Mới đó mà đã 15 năm từ ngày Xi măng Hoàng Mai (XMHM) đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nhà máy giữa một vùng đồi núi lơ xơ gốc rạ. Hoang vu, heo hắt là tất cả những gì người ta cảm nhận về Hoàng Mai ngày ấy, giờ đây Hoàng Mai đã hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một thị trấn sầm uất, là nơi giao thương nhộn nhịp giữa các vùng kinh tế. Sẽ không ngoa khi nói rằng ở đâu có nhà máy xi măng của TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) thì diện mạo kinh tế - xã hội của vùng đó sẽ từng bước được thay đổi. Điều này được minh chứng với Hoàng Thạch ở Hải Dương, Bỉm Sơn ở Thanh Hóa, Hà Tiên ở Kiên Giang, Hoàng Mai ở Nghệ An, Bút Sơn ở Hà Nam, Tam Điệp ở Ninh Bình. Ngày đó, người Nghệ An được xem là quá mạo hiểm khi đầu tư một nhà máy xi măng công suất 1,4 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD bằng 100% vốn vay, trong đó vốn vay ngoại tệ chiếm đến 80%. Nhiều người còn hài hước nói rằng vốn đối ứng của XMHM lúc đó là một dãy núi đá với lòng quyết tâm không gì lay chuyển.
Một góc Nhà máy.
Ra đời vào thời kỳ hậu cơn sốt xi măng năm 1995 nên sau khi xây dựng xong nhà máy, việc vận hành và điều hành SXKD hết sức khó khăn, làm thế nào để trả được khoản nợ khổng lồ với việc trượt giá ngoại tệ hàng ngày (vốn vay ngoại tệ của XMHM chủ yếu là EURO) là bài toán khó tìm ra lời giải. Năm 2001, XMHM được chuyển giao từ UBND tỉnh Nghệ An về TCty Xi măng Việt Nam (nay là TCty Công nghiệp Xi măng Việt Nam) được xem là cuộc vật lộn đầy trăn trở của VICEM lúc đó. Suốt thời gian dài sau đó, XMHM đã phải “thắt lưng buộc bụng” tìm mọi giải pháp cho bài toán SXKD hiệu quả, Cty đã có sự nỗ lực cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhưng do chi phí tài chính hàng năm rất cao đặc biệt là chênh lệch tỷ giá ngoại tệ nên số lỗ luỹ kế từ năm 2002 đến năm 2007 là gần 1.000 tỷ đồng và Cty thường xuyên thiếu nguồn trả nợ vay. Sự thật là dù có “xoay sở” thế nào XMHM vẫn treo trên đầu một khoản nợ khổng lồ.
Cùng với việc chiếm lĩnh thị trường, tổ chức sản xuất và kinh doanh hiệu quả, từ năm 2002, Cty đã triển khai công tác cơ cấu lại nguồn vốn. Theo đó năm 2003, Cty ký hợp đồng nguyên tắc với một số ngân hàng để vay tiền Việt Nam trả trước một phần cho khoản vay nước ngoài đồng thời thống nhất về mặt nguyên tắc với một số ngân hàng liên doanh như ABN-AMRO, HSBC về dịch vụ hoán đổi các khoản vay… Với chủ trương được duyệt từ Chính phủ và bộ ngành liên quan, cùng với sự giúp đỡ của VICEM, từ năm 2006 Cty đã hoàn thành một số nhiệm vụ chính trong công tác cấu trúc lại tài chính như: thực hiện chuyển vốn vay của Bộ Tài chính từ đồng EUR sang VND với lãi suất ưu đãi cố định bằng 7,8%/năm. Và theo tính toán, công tác chuyển đổi đồng tiền vay nêu trên đã tiết kiệm được cho XMHM khoản chi phí tài chính do chênh lệch tỷ giá là 90 tỷ đồng. Cùng lúc, XMHM đã hoàn thành phương án CPH trình Ban Chỉ đạo CPH VICEM phê duyệt.. Với việc CPH, XMHM đã xử lý hết khoản lỗ luỹ kế gần 1.000 tỷ đồng, đồng thời được nhà nước cấp đủ 720 tỷ đồng vốn điều lệ thông qua TCty.
xi măng Hoàng Mai lên HNX mã chứng khoán HOM.
Mặc dù vậy, khó khăn của XMHM vẫn còn đó, thực hiện việc bán cổ phần lần đầu trong tháng 11/2007 tại thời điểm thị trường chứng khoán tụt dốc, thế nhưng XMHM đã bán đấu giá thành công… cổ phần với mức giá. Điều này đã gây bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư bởi lẽ chứng khoán của xi măng nói chung tính thanh khoản thấp và không mấy hấp dẫn. Thông qua cổ phần hóa, vốn điều lệ của XMHM được cấp bổ sung và thặng dư vốn của đợt bán cổ phần lần đầu được XMHM từng bước đàm phán để trả trước nợ gốc cho các ngân hàng, đặc biệt là khoản vay bằng đồng EUR của ngân hàng Societe Generale - CH Pháp. Tổng số tiền Cty đã trả nợ gốc vay trước hạn là 28 triệu EUR và 7,5 triệu USD. Việc trả nợ trước hạn cho các ngân hàng so với tỷ giá thời điểm đến hạn trả làm giảm khoản chi phí tài chính là 100 tỷ đồng và điều quan trọng hơn là tạo tính chủ động về nguồn vốn trả nợ cho XMHM trong những năm tiếp theo.
Hiệu quả của việc cơ cấu tài chính là năm 2008 XMHM có lãi 63 tỷ VND, năm 2009 là 152 tỷ VND. Số dư nợ vay dài hạn của Cty từ trên 3.000 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2007 thì đến thời điểm 31/12/2009 chỉ còn chưa đến 900 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản vay ưu đãi có lãi suất thấp (các khoản vay bằng EUR đã được Cty trả nợ hết). Như vậy, từ một đơn vị mất dần khả năng thanh toán XMHM trở thành đơn vị có các chỉ số tài chính (như lợi nhuận/ vốn chủ sở hữu, nợ phải trả / tổng tài sản…) được các tổ chức đầu tư tài chính đánh giá là thuộc nhóm tốt nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.
15 năm đã trôi qua sau những thăng trầm và gặt hái được thành công, khó có thể nói hết được gian nan mà họ đã đi qua cũng như những gì mà họ đã làm, chỉ có điều duy nhất còn đó là người người XMHM đã cùng nhau “chia lửa” trong những ngày đầu gian khó và cả quãng thời gian sau này. Trong khó khăn họ vẫn không quên chia sẻ cho cộng đồng xã hội cuộc sống của chính họ. Nhiều năm không có quỹ phúc lợi, mỗi CBCNV Cty đã trích 6 ngày lương đóng góp cho hoạt động xã hội, công tác từ thiện nhân đạo. Đến nay, XMHM vẫn là đơn vị đứng đầu của tỉnh Nghệ An về nộp ngân sách nhà nước.
15 năm qua XMHM đã tạo dựng cho mình một vị thế nhất định trên thị trường xi măng Việt Nam, tuy nhiên với tình hình dư nguồn cung (khoảng 40% toàn xã hội - theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2010) thì XMHM sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa, đặc biệt là vấn đề thị trường khu vực miền Trung.
Trung Kiên
Theo baoxaydung.com.vn