(Xây dựng) - Ngày 24/5, Trường Đại học Xây dựng và Cty TNHH Tư vấn Xây dựng Nhật Việt (VJEC) đồng tổ chức Hội thảo chuyên đề “Sụt trượt đất” tại Trường Đại học Xây dựng với sự phối hợp của Cty Địa Kỹ thuật Kawasaki Nhật Bản (KGE).
Toàn cảnh hội thảo.
Tham dự hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Trường Đại học Xây dựng, đại diện các Bộ, cơ quan, ban, ngành, các Cty xây dựng và các trường đại học, các chuyên gia đầu ngành đến từ Nhật Bản và Việt Nam.
Theo GS.TS Phan Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động mạnh mẽ của các tai biến thiên nhiên, trong đó có hiện tượng trượt đất gây ra. Hàng năm, thiên tai bão lũ, ngập lụt và sụt trượt đất luôn là vấn đề nan giải.
Các thành viên tham gia chụp ảnh lưu niệm
Những thiệt hại do trượt đất gây ra là không nhỏ, tác động không nhỏ đến đời sống và sự an toàn của người dân. Vì vậy, chủ đề hội thảo này rất gần gũi và thiết thực. Hy vọng, sau hội thảo, các chuyên gia của Việt Nam có cái nhìn tổng thể và sâu rộng hơn về sụt trượt đất, đồng thời có thể tham khảo được bài học kinh nghiệm của các chuyên gia Nhật Bản.
Các chuyên đề trình bày tại hội thảo bao gồm:
• Phương pháp tiếp cận mới nhằm giảm thiểu nguy cơ sụt trượt đất cho sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải;
• Một số dạng sụt trượt trên đường cao tốc đã và đang thi công tại Việt Nam và việc áp dụng kỹ thuật phòng chống sụt trượt đất của Nhật Bản;
• Công nghệ khoan khảo sát áp dụng cho nghiên cứu sụt trượt đất gần đây của Nhật Bản, trường hợp áp dụng tại Đèo Hải Vân;
• Phân tích hiện trạng biến dạng do giải phóng ứng suất của nền đá gốc bằng hệ thống quét ảnh hố khoan;
• Phân tích trường hợp sụt trượt đất ở đập hồ chứa Nhật Bản;
• Sử dụng thông tin không gian địa lý để phòng chống thiên tai sạt lở đất đá;
• Tình trạng và một số vấn đề về nghiên cứu cấu trúc đới trượt và mặt trượt của sụt trượt đất quy mô lớn ở Nhật Bản…
Tại hội thảo, các thành viên tham dự đã rất thích thú với nội dung phong phú mà các chuyên gia trình bày. Đặc biệt, những công nghệ tiên tiến ứng dụng trong công tác nghiên cứu, khảo sát, quan trắc, cảnh báo và thiết kế ứng phó với sụt trượt đất tại công trình đường, thủy điện và đập hồ chứa là vô cùng thiết thực. Các diễn giả Nhật Bản đã rất nhiệt tình giải đáp những câu hỏi thắc mắc từ phía Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Giang đánh giá đây là hội thảo thiết thực, bổ ích cho những người làm công tác chuyên môn, tạo ra cơ hội để các chuyên gia bàn bạc, trao đổi, kết nối mạng lưới giữa Việt Nam và Nhật Bản. Hy vọng trong tương lai, những hội thảo tương tự sẽ tiếp tục được thực hiện để các chuyên gia Việt Nam học hỏi nhiều hơn nữa từ phía Nhật Bản, góp phần mở rộng kiến thức chuyên sâu trong ngành Xây dựng và Giao thông.
Hạ Ly
Theo