- Chóng mặt với việc nộp - rút - nộp hồ sơ vào các trường đại học
- Đại học Xây dựng Hà Nội: Làm việc hết công suất, hỗ trợ thí sinh đến tận phút cuối
- Tuyển sinh vào Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội:“Nóng” đến tận phút cuối cùng
(Xây dựng) - Sau 17h ngày 20/8, đợt 1 đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng đã khép lại. Các thí sinh chỉ còn việcchờ kết quảtuyển sinh chính thức, dự kiến ngày 24/8 và sẵn sàng đăng ký xét tuyển đợt 2 đối với những thí sinh chưa may mắn trúng tuyển đợt 1, bắt đầu từ ngày 25/8.
Nhưng đối với các cơ sở đào tạo, thời điểm trước và sau 17h ngày 20/8 thực sự là lúc “nước sôi lửa bỏng”, đòi hỏi sự tập trung cao độ của các cán bộ làm công tác tuyển sinh. Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội (ĐHKTHN) cũng không ngoại lệ.
“Tác chiến”
Gần 12h ngày 20/8, chúng tôi mới thấy Hiệu trưởng Trường ĐHKTHN - PGS.TS Lê Quân cùng Phó Hiệu trưởng - TS. Ngô Thị Kim Dung, Trưởng Phòng Đào tạo - PGS.TS Phạm Trọng Thuật kết thúc cuộc họp mà như các thầy cô nói là họp “tác chiến tuyển sinh”.
Thí sinh cân nhắc thận trọng trước khi chính thức đăng ký các nguyện vọng.
Điều mà các nhà “tác chiến” lo lắng là theo quy định của Bộ GD&ĐT, đến 17h ngày 20/8, các trường ĐH mới dừng nhận đăng ký xét tuyển của TS. Nhưng cùng thời điểm (từ 17h ngày 20/8), Bộ GD&ĐT cũng ngừng cung cấp dữ liệu TS cho các trường. Điều này có nghĩa là nếu TS nộp đăng ký xét tuyển đúng 17h hoặc 17h kém 15 thì nhà trường vẫn phải nhận đăng ký nhưng có thể không kịp nhập liệu cho các TS này.
Trưởng Phòng Đào tạo Phạm Trọng Thuật cho biết: Đối với các TS thi khối A, việc nhập liệu được thực hiện trên hệ thống phần mềm của Bộ GD&ĐT, có thể đáp ứng được yêu cầu nói trên. Nhưng đối với TS thi khối V (toán, lý, vẽ) và khối H (văn, vẽ, vẽ), thì ngoài nhập liệu bằng phần mềm các môn toán, lý, văn, nhà trường phải nhập thủ công điểm thi môn vẽ nên mất nhiều thời gian hơn, khó bảo đảm tiến độ mà Bộ GD&ĐT yêu cầu.
Hiệu trưởng Lê Quân phân tích: Nếu không nhập liệu kịp thời trước giờ Bộ GD&ĐT tạm dừng cung cấp dữ liệu TS từ 17h ngày 20/8 đến 18h ngày 22/8 thì rất thiệt thòi cho TS.
Mặc dù 3 ngành khối V của trường ĐHKTHN, gồm Kiến trúc, Quy hoạch vùng và đô thị, Kiến trúc cảnh quan đến trưa ngày 20/8 cơ bản đạt đủ và vượt chỉ tiêu tuyển sinh với điểm trúng tuyển dự kiến nhưng buổi chiều chắc chắn vẫn còn có thêm TS nộp đăng ký xét tuyển và cũng không loại trừ khả năng TS vẫn cân nhắc rút đăng ký xét tuyển. Bởi các trường Đại học Mở Hà Nội, Đại học Phương Đông cũng dùng kết quả thi môn năng khiếu (vẽ) của trường ĐHKTHN xét tuyển…
Đặc biệt, với khối A, các TS điểm hoặc rất thấp, hoặc rất cao cũng vẫn còn đang cân nhắc các cơ hội nên có thể đến sát giờ TS mới nộp đăng ký.
Cũng theo các thầy, Bộ GD&ĐT quy định thời gian xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học là 20 ngày nhưng khoảng 14 ngày đầu, lượng TS nộp đăng ký xét tuyển chỉ bằng 20% tổng số lượng TS đăng ký trong toàn đợt 1. Với tâm lý nghe ngóng, chờ đợi, sát những ngày cuối, TS và người nhà mới quyết định nộp, rút, nộp đăng ký xét tuyển vào trường, các ngành. Chính vì vậy, những ngày qua, lượng đăng ký tăng vọt.
Để đáp ứng nhu cầu của TS, Hiệu trưởng trường ĐHKTHN Lê Quân cho biết: Các cán bộ của nhà trường, nhất là cán bộ Phòng Đào tạo đã rất cố gắng, làm ngày làm đêm, căng hết sức mình để tiếp nhận đăng ký và nhập liệu cho TS.
Đặc biệt, để giúp TS có thêm căn cứ đánh giá khả năng đỗ hay không đỗ khi đăng ký nguyện vọng (NV), nhà trường cố gắng cứ nửa ngày cập nhật điểm trúng tuyển dự kiến một lần. Cán bộ nhà trường nhiệt tình phục vụ TS đến cùng, vừa để bảo đảm quyền lợi của TS, vừa tạo ấn tượng tốt đẹp cho TS ngay từ thời điểm đầu tiên tiếp cận nhà trường.
Dự kiến sẽ có kết quả tuyển sinh trong ngày 24/8
Nhiệm vụ của Hội đồng tuyển sinh ĐHKTHN trong các ngày là tiếp tục rà soát hồ sơ của TS cho đúng đối tượng chính sách, đối tượng được cộng điểm ưu tiên khác. Theo quy định của Bộ GD&ĐT năm nay, sau khi đăng ký, TS có quyền điều chỉnh thông tin, do vậy không loại trừ khả năng TS cố tình nhập sai thông tin để được hưởng điểm ưu tiên. Rất may là Bộ GD&ĐT đã cung cấp danh mục các trường cấp 3 trong từng khu vực và xác định đồng thời trường đó thuộc đối tượng ưu tiên nào, giúp các trường đại học rà soát hồ sơ thuận lợi hơn.
Cán bộ Phòng Đào tạo Trường ĐHKTHN tiếp nhận đăng ký của TS.
Hiệu trưởng Lê Quân nhấn mạnh: Việc rà soát hồ sơ phải được thực hiện cẩn trọng, không cho phép có sai sót, nhầm lẫn. Vì chỉ hơn nhau 0,25 điểm thì cũng đã quyết định việc đỗ, trượt đại học của TS.
Toàn bộ quá trình trên mất nhiều thời gian, tuy nhiên theo kế hoạch, ngày 22/8, trường ĐHKT sẽ họp Hội đồng tuyển sinh và đưa ra được phương án xét tuyển, xác định điểm sàn, điểm chuẩn các ngành, căn cứ theo chỉ tiêu chuyển sinh và hồ sơ đăng ký xét tuyển. Dự kiến, ngày 24/8 nhà trường sẽ có kết quả tuyển sinh đợt 1, báo cáo Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng, trước khi công bố chính thức cho TS.
Cần hướng TS đến ngành học đam mê
Nhận định về ưu, nhược điểm của phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2015, các đại diện của Trường ĐHKTHN cho rằng mô hình này có ưu điểm là tạo cho TS tiếp cận và có nhiều lựa chọn NV cho phù hợp với trình độ của TS.
Tuy nhiên, phương thức này cũng bộc lộ một số bất cập. Việc xét tuyển diễn ra trong nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài những 20 ngày,khiến cho kế hoạch đào tạo trong năm của các trường ngắn lại. Thời khóa biểu bị đảo lộn, thời gian bắt đầu năm học trễ.
Hơn nữa, trên thực tế, phương thức tuyển sinh hiện nay đã phát sinh hiện tượng “dồn toa”, nộp - rút - nộp đăng ký xét tuyển ồ ạt vào những ngày cuối của mỗi đợt tuyển sinh. Việc đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, việc đỗ - trượt đại học năm 2015 mang nặng tâm lý đám đông.
Chính vì xác định mục tiêu đỗ đại học là cao nhất nên các TS và người nhà đã giảm việc hướng TS theo đuổi các ngành chuyên môn đam mê.
PGS.TS Lê Quân chia sẻ chân thành: Thực ra, trong một đời người, việc trượt đại học 1 năm không phải là vấn đề quá lớn. Không đỗ đại học năm nay thì TS có thể thi lại vào năm sau. Quan trọng là TS theo đuổi được ngành học đam mê, ngành mà sẽ theo họ suốt cuộc đời. Và nhà trường cũng sẽ xét tuyển được những TS có đam mê, có năng lực phù hợp với ngành học. Với các ngành đặc thù như ngành Kiến trúc, nếu có đam mê, sinh viên sẽ có động lực phấn đấu tốt trong suốt quá trình học tâp sau này.
Do vậy, Hiệu trưởng Lê Quân thực sự mong muốn phương thức tuyển sinh sẽ được cải tiến, hướng TS theo đuổi những ngành học đam mê hơn là hướng đến mục tiêu đỗ đại học cho bằng được.
Tâm - Anh
Theo