(Xây dựng) - Tam Đảo là huyện miền núi nằm ở phía đông bắc tỉnh Vĩnh Phúc, được thành lập từ ngày 01/01/2004, trên cơ sở chia tách từ các huyện: Bình Xuyên, Tam Dương, Lập Thạch và TX Vĩnh Yên. Tam Đảo được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh có thế mạnh về phát triển du lịch như: Vườn quốc gia Tam Đảo, khu di tích danh thắng Tây Thiên, khu nghỉ mát Tam Đảo, hồ Làng Hà, hồ Xạ Hương.... tạo nên một quần thể du lịch hấp dẫn du khách đến với vùng đất này.
Nói tới Tam Đảo là nói tới di tích - danh thắng Tây Thiên, một quần thể di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng từ nghìn xưa, một hệ thống bao gồm đền thờ Quốc Mẫu Tây Thiên với vô số các di tích đền, chùa, miếu được xây dựng từ hàng trăm năm nay, nằm rải rác từ chân núi lên đến tận đỉnh núi dài gần 10km trong dãy Tam Đảo hùng vĩ. Tây Thiên còn là một trong những trung tâm của Phật giáo Việt Nam từ xa xưa. Trong khu vực, Tam Đảo còn là vùng đất địa linh với 119 di tích lịch sử được trải rộng ở khắp địa phương. Trong đó, khu di tích và danh thắng Tây Thiên được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Liền kề là Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên mang dáng vẻ kiến trúc truyền thống, xen lẫn những mái đình, chùa rêu phong, cổ kính, ẩn mình dưới cánh rừng cổ thụ nguyên sinh. Ngoài ra, huyện Tam Đảo còn tự hào giữ gìn một kho tài nguyên du lịch tự nhiên là rừng núi Tây Thiên, Thác Bạc, núi Trường Sinh, suối Giải Oan, hồ Xạ Hương... Trong đó có rừng cây nguyên sinh Vườn Quốc gia Tam Đảo với nhiều loại cây, hoa quý hiếm, hàng trăm loài động vật... Đặc biệt, khu nghỉ mát Tam Đảo nằm ở độ cao hơn 1.000m, có nơi độ cao lên đến 1.400m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình trong năm từ 10 - 18oC, quyến rũ du khách lên nghỉ mát, dưỡng bệnh vào ngày nghỉ cuối tuần, nhất là vào mùa hè. Có thể nói, đây là những lợi thế về tiềm năng và là cơ sở để Tam Đảo phát triển ngành "công nghiệp không khói" này một cách bền vững.
Để Tam Đảo trở thành huyện trọng điểm về phát triển dịch vụ - du lịch của Vĩnh Phúc và cả nước. Những năm qua, huyện đã có những định hướng và giải pháp đồng bộ, nhằm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Với mục tiêu là: Khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, đi liền với bảo tồn, trùng tu, tôn tạo, gìn giữ các nguồn tài nguyên để tạo ra bước phát triển mới cho ngành du lịch. Phát triển các điểm du lịch mới, đầu tư xây dựng các điểm du lịch chất lượng cao. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế du lịch của huyện, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế. Từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, qua đó để quảng bá về các di tích, con người và văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng được quan tâm đầu tư với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng để tôn tạo các khu danh thắng, công trình tôn giáo, tín ngưỡng điển hình; xây dựng hệ thống cáp treo, khu dịch vụ… Hệ thống khách sạn, nhà hàng ngày càng được nâng cấp và xây mới. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 khu Resort và 104 khách sạn, nhà nghỉ với tổng số 1.594 phòng nghỉ, trong đó có 10 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 3 sao. Lượng khách du lịch đến với Tam Đảo càng ngày càng cao. Đặc biệt, lượng du khách năm nay đến với Tam Đảo đã tăng đột biến so với mọi năm với trên 1,7 triệu lượt khách đến tham quan, hành hương, vãn cảnh, nghỉ mát. Trong đó, Khu du lịch Tam Đảo đón khoảng 310 nghìn lượt khách, bằng 171% so với năm 2015, doanh thu ước đạt trên 115 tỷ đồng. Khu danh thắng Tây Thiên đón trên 1,39 triệu khách tăng 235% so với năm 2015, doanh thu từ đóng góp tự nguyện, công đức của người dân đạt trên 16 tỷ đồng.
Hệ thống cáp treo Tây Thiên đi vào hoạt động đã góp phần thúc đẩy tuyến du lịch Tây Thiên - Tam Đảo nói riêng và du lịch Vĩnh Phúc nói chung, tháo gỡ trở ngại lớn nhất cho du khách về sức khỏe và thời gian vượt suối, băng rừng “đến với Phật về với Mẫu”.
Với mục tiêu tổng quát phát triển ngành du lịch của Tam Đảo là “Phấn đấu đến năm 2020 du lịch, dịch vụ Tam Đảo phát triển, tạo được những hình ảnh đặc trưng riêng, phù hợp với tiềm năng, lợi thế và là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ của vùng và cả nước, điểm đến hấp dẫn thân thiện của du khách”. Do vậy, định hướng phát triển du lịch của Tam Đảo trong thời gian tới rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trên cơ sở đó kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước làm du lịch để Tam Đảo trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn và còn là điểm nhấn của du lịch Vĩnh Phúc. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Tam Đảo có 250 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 7 nghìn phòng, đón khoảng 10 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 100 nghìn lượt khách quốc tế và đạt tổng doanh thu trên 680 tỷ đ/năm, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 23,34%, cơ cấu kinh tế của ngành du lịch, dịch vụ chiếm 51,3 - 51,7%. Muốn đạt được chỉ tiêu trên Tam Đảo cần tăng cường công tác xúc tiến tuyên truyền quảng bá du lịch dưới nhiều hình thức khác nhau, xây dựng thêm các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh, đặc biệt trong đó cần quan tâm đến các sản phẩm du lịch đặc thù như: Du lịch hội thảo, nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí… gắn với tìm hiểu về văn hóa, lịch sử thông qua các di tích và các lễ hội truyền thống…
Khu du lịch Tam Đảo điểm đến và dừng chân của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Tin tưởng rằng, trong tương lai không xa, với sự hoạch định đúng đắn, khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch vốn có, Tam Đảo sẽ trở thành huyện du lịch trọng điểm của Vĩnh Phúc và cả nước vào những năm 20 của thế kỷ XXI và là điểm đến yêu thích của du khách thập phương.
Hải Âu
Theo