ. Bởi, trước mặt K9 là sự giao thoa của 3 dòng: Sông Đà, sông Thao và sông Hồng; sau lưng dựa núi Tản Viên, hai bên tả, hữu triền núi thoai thoải, nước sông Đà “trường lưu thủy” chảy từ tả sang hữu (trái sang phải) hội hợp về biển lớn đúng như cái thế “Tiền Cận Giang - Hậu Tựa Sơn” (trước là sông, lưng tựa núi). Thế đất K9 là “thế tay ngai”, hội tụ phát tích linh khí, nằm trong vùng đất địa linh tuyệt duyệt.
Vì vậy, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn cán bộ, chiến sỹ bảo vệ K9 không được chặt cây, phá đá mà phải giữ nguyên các quần thể, từng khối đá trụ nơi đây.
Tầm nhìn của Thánh nhân dân tộc Việt Nam - Hồ Chí Minh là tầm nhìn xuyên thế kỷ. Bởi ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công chưa đầy 2 tháng, ngày 01/11/1945, trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ lúc đó là ông J.Bâyrix, Người đã đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân, mở đầu cho quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, cho dù giữa hai nước lúc đó chưa có quan hệ ngoại giao chính thức.
Hay, sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954, trả lời phóng viên Hãng thông tấn Pháp là Becna Uynman: “Nếu Chính phủ hoặc tư nhân Pháp cho vay vốn thì Chủ tịch có nhận không? Nếu nhận thì với những điều kiện như thế nào?”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Những quan hệ kinh tế giữa hai nước phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi”.
Đó là tầm nhìn của Thánh nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh! Tầm nhìn đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ nhiều mặt có hiệu quả giữa Việt Nam với Hoa Kỳ hay Pháp đã và đang diễn ra suốt nhiều năm qua.
Mỗi dịp sinh nhật Bác Hồ, mỗi người dân đất Việt càng hiểu thấu và tự hào hơn về tầm nhìn của bậc vĩ nhân Hồ Chí Minh, tầm nhìn của Thánh nhân Hồ Chí Minh - Tầm nhìn của Anh hùng tạo nên thời thế, chứ không phải thời thế tạo anh hùng. Một tầm nhìn luôn đi trước thời thế - Tầm nhìn Thánh nhân Hồ Chí Minh với cách mạng Việt Nam.
Văn Phúc
Theo