Cái chết đầu tiên sau 10 tiếng chính thức thông xe cầu trên cao trong quá khứ là lời báo trước cho những kẻ vô văn hóa giao thông.
Hai năm về trước, khoảng 23h ngày 21/10/2012, chỉ sau 10 tiếng chính thức thông xe trên toàn tuyến cầu cạn vành đai 3 đoạn Khuất Duy Tiến - Mai Dịch (Hà Nội), một người đàn ông khoảng 30 tuổi đi xe máy lên cầu đã va chạm với một xe ô tô 7 chỗ.
Do tuyến đường dành cho ô tô được phép lưu thông với tốc độ 80km/h nên vụ tai nạn đã khiến người đàn ông bị hất văng lên cao rồi rơi xuống đất tử vong ngay tại chỗ. Chiếc xe máy của người đàn ông gần như vỡ vụn.
Chiếc xe máy nát bét sau vụ tai nạn đầu tiên trên đường trên cao cách đây 2 năm.
Kể từ cái ngày vui lớn của thành phố đến nay trên tuyến đường này cũng đã xảy ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn nghiêm trọng, mà lỗi do chính sự coi thường pháp luật, bất chấp mạng sống chỉ để giữ lấy cái lề thói “bần nông” từ hàng trăm năm nay không đổi.
Sau gần 2 tuần thực tế trên đường trên cao, PV VTC News đã ghi nhận hàng trăm trường hợp xe máy ‘vượt cạn’ lên cầu chỉ để thỏa cái mong muốn ‘đánh võng’ và đua tốc độ với xe ô tô…Thậm chí, nhiều người đi xe máy trên đường trên cao còn không đội mũ bảo hiểm, đầu trần cứ vi vút ngả nghiêng giữa dòng xe ô tô đông đúc.
Người đàn ông vô tư đi trên đường trên cao khi có biển báo tốc độ ô tô đi 80km/h.
Có thể dễ dàng nhận thấy, những chiếc xe vi phạm này đều bắt đầu di chuyển từ các nút giao Tam Trinh – Cầu Thanh Trì; Pháp Vân – Quốc lộ 1; Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến; BigC – Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia…để lên cầu, dù ngay dưới đường dẫn đều có biển báo cấm và biển cảnh báo tốc độ.
Nhưng lạ thay, không lấy làm xấu hổ khi phạm luật, một người đàn ông ngoài 40 tuổi đã vô tư trả lời: “Chết sao được. Đi sát thành cầu thì làm sao mà xe đâm được. Người ta vẫn đi đầy đấy thôi...”.
Giữa dàn xe đông đúc, một chiếc xe máy vẫn ngang nhiên lạng lách.
Và quả đúng như vậy, chỉ ngồi trong ô tô một quãng đường dài khoảng 6km từ nút giao Tam Trinh về đến Nguyễn Xiển, tôi có thể bắt gặp được những hình ảnh “độc nhất vô nhị” chỉ có ở Việt Nam. Những đoàn xe máy nối nhau đi lên cầu, bất chấp tiếng còi inh ỏi từ hàng dài ô tô phía sau.
Những đám xe ôm ngồi khoanh chân trên yên xe, túm năm tụm ba cười nói rôm rả đợi khách ngay lối lên xuống trên cầu.
Ở các nút giao, nhiều lái xe ôm thản nhiên ngồi vắt chân giữa đường đón khách.
Và giật mình hơn, khi giữa đoàn xe đang lao vun vút thì từ phía xa bỗng lầm lũi hai bóng người đang chạy ngược chiều sát thành đường trên cao. Cho đến khi xe tới gần thì mới biết, họ đang… chạy bộ.
Người yếu tim chắc cũng sẽ không dám nhìn cảnh một người đàn ông vắt vẻo trèo qua hàng rào sắt phân cách làn đường trên cao để sang đường, dù ngay phía trước hay phía sau họ dài đến hàng km đều không có một lối lên xuống nào gần đó. Vậy họ lang thang ở đường trên cao này làm cái gì?
Thậm chí, người dân còn tập chạy bộ ở cao tốc trên cao.
Không ai trả lời được, nhưng tất cả họ đều có thể thấy cái bát nháo, nhộm nhoạm nhất ở đường trên cao chính là những “bến đỗ trả khách phi pháp” mọc lên như nấm. Tại các lối lên xuống, xe khách đường dài tạt ngang, tạt dọc đón trả khách. Người đi bộ trên cầu lên xuống nhộn nhịp như một bến xe khách…
Và tài xế nào điều khiển ô tô đi qua những khu vực này mới cảm nhận được một kiểu văn hóa giao thông “điên loạn” đến vậy.
Khi thoát khỏi đường trên cao, chỉ cần lái xe lơ đễnh không nhìn về phía trước, thì những chiếc xe máy bất ngờ lao lên dốc ngược chiều sẽ mang họa đến cho bạn bất cứ lúc nào…
Xe máy nối đua nhau thành hàng ở đường trên cao.
Tạt ngang quán trà đá dưới đường lên cầu trên cao, chúng tôi đã nghe được những câu chuyện “thật như đùa”.
Chị Thu Trang, một người thường xuyên đi xe khách tuyến Nam Định – Hà Nội biết, cách đó vài ngày chị về quê lên Hà Nội đi đường trên cao đã bắt gặp hai xe mô tô phân khối lớn, tiếng máy nổ rất to, lạng lách phóng như bay qua các đoàn ô tô cũng đang đi rất nhanh. Hai chiếc ô tô vì phải né tránh mà suýt tông vào nhau, phanh gấp khiến một đoàn xe đi sau cũng loạng choạng đạp phanh liên tục.
Từ cụ già cho đến thiếu nữ vô tư xuống xe khách đi ngược chiều đường ô tô lên.
Ngồi ngay bên cạnh, anh Quang Phúc, nhà trong phố Hạ Đình đáp lời: “Ăn thua gì! Vừa hôm qua, có cô bé muộn xe về quê. Cô chị không kịp đưa ra bến xe, còn bất chấp chở em phóng gần 3km trên đó để đuổi theo xe. Nghe đâu, đến đoạn ra quốc lộ 1 thì cô gái đuổi kịp xe khách. Thật là phi thường.”
Ngay khi vừa đi bộ từ đường trên cao xuống đất, cô gái tên Yến chia sẻ: “Tôi biết xuống xe ở đây là vi phạm, nhưng nhà tôi ở gần đây, nếu xe về bến Mỹ Đình thì phải mất thêm gần 100 ngàn đồng tiền taxi nữa. Với lại, các xe khách cho dừng để trả khách được thì chắc người đi bộ cũng không bị CSGT phạt đâu!”
Ngay cả những người ăn vận lịch sự cũng coi thường luật giao thông, xuống xe ngay giữa đường trên cao.
Trước đây, sau khi nhận phản ánh thông tin này từ báo chí, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các đơn vị liên quan phải bảo đảm an toàn giao thông tuyến đường trên cao. Ông Thảo cũng đã từng yêu cầu các vi phạm phải bị xử lý ở mức cao nhất.
Nhưng hôm nay, nếu được nghe những câu chuyện này, chắc ông Nguyễn Thế Thảo cũng sẽ “chột dạ” vì lâu rồi ông đã không còn nhớ đến vấn nạn này để mà ‘vi hành’ kiểm tra, giám sát.
Theo VTC News
Theo