Thứ sáu 29/03/2024 04:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Sự cặn kẽ của đạo lý và pháp lý!

15:20 | 18/02/2020

(Xây dựng) - Đến bây giờ, nhiều người vẫn tranh luận rằng, sự việc cưỡng chế Công viên nước Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) nên hay không nên, đúng hay không đúng!

su can ke cua dao ly va phap ly
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Thôi thì “trăm người mười ý”, nhưng cái đạo và cái lý nên song hành với nhau.

Về cái đạo, đầu tiên phải nhắc lại cái lỗi của người lớn đối với trẻ thơ Thủ đô trong nhiều thập niên, đó là thiếu những nơi tạo thêm niềm hạnh phúc cho các cháu. Đành rằng, đất đấy là đất công, đành rằng công viên nước ấy đã vi phạm pháp luật về quản lý xây dựng đô thị, nhưng khi phá đi, ai sẽ đền bù cho các cháu về sự mất mát này?

Lại nghe nói, chủ đầu tư đã nhiều lần khẳng định sẽ tự tháo dỡ để chuyển toàn bộ thiết bị trị giá 200 tỷ đồng kia về huyện Diễn Châu (Nghệ An), nhưng vì khối lượng thiết bị khổng lồ, lại vì quá cận Tết, không điều động được nhân công nên xin lùi thời hạn đến hết quý I/2020.

Như vậy, việc cưỡng chế vội vã trước Tết kia liệu có còn những giá trị nhân văn và nhân đạo vốn rất sẵn có trong mỗi người dân Việt Nam?

Đấy là chưa nói việc các em nhỏ ở huyện Diễn Châu kia đã bị cướp mất một cơ hội được hưởng thụ vui chơi trong một công viên nước hiện đại!

Còn về mặt pháp lý, không có gì phải bàn cãi, đây là công trình đã được thực hiện khi không có giấy phép xây dựng, theo luật là phải xử lý; đồng thời, trước thực trạng quy hoạch của Thủ đô “bị băm nát” thì những vụ việc như vậy phải xử lý nghiêm khắc.

Tuy nhiên, sự nghiêm khắc ấy không bao giờ đồng nghĩa là phải phá hủy mọi công trình sai phạm.

Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Như vậy, cần phải xác định đây là lỗi chứ không phải là tội. Về lỗi công trình xây dựng không phép, Điều 28 quy định: “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép”.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, trong thực tiễn, một công trình thường có phần xây và phần lắp. Phần xây thì không thể tháo dỡ mà phải là phá dỡ; còn phần lắp đặt thì hoàn toàn có thể tháo dỡ.

Tại công viên nước Thanh Hà, tiếc thay, đại bộ phận giá trị tài sản lại ở phần lắp đặt. Và hiện nay, không những nó không “được” tháo dỡ, cũng không phải là phá dỡ, mà là bị phá hủy.

Pháp luật thì rõ ràng như thế, vậy ai đã cho phép những máy ủi, máy xúc vô cảm kia hủy hoại tài sản của người khác?

Nguyễn Hoàng Linh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load