(Xây dựng) - Một hố sâu 10m, đường kính hơn 10m vừa xuất hiện ở xã An Tiến (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), khiến một ngôi nhà bị sập, đường làng bị cắt đứt, cây cối sụt xuống hố gây hoang mang cho người dân sống trong khu vực.
Dù kết luận cụ thể về hiện tượng này đang chờ cơ quan chuyên môn, nhưng trước đó, đánh giá của các chuyên gia đô thị cũng đã chỉ ra rằng, hai đô thị cũ lớn nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM đang có hiện tượng lún mặt đất. Tại TP.HCM, tuy chưa có dữ liệu hệ thống, nhưng mức lún mặt đất trong những năm qua đã đạt khoảng 0,5m. Mặt đất của Hà Nội cũng bị lún tương tự, và mực nước ngầm của hai TP đã hạ sâu so với 10 năm trước đây khoảng 12m.
Các chuyên gia tài nguyên nước cho rằng, việc hạ mực nước ngầm đang tiềm ẩn mối nguy lớn về việc sẽ gây biến dạng, đổ vỡ các công trình xây dựng. Sự sụt lún đang làm mất đi sự chính xác của toàn bộ số liệu về độ cao tuyệt đối - số liệu đặc biệt quan trọng trong việc thiết kế thi công. Bên cạnh đó, sụt lún đang là nguyên nhân “tiếp tay” cho hiện tượng ngập lụt.
Không những thế, theo các chuyên gia, tầng đất đỡ đại bộ phận nhà từ 5 tầng trở xuống (thấp tầng) có móng nông, thuộc nền thiên nhiên nằm trên lớp vỏ đất sét yếu của TP.HCM và Hà Nội. Lớp đất này có chiều dày thay đổi từ 8 đến khoảng 15m từ mặt đất xuống, được nước ngầm đỡ lên với lực đẩy Ác-si-mét. Nay hút nước ngầm nhiều, làm chiều cao của lớp nước ngầm bị thấp xuống, mất đi lực đỡ, làm cho nền lún là quy luật tự nhiên. Nói một cách hình ảnh thì, loại nhà thấp tầng đang ở trên “một cái bè đang chìm”.
Bên cạnh đó, sự mất đi của hệ thống sông hồ tại các đô thị cũ cùng sự quá tải khi chồng lấn trên bề mặt những khối nhà cao tầng ở Hà Nội và TP.HCM đang khiến các khu vực phố cũ lâm vào tình trạng quá tải trầm trọng. Ngay tại các vùng lõi này, nhà cao tầng, bê tông hóa đang khiến các tầng đất có nguy cơ trống rỗng (do không được bù đắp lượng nước ngầm bị khai thác) và lún sụt nghiêm trọng.
Có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi mặt đất dần bị “bê tông hóa”, các khoảng không gian bị chiếm mất, khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn sẽ ngày một suy giảm. Nhìn chung, tiến trình đô thị hóa trong hơn hai thập kỷ qua đã đồng hành cùng với sự biến mất rộng lớn của các thực thể thu nước. Sự mất mát rộng khắp của các khu vực thu nước để dành đất cho xây dựng khiến cho các khu đô thị hiện hữu và các khu mới được quy hoạch tăng khả năng bị ngập lụt hơn do mưa lớn hơn, bão tràn vào và những con sông tràn nước. Đặc biệt mối hiểm họa càng gia tăng khi hạ tầng kỹ thuật không đầy đủ.
Đã đến lúc cần tính đến những tác động xấu của sự phát triển thái quá trong các đô thị. Đặc biệt, cần hướng khôi phục và bảo vệ các vùng cảnh quan tự nhiên (ao hồ, mặt đất…) để “trả lại” cho đất một phần nước ngầm mà chính con người đã lấy đi.
Chất tải lên các đô thị, khai thác cùng kiệt tài nguyên trong lòng đất… những điều đó đã và đang để lại những hệ quả xấu cho chính các đô thị - Đó là tình trạng ngập lụt, ô nhiễm, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Ngọc Lý
Theo