Thứ bảy 20/04/2024 02:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Suất đầu tư đường vành đai 4 Hà Nội cao gấp 1,2 lần vành đai 3 TP.HCM

17:05 | 27/05/2022

Cùng quy mô 4 làn cao tốc, suất đầu tư tuyến vành đai 4 Hà Nội cao gấp 1,2 lần tuyến vành đai 3 TP.HCM. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều yếu tố làm tăng mức đầu tư của dự án.

Dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội chiều dài 112,8 km, tổng mức đầu tư khoảng 85.813 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021-2028.

Báo cáo Quốc hội ý kiến về chủ trương đầu tư dự án này, Kiểm toán Nhà nước đề nghị làm rõ việc cùng quy mô đầu tư, nhưng tuyến vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội lại có suất đầu tư cao gấp 1,2 lần đường vành đai 3 TP.HCM. Cơ quan này kiến nghị xem xét lại việc tính toán phương án tài chính của 2 dự án.

Nhiều yếu tố làm tăng tổng mức đầu tư

Theo tính toán của Chính phủ, dự án vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội suất đầu tư trung bình 513 tỷ đồng/km, còn dự án vành đai 3 TP.HCM trung bình 442 tỷ đồng/km). Trong khi đó, cả 2 dự án cùng có quy mô 4 làn cao tốc, và lưu lượng phương tiện của dự án vành đai 4 dự kiến chỉ bằng 0,8 lưu lượng vành đai 3.

Góp ý kiến về chủ trương đầu tư vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước cho rằng Chính phủ chưa làm rõ sự cần thiết phải đầu tư phần đường song hành hai bên đường vành đai và chưa đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống đường song hành trong phương án thu phí đường cao tốc.

suat dau tu duong vanh dai 4 ha noi cao gap 12 lan vanh dai 3 tphcm
Dự án đường vành đai 3 của Hà Nội thường ùn tắc vào những dịp cao điểm. Ảnh: H.Q.

Vì thế, cơ quan này đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP Hà Nội làm rõ vấn đề này do việc kết nối liên vùng đã được đảm bảo nhờ việc tuyến cao tốc chủ yếu đi trên cao, không ảnh hưởng nhiều tới mạng lưới giao thông hiện trạng.

Việc đầu tư hai tuyến song hành, theo Kiểm toán Nhà nước, sẽ ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án.

Đối với tổng mức đầu tư dự án, Kiểm toán Nhà nước cho rằng dự án thành phần 3 tổng chiều dài tuyến bao gồm cả đường, cầu cạn, nút giao, cầu, hầm, trạm thu phí lớn hơn tổng chiều dài tuyến đường (dài hơn khoảng 12,59 km cầu cạn), tương đương với giá trị 4.487 tỷ đồng.

Ngoài ra, việc tính khối lượng cầu cạn sang cầu vượt dòng chảy làm tăng giá trị khoảng hơn 549 tỷ đồng; việc xác định khối lượng cầu vượt đúc hẫng nhịp cũng làm tăng giá trị hơn 494 tỷ đồng.

Phân tích về chi phí giải phóng mặt bằng, Chính phủ xác định tổng giá trị cho công việc này là hơn 19.500 tỷ. Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc toàn bộ số hộ bị mất đất ở nằm trong diện tái định cư làm tăng chi phí hỗ trợ thuê nhà, chi phí giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư.

Có thể tiết kiệm 400 tỷ

Cho ý kiến về phương án thiết kế sơ bộ, Kiểm toán Nhà nước đề nghị tính toán,?so sánh với giải pháp sử dụng giải phân cách cứng giống như dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vì khi sử dụng giải pháp này sẽ tiết kiệm được diện tích sử dụng đất khoảng 11 ha đất nông nghiệp (do mặt cắt ngang sẽ giảm được 3m trên đoạn tuyến đi thấp dài 37 km).

Việc này giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm khối lượng đào đắp nền đường, rút ngắn thời gian thi công, giảm chi phí trong quá trình duy tu bảo dưỡng dẫn đến giảm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả hơn cho dự án.

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, mặt cắt ngang của các đoạn đi thấp trong giai đoạn phân kỳ đang thiết kế dốc 2 mái mà chưa nghiên cứu, tính toán phương án thiết kế dốc 1 mái để giảm chi phí bê tông nhựa bù vênh. Kiểm toán Nhà nước cho rằng nếu sử dụng phương án thiết kế dốc một mái sẽ tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng.

Từ những phân tích đã nêu, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hà Nội rà soát lại phương án thiết kế sơ bộ để lựa chọn phương án tối ưu, tiết kiệm chi phí đầu tư, đảm bảo khả năng cân đối nguồn vốn thực hiện dự án.

Để đúng tiến độ, Chính phủ cần đưa ra mốc thời hạn hoàn thành từng nội dung của dự án và các bên tham gia thực hiện dự án phải cam kết thực hiện đúng thời hạn, theo đề nghị của Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu giãn tiến độ một năm với dự án đường vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Theo đó, dự án cơ bản hoàn thành vào 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027.

Việc này nhằm bảo đảm tính khả thi và cân đối, bố trí phần vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách khác; tránh trường hợp tập trung bố trí vốn quá nhiều vào một dự án nhưng không bảo đảm tiến độ triển khai, trong khi những dự án khác có thể giải ngân ngay nhưng lại không có nguồn vốn để thực hiện.

Đường vành đai 4 Hà Nội có điểm đầu tại km3 + 695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội và điểm cuối tại Km40 + 500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Ngoài ra, có 9,7 km đường nối từ cao tốc Nội Bài - Hạ Long đến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang.

Theo Hoài Thu/Zing.vn

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load