Đây là mục tiêu trọng tâm của Bộ Xây dựng trong công tác thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2014 – 2015.
Phê duyệt 13/13 đề án tái cơ cấu
Bộ Xây dựng cho biết: Trong năm 2013, Bộ đã hoàn thành xác định giá trị DN của 9 đơn vị, gồm 4 Cty mẹ là TCty Thủy tinh và gốm Xây dựng (Viglacera), TCty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), TCty Xây dựng Bạch Đằng, TCty Xây dựng Hà Nội; 3 Cty con của TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), TCty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD), TCty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (LICOGI), cùng 2 Cty hạch toán phụ thuộc TCty LICOGI.
Bộ cũng đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) của TCty VIGLACERA, 5 Cty con và đang thẩm định phương án CPH 1 Cty con. Bộ đã bàn giao sang Cty CP 1 DN là Cty CP LISEMCO thuộc TCty LILAMA. Hiện nay, Bộ đang thực hiện xác định giá trị DN của 1 Cty mẹ - TCty LICOGI và 2 Cty con thuộc TCty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC).
Có thể nói, qua 2 năm thực hiện CPH (2012 – 2013), mặc dù số lượng DN CPH không nhiều nhưng các DN đều có quy mô lớn, với giá trị từ 1.000 đến gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 5 Cty mẹ - TCty. Qua xác định giá trị DN để CPH, giá trị phần vốn Nhà nước tại các DN CPH đã tăng thêm được 2.097 tỷ đồng, do đánh giá lại tài sản phù hợp với giá thị trường, bổ sung giá trị lợi thế kinh doanh của DN. Số lao động được sắp xếp lại là 5.602 người. Nhiều tồn tại về tài sản, tài chính, lao động, đất đai… của các DN cũng được xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khi chuyển sang hoạt động theo hình thức Cty CP.
Cũng theo Bộ Xây dựng, đến nay Bộ đã hoàn thành thẩm định, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM); hoàn thành thẩm định, phê duyệt 13/13 đề án tái cơ cấu của các TCty trực thuộc Bộ.
Theo Đề án của các TCty, việc tái cơ cấu tập trung vào 4 nội dung chính là tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, tái cơ cấu tổ chức, tái cơ cấu tài chính và tái cơ cấu quản trị DN. Đối chiếu với nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ về CPH giai đoạn 2011-2015, Bộ Xây dựng đã cơ bản hoàn thành kế hoạch sắp xếp, đổi mới DN giai đoạn 2011 - 2013, tạo điều kiện hoàn thành kế hoạch chung giai đoạn 2011- 2015.
Thoái vốn đầu tư các lĩnh vực ngoài ngành
Bước sang giai đoạn 2014 - 2015, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục chú trọng công tác CPH với các mục tiêu là nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DN; tạo điều kiện để DNNN giải phóng sức sản xuất, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động SXKD; Xây dựng, phát triển các DN thuộc Bộ trở thành những đơn vị kinh tế vững mạnh trong ngành Xây dựng, có cơ cấu hợp lý, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính, phát huy tốt các nguồn lực.
Cụ thể, trong năm 2014, Bộ sẽ công bố giá trị DN và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH LICOGI; Công bố giá trị DN và phê duyệt phương án CPH, chuyển DNNN thành Cty CP 2 đơn vị thuộc TCty VNCC; Thực hiện CPH 3 Cty mẹ và 4 Cty con.
Trong năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện CPH 3 Cty mẹ - TCty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO), TCty LILAMA, TCty VICEM và 3 Cty con CPH cùng Cty mẹ. Sau năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục CPH các DN còn lại là TCty VNCC, TCty Sông Đà, TCty HUD…
Cùng với việc đẩy mạnh, hoàn thành công tác CPH, Bộ Xây dựng tiếp tục thực hiện các nội dung của đề án tái cơ cấu DNNN, xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể để năm 2014 hoàn thành được 50% kế hoạch thoái vốn, trong đó hoàn thành 100% thoái vốn đầu tư trong các lĩnh vực bảo hiểm, ngân hàng, chứng khoán; Hoàn thành việc sắp xếp lại mô hình tổ chức các Cty mẹ; Phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành 100% kế hoạch thoái vốn và các mục tiêu sắp xếp, đổi mới DN đã đề ra.
Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu nói trên như đổi mới tư duy, nhận thức của cán bộ lãnh đạo, người lao động trong DN trong công tác CPH, tái cơ cấu DN; quy định việc thực hiện kế hoạch CPH, tái cơ cấu là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của lãnh đạo DN…
Bộ chỉ đạo các DN chủ động chuẩn bị hồ sơ, tài liệu pháp lý để CPH; áp dụng các biện pháp xử lý linh hoạt, hữu hiệu, dứt điểm đối với các DN đang gặp khó khăn lớn về tài chính, lao động. Bên cạnh đó, Bộ thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với DN giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình CPH; phối hợp với các cơ quan có liên quan như Bộ Tài chính, Bộ LĐTB&XH, Bộ KH&ĐT, Kiểm toán Nhà nước, UBND các tỉnh để giải quyết các vấn đề vướng mắc khi CPH như việc xác định giá trị DN, phương án sử dụng đất, phương án CPH, sử dụng lao động… Đồng thời, tăng cường quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo đối với các DN sau CPH.
Đối với Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện tái cơ cấu DNNN như việc chuyển giao vốn, chuyển giao DNNN, thoái vốn khi DN có lỗ lũy kế; chuyển nhượng dự án, chuyển giao dự án gắn với việc chuyển nhượng vốn, chuyển giao vốn giữa các DN khi thực hiện tái cơ cấu.
Quý Anh
Theo