Được ví như một hòn ngọc xanh giữa lòng công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), trải bao tháng năm lịch sử, dinh thự nhà Vương vẫn kiêu hãnh khoe vẻ đẹp mỹ lệ giữa núi rừng Tây Bắc. Trong đó, có lẽ kiến trúc độc đáo chính là điều tạo nên sức hấp dẫn đến mê hoặc của tòa dinh thự đầy bí ẩn này.
Độc đáo ngôi nhà hình chữ "Vương"
Cô gái ấy là Vương Thị Chở, chắt nội của người em ông Vương Chí Sình và cũng là hướng dẫn viên trong chính tòa nhà nơi ông cha mình từng sinh sống. Theo lời kể của cô Chở thì cách đây một thế kỉ trước, dòng họ Vương đã thống lĩnh được toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn này và tự xưng vương, người Mông vẫn thường gọi là "vua Mèo". Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, "vua Mèo" Vương Chính Đức (thân sinh của Vương Chí Sình) đã cho xây dựng tòa nhà với hình chữ "Vương" bề thế.
Một góc cổ kính của dinh thự nhà Vương trên Cao nguyên đá Đồng Văn
Để xây dựng được một khu dinh thự xứng tầm đế vương, Vương Chính Đức đã mất nhiều tháng trời đi khắp đó đây tìm thầy, tìm thợ về xây nhà. Cuối cùng, một thầy địa lý nổi tiếng tài giỏi đất Trung Hoa đã nhận lời, vượt núi cao, vực sâu sang Hà Giang chọn đất cho nhà Vương. Sau khi đi hết núi non vùng cao nguyên rộng lớn, nghiên cứu ngày đêm, ông thầy địa lý dừng lại thung lũng Sà Phìn. Thầy địa lý khẳng định chắc như đinh đóng cột, đó chính là mảnh đất hình mai rùa, một nơi vượng khí, phong thủy tuyệt đẹp có thể giúp cả dòng tộc được hưng thịnh đời đời. Bởi theo thuyết Tứ quý của Trung Hoa thì rùa là một trong bốn con vật quý và trường tồn. Thế đất hình mai rùa tượng trưng cho sự đi lên của những người sống trên đó. Con cháu ngày càng đông vui, thành đạt và dòng họ trường tồn.
Ngay lập tức, những nghệ nhân tạc đá, xây thành có con mắt nghệ thuật và bàn tay khéo léo đến từ Vân Nam (Trung Hoa) cùng những tốp thợ người Mông giỏi nhất nườm nượp đổ về thung lũng Sà Phìn để xây nhà cho Vương Chính Đức. Dinh thự họ Vương được khởi công năm 1019 và hoàn thành 10 năm sau đó với tổng kinh phí lên đến 150.000 đồng bạc trắng, một số tiền không nhỏ thời bấy giờ. Trên mỏm đồi hình mai rùa quý hiếm cùng những dãy sa mộc vươn cao mạnh mẽ đã mọc lên một ngôi nhà hình chữ "Vương" sừng sững như in dấu giữa trời xanh.
Dinh được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Vòng thành ngoài là một bức tường dày khoảng 40cm, cao khoảng 2m. Vòng thành trong dày và kiên cố hơn. Đặc biệt, cả hai vòng thành đều có lỗ châu mai và những bốt canh để lính canh gác ngày đêm. Giữa hai vòng thành là một dải đất rộng khoảng 50m, trồng tre trúc. Nét đặc trưng của kiến trúc Mông thể hiện ở bờ tường đá. Các phiến đá nhỏ được kè chặt khít với nhau không cần chất kết dính, dày khoảng 50cm và xếp thành vòng tròn quanh khu nhà, tạo thành khuôn viên riêng biệt cho dòng họ Vương. Bờ đá vừa là để bảo vệ thú dữ hay tên đạn, đồng thời tạo nên vẻ bề thế, bí hiểm với dân chúng.
Trải rộng trên diện tích 1200m2, dinh thự nhà Vương là một khối kiến trúc đồ sộ với những dãy nhà 2 tầng ngang, dọc nối tiếp nhau như những dãy núi trùng trùng điệp điệp trên cao nguyên đá. Tòa nhà bao gồm 4 dãy ngang, 6 dãy dọc với 64 gian phòng khác nhau. Dãy nhà chính quay mặt ra cổng thành, hai ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính. Cả ba dãy nhà từ cột, kèo, sàn, vách, mái đều được làm bằng gỗ quý. Khu nhà chính diện là nơi ở của "vua" họ Vương.
Nơi đây vẫn còn bức hoành phi với bốn chữ "Biên chính khả phong" (Chính quyền biên cương vững mạnh) được vua Nguyễn ban tặng. Hai dãy còn lại dành cho gia nhân phục vụ, lính bảo vệ. Ngoài ra, dinh họ Vương còn được thiết kế thêm nhiều nhà đón khách, nhà sinh hoạt chung, khu bể nước và chuồng gia súc, thể hiện những nét đặc trưng trong tập quán sinh hoạt của đồng bào Mông trên cao nguyên. Trong đó, có phòng sưởi cho mùa đông, bể bơi, bể tắm sữa dê được đục từ đá nguyên khối đã tạo lên phong cách khá mới mẻ và hiện đại trong kiến trúc thời bấy giờ.
Nhà ở kiêm pháo đài kiên cố
Dinh thự nhà Vương vốn là nhà ở kiêm pháo đài của dòng họ Vương Chính Đức. Dinh thự được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ tài hoa đến từ Vân Nam (Trung Quốc) cùng những tốp thợ giỏi nhất của người Mông. Vì vậy, công trình vừa in đậm dấu ấn kiến trúc Trung Hoa đời Thanh, vừa có những đường nét nổi bật trong tinh hoa kiến trúc của người Mông bản địa mang phong cách quyền quý thời phong kiến.
Đó là sự phối hợp hài hoà đến tinh xảo giữa các nguyên liệu được chế tác ngay tại địa phương như đá xanh, gỗ sa mộc và ngói đất nung lợp theo lối âm - dương với cái nhìn tinh tế của những người thợ tài giỏi nhất thời bấy giờ. Tường nhà được chình bằng đất sét. Móng nhà làm bằng đá, bên trong ghép ván, cột kèo bằng gỗ, sàn lát ván gỗ, mái lợp ngói máng, hiên nhà lợp ngói ống trang trí hoa văn chữ "thọ". Các bộ phận dù bằng đá hay gỗ đều được chạm khắc cầu kỳ, khéo léo thành hình con rồng, con phượng, con dơi, tượng trưng cho sự trường tồn, hưng thịnh của các dòng họ quyền quý.
Những cây cột cái được chạm trổ hình mai rùa, hay vẩy rồng từ dưới chân lên đỉnh. Ở chân các cột con cũng được khắc hoa văn sinh động. Mái nhà được làm theo dáng cong như cánh bay của rồng tạo nét mềm mại, duyên dáng cho cả tòa nhà. Điều đặc biệt nhất ở đây là hình nụ và hoa anh túc được sử dụng khá nhiều trong các chi tiết trang trí của tòa nhà, gợi nhớ về một thời kỳ đen tối khi bóng ma của "nàng tiên nâu" đã từng "làm mưa làm gió" ở nơi này.
Vì là một pháo đài nên ngoài những đường nét tinh tế trong lối kiến trúc nhà ở mang phong cách quyền quý thời xưa, dinh thự họ Vương còn có thêm những bức tường thành cao vút và những lô cốt bằng đá được xây dựng phía trên ba căn phòng chính của tòa nhà. Trước đây, trên những lô cốt vững chắc này đều có lính canh gác suốt ngày đêm, sẵn sàng ngăn chặn mọi sự đột nhập từ bên ngoài. Phía sau nhà có một bể chứa rất lớn, được xây toàn bộ bằng đá hứng nước mưa từ trên các dãy nhà xuống, lưu trữ nước dùng trong những ngày khô hạn triền miên ở vùng đá núi này.
Đây chính là nơi lưu giữ những bằng chứng rõ nhất phản ánh chế độ thổ ty phong kiến miền núi điển hình của dân tộc Mông ở Đồng Văn, Hà Giang những năm trước đây. Khi Vương Chính Đức mất, sự nghiệp nhà họ Vương được trao lại cho người con trai thứ hai của ông là Vương Chí Sình.
Sau này, Vương Chí Sình đi theo Cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, khóa II của nước ta. Ông từng giữ cương vị Chủ tịch Ủy ban Hành chính huyện Đồng Văn. Nhờ có nhiều công lao với Cách mạng, ông vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tên là Vương Chí Thành và được Người trao tặng tám chữ "Tận trung báo quốc, bất thụ nô lê" (Trung thành với đất nước, không chịu làm nô lệ) cùng một thanh kiếm.
Trải qua bao nắng mưa, sương gió, trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt trên độ cao 1600m, dinh thự nhà họ Vương vẫn giữ được hình dáng xưa cũ cùng những giá trị lịch sử một thời. Trên xứ sở sương mù kỳ ảo, nơi con người "sinh trong đá, chết vùi trong đá", di tích nhà Vương vẫn luôn là một bí ẩn đầy ma lực khiến người ta phải cất bước đi tìm.
Theo: Dương Thu - Dương Dung (nguoiduatin.vn)
Theo baoxaydung.com.vn