(Xây dựng) - Đó là "Thế" và "Thời" cùng sức mạnh đoàn kết toàn dân "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công" của dân tộc Việt Nam đã làm nên Cách mạng tháng Tám lịch sử 1945. Luận bàn về "Thế và Thời" trong Cách mạng Giải phóng dân tộc, về Cách mạng tháng Tám, tầm nhìn Hồ Chí Minh - Đó là "vận nước". Người nói: "Vận nước, không phải là điều huyền bí. Vận nước là lòng dân và tình thế trong nước, ngoài nước".
Đúng như tầm nhìn Hồ Chí Minh, thấu hiểu thời cuộc, ngày 09/3/1945, khi phát xít Nhật làm đảo chính, hất cẳng thực dân Pháp, chiếm Đông Dương làm thuộc địa, ngay tối 09/3/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã họp bất thường và chỉ thị "phát xít Nhật - thực dân Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động cách mạng của Đảng ta và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo toàn dân tích cực tạo "Thế" và "Thời" (thời cơ) cho cách mạng đang ngày càng phát triển rộng khắp cả nước. Đứng trước "Thời" cùng "vận mệnh" của dân tộc Việt Nam - tầm nhìn Hồ Chí Minh" đã giúp Đảng ta, nhân dân ta chọn đúng thời cơ chín muồi, tạo "Thế" cho cách mạng, đưa Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi trọn vẹn trong thời gian rất ngắn.
Khi nhận được tin: 12 giờ trưa 13/8/1945, Hồng quân Liên Xô đã tiến vào trung tâm Mãn Châu, nắm bắt "Thế" và "Thời" ngay trong thời khắc quan trọng này, thời cơ chín muồi cho Tổng khởi nghĩa cách mạng đã điểm! Ngay ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng ta (dự kiến tới ngày 18/8/1945 mới họp) đã họp gấp. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó đang mệt, không dự khai mạc được, nhưng trong quá trình Hội nghị, Tổng Bí thư Đảng ta lúc đó là đồng chí Trường Chinh cùng các đồng chí lãnh đạo đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Tình thế cấp bách, phải nắm bắt đúng thời cơ, phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào nước ta - đó là khả năng duy nhất để giành độc lập dân tộc", thể hiện rõ bản lĩnh và Tầm nhìn Hồ Chí Minh.
Tạo "Thế" được "Thời", đứng trước vận nước lịch sử "có một không hai", cùng sức mạnh "lòng dân" của toàn dân tộc Việt Nam, Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 (năm Ất Dậu) đã thành công rất mau lẹ trong cả nước. Các sự kiện liên tiếp diễn ra trong khí thế "long trời lở đất" của Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám lịch sử, càng minh chứng cho thấy tầm nhìn Hồ Chí Minh đã vận dụng "Thế" và "Thời" cùng sức mạnh toàn dân tộc "muôn người như một" tài tình. Cách mạng tháng Tám nổ ra khi phát xít Nhật đã mất hết tinh thần cùng sức mạnh chiến đấu, bị Hồng quân Liên Xô lúc đó đã đánh cho tan tác đội quân thiện chiến nhất của phát xít Nhật là đội quân Quan Đông, không còn phản ứng, đối phó gì lớn. Đó là "Thế" và "Thời" tuyệt diệu của cách mạng Việt Nam - Đó là "Thời cơ" cùng "Vận nước" thuận lợi chưa bao giờ thấy của cách mạng Việt Nam dẫn đến Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám thắng lợi trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương tước khí giới phát xít Nhật - Đó cũng là "Thời cơ" ta chuẩn bị hoàn tất xong Chính phủ lâm thời cách mạng trong những ngày 24 - 26/8/1945... đến ngày 02/9/1945 - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời với vị thế là một quốc gia độc lập, có chủ quyền với bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại công bố trước toàn thể dân tộc Việt Nam, trước toàn thế giới, đúng vào thời khắc lịch sử 9h45' ngày 02/9/1945 (Ất Dậu), trùng hợp với thời khắc "tâm linh" lịch sử 24 năm sau, thời khắc đúng 9h47' ngày 02/9/1969 (Kỷ Dậu) - thời khắc ra đi vào cõi vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Dòng chảy lịch sử đã minh chứng cho thấy, điểm lại những mốc son lịch sử từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước đến tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam ở thế kỷ XX: Năm 1930 (Canh Ngọ) Đảng Cộng sản Đông Dương (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930). Năm 1945 (Ất Dậu) Tổng khởi nghĩa cách mạng tháng Tám nổ ra thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra đời 02/9/1945. Năm 1951 (Tân Mão), Đảng Cộng sản Đông Dương đổi tên thành Đảng Lao động Việt Nam (02/1951) theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1954 (Giáp Ngọ) chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, vang dội năm châu chấn động địa cầu (07/5/1954) đã chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (một nửa đất nước Việt Nam - miền Bắc Việt Nam) thân yêu của chúng ta hoàn toàn được giải phóng. Để giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, năm 1960 (Canh Tý) Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (20/12/1960), bước ngoặt quan trọng để tạo "Thế và Lực" cho cách mạng miền Nam Việt Nam chuyển sang giai đoạn quyết định của cách mạng. Năm 1972 (Nhâm Tý), với chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ - 12 ngày đêm trên bầu trời Thủ đô Hà Nội" quật đổ "Pháo đài bay B52" của Đế quốc Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt hoàn toàn chiến tranh ở Việt Nam. Và, kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, chống giặc "ngoại xâm" kéo dài suốt 30 năm trường kỳ (1945 – 1975, từ Ất Dậu đến Ất Mão) là cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 lịch sử... Cũng như hiện nay, năm 2017 (Đinh Dậu), Đảng ta và nhân dân ta đang đấu tranh kiên quyết, kiên trì quyết liệt "một mất, một còn" với họa "nội xâm" - đó là nạn tham nhũng - trong bộ máy Nhà nước, của Đảng như Nghị quyết TW4 (khóa XI) khẳng định... Tất cả, phải chăng đã và đang minh chứng cho luận điểm "tâm linh" của người Việt. Quy luật vào những thời khắc lịch sử đột biến của "Thời - Thế" cùng "Vận nước" vào những năm (âm lịch): Tý - Ngọ - Mão - Dậu như Đức Thánh Tản Viên - đứng đầu trong bốn vị thánh "tứ bất tử" của người Việt cổ... là vào những năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu âm lịch những lễ hội lớn được tổ chức với quy mô lớn ở các đình, chùa, miếu mạo thờ phụng Đức Thánh Tản Viên từ xưa cho tới nay, trước những biến cố, thay đổi lớn lao đột biến của dân tộc... Đó cũng chính là sinh khí đất trời Việt tạo hóa, cũng chính là giữa bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông của trời đất. Bởi tháng Tý âm lịch hàng năm là giữa tiết mùa Đông thì tháng Ngọ âm lịch là giữa tiết mùa Hạ. Tháng Mão âm lịch là giữa tiết mùa Xuân thì tháng Dậu âm lịch là giữa tiết mùa Thu đó sao!?
Tầm nhìn Hồ Chí Minh "Thế và Thời", trước khi tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám nổ ra, ngay xuân Nhâm Ngọ (1942), trước thời khắc quyết liệt của cách mạng Việt Nam sẽ diễn ra trong vài năm tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản trường ca "Lịch sử nước ta" với 236 câu lục bát. Cuối bản trường ca này, có mục ghi những mốc lớn trong lịch sử dân tộc, trong đó có dòng chữ "Dự đoán thần kỳ" - năm 1945 (năm Ất Dậu) Việt Nam độc lập!
Tầm nhìn Hồ Chí Minh được thể hiện ngay từ Tuyên ngôn độc lập, khi tuyên bố với thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: Nước Việt Nam mới chỉ "thoát ly hẳn quan hệ "thực dân" với Pháp". Ngay sau khi tuyên bố độc lập không bao lâu, trong lúc đất nước bộn bề muôn vàn khó khăn "ngàn cân treo sợi tóc", chúng ta đang tập trung lực lượng chuẩn bị cho trường kỳ kháng chiến chống Thực dân Pháp, tầm nhìn Hồ Chí Minh đã đề cập đến "hợp tác và hội nhập". Tháng 7/1946, giữa Thủ đô Pari nước Pháp, Hồ Chí Minh tuyên bố: "Việt Nam đòi quyền độc lập trong Liên hiệp Pháp (không phải là tuyệt giao với Pháp), vì như thế cả hai bên cùng có lợi về mặt kinh tế và văn hóa. Việt Nam vui lòng cộng tác với Pháp"; "Việt Nam sẵn lòng bảo đảm sự an toàn cho những vốn của người Pháp đất trên đất Việt Nam"; "Quyền tự do doanh nghiệp của những người Pháp cũng chỉ phải chịu những điều kiện như người Việt Nam". Cũng ngay sau ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Giáp Ngọ), trả lời câu hỏi của phóng viên Hãng thông tấn Pháp là Beccna Uynman: "Nếu Chính phủ hoặc tư nhân Pháp cho vay vốn thì Chủ tịch có nhận không? Nếu nhận thì với những điều kiện như thế nào?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Những quan hệ kinh tế giữa hai nước phải dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hai bên cùng có lợi". Đó là tầm nhìn Hồ Chí Minh - tầm nhìn luôn đi trước thời đại với trí tuệ siêu phàm, thấu hiểu "thiên cơ"! Đúng như cụ Huỳnh Thúc Kháng, sau Cách mạng tháng Tám, khi đó là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có thời gian làm việc bên cạnh Hồ Chủ tịch đã nhận xét: “Tầm con mắt trong cao tột bậc, nhận rõ đại cuộc xét thấu thiên cơ".
Cách mạng tháng Tám lịch sử - tầm nhìn Hồ Chí Minh là tầm nhìn xuyên thế kỷ của Người! Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công chưa đầy 2 tháng, ngày 01/11/1945 trong thư gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ lúc bấy giờ - ông J.Bâynix, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáng kiến về ngoại giao nhân dân, mở đầu cho quan hệ hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Mỹ, cho dù giữa hai nước lúc đó chưa có quan hệ ngoại giao chính thức" - Phải chăng, đó là tầm nhìn Hồ Chí Minh, tầm nhìn đã đặt nền móng cho sự phát triển quan hệ nhiều mặt có hiệu quả giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã và đang diễn ra suốt nhiều năm qua đó sao!?
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám lịch sử đã diễn ra cách đây 72 năm chứng minh tầm nhìn Hồ Chí Minh vĩ đại! Biết dự báo, tạo thế, chọn thời cơ chín muồi ắt sẽ đưa sự nghiệp cách mạng đến thắng lợi hoàn toàn - Đó là tầm nhìn Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam nói chung cũng như cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám lịch sử 1945 nói riêng!
Văn Phúc
Theo