Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, Thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò đầu não, đặc biệt quan trọng của Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị; là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn của đất nước; là địa phương có thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn lớn thứ hai cả nước (Giai đoạn 2011-2016 thu NSNN đạt trên 940 nghìn tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố luôn ở mức cao, hằng năm đều tăng gấp 1,5 lần so với trung bình cả nước; khẳng định vị thế đầu tàu, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung.
Để Thủ đô Hà Nội phát triển, trong thời gian qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều Nghị quyết, cơ chế đặc thù cho Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, trước bối cảnh thách thức của yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, của quá trình hội nhập cạnh tranh quốc tế, các lợi thế dần bị thu hẹp, các thách thức về giao thông; ô nhiễm môi trường; sự không bền vững về chất lượng nguồn nhân lực,..., đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội; vì vậy, việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với Thủ đô Hà Nội là cần thiết để Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là trung tâm đầu não, đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.
Tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm
Dự thảo Nghị định đề xuất: Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Thu ngân sách địa phương được xác định trên cơ sở dự toán thu ngân sách thành phố được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.”
Đối với đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết: Luật Ngân sách nhà nước quy định mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội không quá 60% thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp. Sau khi xin ý kiến Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 quy định một số cơ chế, chính sách tài chính đối với thành phố Hà Nội, theo đó quy định mức dư nợ vay của thành phố Hà Nội không quá 70% thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
Với quy định này, theo dự toán ngân sách năm 2018 đang trình Quốc hội mức dư nợ vay tối đa của Thành phố năm 2018 là 65.660 tỷ đồng (ước dư nợ vay của Thành phố đến ngày 31/12/2017 khoảng 14.815 tỷ đồng, bằng khoảng 23% mức dư nợ vay cho phép). Nếu nâng mức dư nợ vay lên 90%, tính theo dự toán năm 2018, dư nợ vay tối đa của Thành phố khoảng 84.420 tỷ đồng, tăng 18.760 tỷ đồng so với quy định hiện hành.
Việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho thành phố Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến trong thời gian tới, thành phố Hà Nội vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước đã ký Hiệp định để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm khoảng 22.919 tỷ đồng (trên 01 tỷ USD). Tuy nhiên, việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép, vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của thành phố Hà Nội hằng năm theo quy định của Luật NSNN do Quốc hội quyết định.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Theo Khánh Linh/Baochinhphu.vn