Thực hiện Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính về tái cơ cấu DNNN, Bộ Xây dựng đang khẩn trương hoàn thành đề án tái cơ cấu DNNN ngành Xây dựng, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý trình Thủ tướng phê duyệt. Phóng viên báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Văn Long - Vụ trưởng, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Đổi mới và phát triển DN Bộ Xây dựng về vấn đề này.
Ông Đặng Văn Long
Thưa ông, mục tiêu tái cơ cấu các DN trong Ngành cũng như lộ trình thực hiện được xác định như thế nào?
- Việc thực hiện tái cơ cấu các DNNN ngành Xây dựng phải đạt được những mục tiêu đã nêu trong Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là tái cơ cấu để các DNNN ngành Xây dựng có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào những lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, nâng cao được hiệu quả và sức cạnh tranh để thắng thầu các dự án lớn ở trong và ngoài nước, thực hiện được các mục tiêu kinh tế, chính trị, xã hội của Đảng và Nhà nước ở từng thời kỳ.
Để thực hiện được mục tiêu này, các DNNN ngành Xây dựng sẽ được phân loại, sắp xếp, CPH theo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 04/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ tình hình cụ thể của DN để có lộ trình thực hiện cho phù hợp.
Riêng đối với các DN thuộc Bộ Xây dựng, trong năm 2012 Bộ sẽ chỉ đạo các TCty khẩn trương hoàn thành xây dựng Đề án tái cơ cấu. Theo Đề án này, các TCty sẽ thực hiện tái cơ cấu toàn diện từ việc xác định mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển, ngành nghề kinh doanh chính, ngành nghề kinh doanh liên quan đến việc tái cơ cấu về tổ chức, tài chính và quản trị DN để từ nay đến hết năm 2015, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành CPH các TCty, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối; đồng thời thực hiện thoái vốn ở những DN hoạt động ngoài ngành, không thuộc ngành nghề kinh doanh chính, hoạt động không hiệu quả.
Đối với việc kết thúc thí điểm thành lập 2 Tập đoàn, chuyển các TCty về trực thuộc Bộ Xây dựng, có ý kiến cho rằng sẽ lại giống như Bộ chủ quản trước đây, và như vậy họ cũng băn khoăn đến hiệu quả hoạt động của nó?
- Sau khi kết thúc thí điểm hình thành 2 Tập đoàn ngành Xây dựng, các TCty tham gia 2 Tập đoàn được chuyển về Bộ Xây dựng. Việc chuyển các TCty về Bộ, về hình thức bên ngoài có vẻ vẫn mang dáng dấp quản lý DN theo cơ chế chủ quản trước đây (vì do Bộ quản lý). Tuy nhiên, nội dung quản lý của Bộ đối với các DN (TCty) hoàn toàn không giống như trước. Bộ không quản lý “toàn diện” DN mà quản lý theo phân công, phân cấp của Chính phủ quy định tại Nghị định 132/2005/NĐ-CP ngày 20/10/2005 hiện nay và Nghị định 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 kể từ ngày 30/12/2012 tới đây.
Theo quy định tại Nghị định 99/2012/NĐ-CP, Bộ chỉ thực hiện một số quyền, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với TCty như quyết định thành lập, mục tiêu, ngành nghề kinh doanh; phê duyệt Điều lệ và vốn điều lệ; quyết định bổ nhiệm Chủ tịch và thành viên HĐTV, Tổng giám đốc và Kiểm soát viên; phê duyệt chiến lược, kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển 5 năm; phê duyệt chủ trương góp vốn, tăng giảm vốn của TCty tại DN khác; thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật của TCty. Trong việc thực hiện các quyền của chủ sở hữu nhà nước của Bộ đối với các TCty còn có sự tham gia, phối hợp của các Bộ tổng hợp như: Tài chính, KH&ĐT, Nội vụ LĐTB&XH và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan.
Cũng theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP, HĐTV TCty được xác định là đại diện chủ sở hữu trực tiếp tại DN. Do vậy, việc thực hiện quản lý, điều hành mọi hoạt động SXKD của TCty được thực hiện trực tiếp bởi HĐTV và bộ máy điều hành của TCty.
Như vậy, tới đây Bộ sẽ quản lý các DN như thế nào?
- Do phân cấp quản lý các TCty thuộc Bộ Xây dựng như trên, nên nhiệm vụ chính trong quản lý các TCty của Bộ tới đây sẽ tập trung chủ yếu vào việc thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật của TCty để kịp thời cảnh báo, ngăn ngừa các hành vi thực thi sai pháp luật của DN; qua đó thấy được những thuận lợi, khó khăn của DN trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước để từ đó kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, tạo điều kiện cho DN tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh, nâng cao được hiệu quả và sức cạnh tranh theo cơ chế thị trường.
Trong điều kiện các DN xây dựng đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, việc quản lý có hiệu quả các TCty là bài toán không đơn giản. Sau khi chuyển giao về Bộ, Bộ đã sớm có kế hoạch làm việc với các TCty để xác định kịp thời các khó khăn vướng mắc ảnh hưởng lớn đến hiệu quả hoạt động của DN, trên sơ sở đó Bộ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý, trường hợp vượt thẩm quyền Bộ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, các TCty cũng đang khẩn trương hoàn thiện Đề án tái cấu trúc DN của mình, trong đó phải đưa ra lộ trình hoàn tất thoái vốn cũng như thu hồi nợ đọng. Đây đang là vấn đề nan giải đối với các DN do chưa có cơ chế. Theo ông, cần phải làm gì để tháo gỡ khó khăn cho DN?
- Vấn đề thoái vốn ở những lĩnh vực đầu tư ngoài ngành thực sự rất khó khăn cho DN. Do trước đây khi đầu tư, DN bỏ ra lượng vốn lớn, bây giờ bán lại thu hồi không đủ lượng vốn đã đầu tư, và phần bị hụt sẽ giải trình thế nào. Khó hơn nữa là khi các DN đồng loạt thoái vốn tức là ai cũng mang hàng ra bán, người mua thì ít. Trong khi đó thoái, giảm vốn nhà nước thì không đơn giản, thoái vốn nhưng phải bảo toàn được vốn nhà nước, như vậy phải xin phép, phải có chế tài. Trước mắt các DN vẫn phải tự mình tìm các đối tác có năng lực về tài chính để có những thỏa thuận phù hợp với quy định hiện hành, nhanh chóng thu hồi vốn về.
Các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra khuyến cáo, khi các DN đã tham gia vào thị trường thì buộc phải tuân thủ theo nguyên tắc của thị trường là được ăn, lỗ chịu. Việc này cần có cơ chế hợp lý để DN chủ động thoái vốn, tránh tình trạng lúng túng, dẫn đến kéo dài thời gian để đồng vốn nằm im và kết quả lỗ lại chồng lỗ. Các DN coi như “phải cắt cơn nghiện”, chấp nhận chịu đau một lần để mở ra một con đường mới. Nhà nước cần phải có chính sách cụ thể để việc thoái vốn này được thực hiện một cách đa dạng, minh bạch, thực hiện theo đúng quan điểm của thị trường.
Theo phản ánh của một số DN trong ngành như LILAMA, COMA… sản phẩm của họ có mặt ở nhiều thị trường và dự án lớn trong và ngoài nước, nhưng do vốn chủ sở hữu thấp nên họ rất khó khi đấu thầu các dự án lớn trong nước, DN rất thiệt thòi do chỉ là nhà thầu phụ?
- Thực tế vừa qua có những dự án nhiệt điện, xi măng các nhà thầu nước ngoài bỏ thầu với giá thấp và họ đã trúng thầu nhưng sau đó bán quyền, giữ dịch vụ sau bán hàng. Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO, một trong các quy định của WTO là không phân biệt ưu đãi giữa DN Việt Nam với DN nước ngoài hay DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chính quy định này lại là rào cản cho các DN Việt Nam có vốn chủ sở hữu nhỏ như LILAMA không thể cạnh tranh với các DN nước ngoài hoặc có vốn đầu tư nước ngoài trong quá trình đấu thầu các dự án ngay tại Việt Nam. Thực tế, vẫn có hàng rào kỹ thuật mà trong khuôn khổ WTO cho phép, đó chính là cách vận dụng các quy định của WTO để vừa không vi phạm, nhưng đồng thời tạo điều kiện hợp pháp cho các DN Việt Nam vượt lên đó là cần chia nhỏ gói thầu để đấu thầu. Tuy nhiên muốn làm được phải có cơ chế từ phía các cơ quan chức năng.
Vậy trong Đề án tái cơ cấu DN, Bộ Xây dựng có đề cập để đưa giải pháp nâng cao năng lực cho các DN về vốn hay không?
- Trong quá trình tái cấu trúc DN ngành Xây dựng từ nay đến năm 2015, xét trên nhu cầu kinh doanh thực tế, Bộ cũng đưa ra nhiều giải pháp trong đó có giải pháp là đẩy nhanh tiến độ CPH để có cơ hội cho DN có thể tăng nhanh và nhiều vốn chủ sở hữu thông qua huy động nguồn vốn ngoài xã hội; hoặc tổ chức lại nhiều DN hoạt động trong cùng ngành nghề để hình thành DN có quy mô lớn về vốn.
Khánh Ngọc (thực hiện)
Theo baoxaydung.com.vn