Các cơn sốt đất đang khiến khoảng cách giữa thu nhập của người lao động và việc sở hữu một ngôi nhà ngày càng xa.
Không chỉ ở các đô thị lớn mà tại các vùng quê, một bộ phận lao động trẻ cũng đang đau đáu với giấc mơ an cư.
Anh Dũng, chị Hoài là công nhân của một nhà máy ở Sơn Tây (Hà Nội). 2 vợ chồng lên kế hoạch mua một mảnh đất rộng hơn 130m2, giá khoảng 700 triệu đồng ở Ba Vì để tiện xây nhà và chăn nuôi quy mô nhỏ. Tuy nhiên kế hoạch này bị trì hoãn, mà theo lời anh Dũng, là không biết hoãn đến bao giờ.
Sở dĩ việc mua miếng đất khó khăn như vậy do từ khoảng tháng 10/2020 đến nay, đất Ba Vì liên tục tăng giá. Nhà đầu tư, “cò đất” đổ về vùng quê này săn đất, khiến giá đất tăng phi mã. Hồi cuối tháng 11/2020, anh Dũng đã cọc 50 triệu cho một miếng đất ở xã Ngọc Nhị, Ba Vì nhưng sau đó chủ đất huỷ cọc vì có nhà đầu tư ở Bắc Ninh trả giá cao gấp gần 1,5 lần. Miếng đất 700 triệu đã tăng lên 1 tỷ đồng chỉ sau 1 tuần. Anh Dũng cho hay câu chuyện này không chỉ của riêng anh mà còn là câu chuyện chung của rất nhiều lao động khác tại địa phương này.
Một người khác là giáo viên của mầm non ở Ba Vì kể rằng, chị từng đặt mục tiêu mua một miếng đất an cư tại nơi này nhưng giờ là ước mơ xa vời vì giá đất đã nằm ngoài khả năng tài chính của 2 vợ chồng trẻ. Chị kể: “Những mảnh đất ở gần trường, tiện đi lại đều đã tăng giá quá mạnh, chưa kể cứ có ai định bán là các nhà đầu tư từ nơi khác về săn ngay khiến chúng tôi thậm chí không tìm ra đất để mua”.
Sốt đất khiến người dân quê khó mua nổi mảnh đất trên chính quê mình (Ảnh minh họa) |
“Thấy môi giới kéo nhau đi săn đất là tôi lại nóng ruột vô cùng. Thỉnh thoảng, tôi nói với chồng sao người thành phố giàu rồi còn về quê ôm đất làm gì để những người như chúng tôi không thể có nổi một căn nhà”, chị than thở.
Cơn sốt đất làm náo loạn những vùng quê yên bình. Không chỉ riêng Ba Vì, cơn sốt đất đi đến đâu, cuộc sống của người dân bị xáo trộn đến đó. Tại nghệ An, những cơn sốt đất cũng khiến không ít người lao động rơi vào thế khó khi không thể mua được miếng đất để xây nhà. Các buổi đấu giá đất vẫn chứng kiến những mảnh đất làng, đất xã tăng giá lên gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi mức khởi điểm.
Bà Trần Thanh Xuân, Trưởng phòng Tư pháp huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An - nơi chứng kiến cơn sốt đất kéo dài xuyên suốt năm 2021, nói: “Điều đáng lưu ý trong các cơn sốt đất gần đây là phần lớn những người trúng đấu giá đất đều từ nơi khác đến, rất ít trường hợp là người địa phương. Điều này dẫn đến thực trạng người địa phương có nhu cầu mua ở thực không thể sở hữu được đất tại quê hương mình”.
Báo cáo gần đây của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá rao bán đất năm 2021 đã tăng đáng kể. Điển hình tại miền Bắc, một số khu vực ở Hòa Bình ghi nhận mức tăng 100%. Ngoài ra, mức tăng trung bình ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên lần lượt đạt 61%, 57% và 22%.
Trong năm qua, cơn sốt đất diễn ra với nhiều nguyên nhân, có thể kể đến như thông tin quy hoạch, các xu hướng đầu tư an toàn hay xu hướng bỏ phố về quê trong mùa dịch… Và dù bằng lý do gì, các cơn sốt đất cũng đã khiến những người lao động phổ thông càng thêm chật vật, khó khăn.
Năm 2022, giới chuyên gia địa ốc dự báo các cơn sốt đất sẽ không tái diễn bởi các thông tin quy hoạch lớn đều đã công bố, các địa phương đã có kinh nghiệm trong việc kiểm soát, ngăn chặn các cơn sốt đất. Mặc dù thế, cơn sốt đất vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương như vùng ven Hà Nội, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Quảng Trị, TP.HCM…
“Các cơn sốt đất đang diễn ra chủ yếu là “sốt qua miệng cò”, tức do giới “cò đất” làm giá, sử dụng các chiêu trò để đẩy giá đất lên cao song giao dịch thực tế lại không đáng kể. Với tính chất đó, tôi cho rằng các cơn sốt sẽ sớm kết thúc”, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nhìn nhận.
Tuy vậy, ông Đính cũng cho rằng những cơn sốt đất dù thật hay ảo cũng đều dẫn đến nhiều hệ quả. “Một hệ quả đáng buồn là khi giá đất thiết lập một mặt bằng mới, trong nhiều trường hợp, mức giá đó vượt xa thu nhập của người dân và không ít người dù có nhu cầu ở thực cũng không thể mua nổi đất”, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nói.
Theo Thủy Tiên/Vietnamnet.vn