Thời gian gần đây, tình trạng lái xe chống đối, bỏ chạy và cố tình đâm vào cảnh sát giao thông khiến nhiều chiến sỹ phải bám cần gạt nước, gương chiếu hậu hay đánh đu trước xe là hồi chuông báo động về ý thức chấp hành các quy định pháp luật của đội ngũ tài xế.
Cảnh sát giao thông kiểm tra một xe ôtô lưu thông trên đường. (Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVN)
Chiều ngày hôm qua (30/6), một chiến sỹ Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh phải nhập viện cấp cứu vì bị xe container hất văng xuống đường, khi chiến sỹ này cố bám vào gương chiếu hậu yêu cầu tài xế dừng xe.
Trao đổi với VietnamPlus vào đầu giờ chiều nay (1/7), ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam khẳng định, hành vi lái xe container hất văng cảnh sát giao thông là vi phạm nghiêm trọng pháp luật khi chống đối người thi hành công vụ đồng thời gây nguy hiểm đến tính mạng người thực thi pháp luật.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng bày tỏ quan điểm, trong trường hợp này, cảnh sát giao thông phải rút kinh nghiệm trong việc kiểm tra vi phạm để làm sao không phải đu cần gạt nước hay bám lên gương chiếu hậu trước đầu xe.
Theo ông Thanh, vị trí đứng của Cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ phải tuân theo quy định về quy trình tuần tra, kiểm soát vi phạm do Bộ Công an ban hành. Vị trí đứng của mỗi người, ai ra tín hiệu dừng xe, ai lập biên bản xử lý, kiểm tra giấy tờ xe... đều có đội hình.
“Trong điều lệnh nghiệp vụ của cảnh sát giao thông không có hành động bám cần gạt nước, đánh đu trên đầu xe... Đây là điều thiếu chuyên nghiệp, liều lĩnh cho bản thân và tổ công tác, trong khi vẫn có thể lựa chọn các cách xử trí khác tốt hơn. Nếu xe phóng nhanh ngay trước mặt thì lực lượng cảnh sát giao thông phải tránh né. Vì thế, khi kiểm tra vi phạm lái xe và phương tiện thì không nên đứng trước đầu xe,” vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhấn mạnh.
“Các vụ cảnh sát giao thông bất đắc dĩ phải ‘diễn xiếc’ trên nóc capo, bám cần gạt nước, gương chiếu hậu… thường là do hành vi cố tình của lái xe, song mỗi cán bộ công an phải biết tìm cách ứng xử sao cho linh hoạt, thông minh,” vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đưa ra chính kiến.
Khẳng định hành vi chống người thi hành công vụ là một việc làm đáng lên án, tuy nhiên tài xế Trần Trọng Thái, một tài xế container chạy tuyến Bắc-Nam cho rằng không ít người cứ nhìn thấy cảnh sát giao thông là có tâm lý hoảng sợ, bực bội khi bị kiểm tra các lỗi vi phạm.
Anh Thái cho hay, có trường hợp cảnh sát giao thông xử lý quá cứng nhắc, áp dụng luật không linh hoạt khiến lái xe không phục, khó tránh khỏi phản ứng quá khích, tiêu cực dẫn đến việc mất bình tĩnh và làm liều. Nhiều trường hợp, lực lượng thực thi pháp luật không cần phải liều mình truy đuổi đến cùng nếu như việc đó không đảm bảo an toàn giao thông cho bản thân và cả người đi đường.
Đưa ra lời khuyên cho tài xế lưu thông trên đường, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, cánh tài xế phải chấp hành các hiệu lệnh của cảnh sát giao thông trên đường, tuân thủ quy định an toàn giao thông và thực thi đúng luật. Đặc biệt, lái xe phải bình tĩnh khi xử lý các tình huống trên đường.
Đặt câu hỏi đến việc đào tạo sát hạch lái xe, cấp bằng lái, theo ông Thanh, hiện nay, các tỉnh thành đang thiếu lái xe có bằng FC (bằng lái dành cho xe container, xe đầu kéo, sơmi-rơ móoc). Lái xe chỉ cần có bằng C sau đó học tiếp 2 năm sẽ được thi nếu đạt thì cấp bằng FC.
“Qua vụ việc này, các đơn vị vận tải phải chấn chỉnh về đạo đức người lái xe, đào tạo lại nghiệp vụ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe lái xe,” ông Thanh nói./.
Được biết, hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi vi phạm pháp luật được quy định trong Bộ luật Hình sự và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, trong các văn bản này chưa quy định thật rõ ranh giới xử lý trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi chống người thi hành công vụ, nên trong thực tiễn nhận thức và áp dụng nhiều khi chưa thống nhất và thiếu chính xác. Cụ thể, Điều 257 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về tội chống người thi hành công vụ như sau: 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm : a) Có tổ chức. b) Phạm tội nhiều lần. c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. d) Gây hậu quả nghiêm trọng. đ) Tái phạm nguy hiểm. Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 20 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự,an toàn xã hội quy định “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ”. |
Theo Việt Hùng/Vietnamplus.vn