Thứ sáu 29/03/2024 13:47 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sử dụng nước hợp lý và hiệu quả

15:29 | 10/11/2020

(Xây dựng) - Hầu hết, các con sông lớn của Việt Nam có nguồn gốc từ các nước lân cận, do vậy, tài nguyên nước của Việt Nam dễ bị tổn thương do những hoạt động khai thác, sử dụng nước ở thượng nguồn.

su dung nuoc hop ly va hieu qua
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Quá trình đô thị nhanh chóng là nguyên nhân gây ra tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Nước thải công nghiệp và đô thị là nguồn gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất. Chỉ có 46% hộ gia đình ở đô thị có đầu nối vào đường ống thoát nước và chỉ 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào các nguồn nước (Bộ Xây dựng 2019). Trong 15 năm tới, nước thải đô thị dự kiến sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất của nước thải (khoảng 60%). Nước thải công nghiệp sẽ chiếm 25 - 28% và nước thải nông thôn là 12 - 15%.

Ở các thành phố đang phát triển, nhu cầu về nước sẽ tiếp tục tăng lên để phục vụ quá trình công nghiệp hóa và mở rộng ngành sản xuất nông nghiệp. Tài nguyên nước dồi dào nhưng có giới hạn và sự phân bố nguồn nước không đều theo không gian và thời gian sẽ càng trầm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu. 81% lượng nước mặt được sử dụng cho nông nghiệp, 11% cho nuôi trồng thủy hải sản, còn lại mới đến người dùng.

Ô nhiễm nước đang nổi lên là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế. Tác động của nguồn nước ô nhiễm lên sức khỏe con người, có thể làm giảm 3,5% GDP vào năm 2035. Tác động nhỏ hơn khoảng 0,8% tới năng suất lúa là do ảnh hưởng của chất lượng nước kém. Đó là chưa tính đến hậu quả kinh tế do các hình thức ô nhiễm nước khác, bao gồm cả tình trạng xâm nhập mặn của nguồn nước mặt và nước dưới đất.

Một vấn đề khác đáng lưu tâm, đó là tổn thất do nước gây ra. Thảm họa thiên tai ở mức cao - 13.000 người chết và tổng thiệt hại về tài sản lên tới 6 tỷ USD trong hai thập kỷ, tương đương với 1 - 1,5% GDP mỗi năm là một minh chứng. Những tổn thất này cho thấy, khả năng chống chịu của Việt Nam thấp. Trung bình, lũ quét cướp đi sinh mạng của 50 người mỗi năm. Một số đô thị và vùng sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL bị ngập trong lũ lụt khoảng 3 m hàng năm. Ngoài ra, tình trạng hồ đập có nguy cơ mất an toàn với số lượng ngày một gia tăng đã gây ra những thảm họa lũ lụt, cướp đi sinh mạng của người dân trong vùng và gây tổn thất kinh tế nặng nề.

Rủi ro lũ lụt gia tăng, đặc biệt ở ĐBSCL và khu vực miền Trung, miền Nam. Một đánh giá về rủi ro lũ lụt gần đây dự báo, lưu lượng đỉnh lũ lịch sử có chu kỳ lặp lại 500 năm sẽ xảy ra theo chu kỳ 20 năm hoặc ngắn hơn một nửa lãnh thổ Việt Nam trong giai đoạn 2026 - 2045. Nửa lãnh thổ Việt Nam từ Đà Nẵng trở vào phía Nam sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Mà đỉnh điểm là những đợt mưa lũ, ngập lụt vừa qua tại miền Trung. Nguy cơ xảy ra lũ có chu kỳ 100 năm ở TP.HCM được dự báo tăng từ 29% lên 46% trong giai đoạn 2026 - 2045.

Tài nguyên nước có nhiều nhưng không phải vô hạn. Với sự phát triển đô thị, công nghiệp hóa nhanh và mở rộng nền nông nghiệp, nhu cầu về nước sẽ gia tăng trong thời gian tới. Bởi vậy, một chính sách sử dụng nước hợp lý và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới.

Ngọc Lý

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load