Ông Đậu Minh Thanh |
(Xây dựng) - Nắm giữ 16 TCty lớn trong lĩnh vực xây dựng, BĐS và VLXD, Bộ Xây dựng đang đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Cuộc “đại phẫu” quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của DN đã được Bộ Xây dựng triển khai như thế nào? Phóng viên Báo Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn ông Đậu Minh Thanh - Vụ trưởng Vụ Quản lý DN, Bộ Xây dựng.
Xin ông cho biết tình hình triển khai thực hiện công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, DN có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2016 - 2020?
- Là đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại 16 TCty, Bộ Xây dựng đã nghiêm túc triển khai công tác sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, DN có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu. Kết quả 7 tháng đầu năm 2017 cho thấy, công tác này được triển khai tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, bám sát kế hoạch đề ra, Bộ đã hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 12/16 TCty, 4 TCty đang tiến hành CPH là Sông Đà, HUD, IDICO, VICEM.
Thực hiện Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Xây dựng đã chủ động xây dựng phương án sắp xếp, tái cơ cấu DNNN, DN có vốn góp của Nhà nước do Bộ Xây dựng làm chủ sở hữu giai đoạn 2016 - 2020, Bộ ban hành Quyết định số 103/QĐ-BXD triển khai Chỉ thị 04, ban hành Văn bản số 697/BXD-QLDN yêu cầu các TCty TNHH MTV, người đại diện tại các TCty - CTCP có vốn góp của Nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu. Xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước tại TCty theo lộ trình quy định cụ thể, báo cáo Thủ tướng phê duyệt.
Đến nay, người đại diện vốn tại tất cả các TCty đang đồng loạt thực hiện việc xây dựng Phương án thoái vốn Nhà nước tại các Cty mẹ theo lộ trình quy định cụ thể để trình Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo yêu cầu.
Ngoài ra, Bộ cũng đã chỉ đạo yêu cầu người đại diện vốn xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn của TCty tại các Cty con, Cty liên kết, trình Bộ xem xét, phê duyệt (đối với các TCty chưa cổ phần); chấp thuận để người đại diện vốn thông qua phương án (đối với các TCty - CTCP).
Kế hoạch CPH 4 DN lớn là Sông Đà, HUD, IDICO, VICEM sẽ được triển khai như thế nào thưa ông? Những khó khăn vướng mắc trong quá trình CPH 4 “ông lớn” của Ngành sẽ được tháo gỡ ra sao?
- 4 TCty còn lại là Sông Đà, HUD, IDICO, VICEM đều là DN có quy mô lớn, tài sản và cơ sở nhà máy, đất đai trải rộng khắp cả nước, khó khăn trong việc rà soát, xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương. Vốn Nhà nước tại 4 DN này chiếm đến khoảng 70% tổng số vốn tại các DN do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án CPH của IDICO, Sông Đà. Hiện Bộ Xây dựng đang hoàn thiện các thủ tục để tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 9 năm nay, sau đó tiến hành đại hội cổ đông lần đầu và chuyển 2 TCty này sang Cty cổ phần trong quý IV/2017.
Đối với HUD, Bộ đã trình Chính phủ phương án CPH. Hiện Bộ đang tiến hành rà soát lại giá trị DN, chủ yếu liên quan đến phương án sử dụng đất, giá trị quyền sử dụng đất tại các dự án của TCty. Sau khi Thủ tướng phê duyệt phương án CPH sẽ tiến hành IPO, đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển sang Cty cổ phần, dự kiến trong quý IV/2017. Như vậy, đến quý IV/2017 năm nay sẽ hoàn thành cơ bản CPH 3 TCty.
Còn đối với VICEM, Bộ đang khẩn trương thực hiện xác định giá trị DN. Theo kế hoạch, trong quý IV năm nay, Bộ sẽ công bố giá trị DN và trình Thủ tướng Chính phủ phương án CPH.
Như vậy nhiệm vụ thoái vốn, CPH trong giai đoạn 2017 - 2020 rất nặng nề. Bộ Xây dựng sẽ thực hiện công việc này ra sao để đảm bảo tiến độ đề ra, thưa ông?
- Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu các đơn vị chức năng và các TCty, người quản lý DN, người đại diện vốn tại DN - Cty CP nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ chính sau:
Thứ nhất, người đại diện vốn phải tập trung xây dựng trình Bộ phương án thoái vốn Nhà nước tại TCty để Bộ xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời xây dựng phương án sắp xếp, thoái vốn của TCty tại các Cty con, Cty liên kết để trình Bộ xem xét, phê duyệt.
Thứ hai, thực hiện thoái vốn Nhà nước tại các TCty - CTCP theo đúng lộ trình quy định tại Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Thông báo số 147/TB-VPCP ngày 17/3/2017 và Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể: Thực hiện thoái vốn Nhà nước theo lộ trình đến hết năm 2018 về mức 0%, đối với 10 DN gồm các TCty: FiCO, Xây dựng số 1, Sông Hồng, DIC, Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, VIWASEEN, VNCC, COMA và IDICO.
Thực hiện CPH, bán bớt phần vốn nhà nước, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại các TCty: Sông Đà, VICEM, HUD, LILAMA và VIGLACERA. Năm 2020, điều chỉnh tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các TCty này theo đúng quy định tại Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân loại DNNN, DN có vốn Nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020.
Thứ ba, Bộ Xây dựng yêu cầu và giám sát các TCty, người đại diện vốn tại các TCty - CTCP thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giao dịch và niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán theo quy định. Mục tiêu chậm nhất đến 31/12/2017, tất cả các TCty - CTCP đều thực hiện giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom hoặc sàn chứng khoán.
Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Huyền (thực hiện)
Theo