Thứ hai 20/01/2025 07:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Sống trong rác giữa thủ đô Hà Nội

17:41 | 19/08/2012

Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, mảnh đất rộng hàng nghìn mét vuông gần hồ Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) bỗng bị biến thành bãi rác và nơi sinh sống của gần 200 con người đang ngày đêm “bám vào rác” để sống.

Mưu sinh nhờ… rác

Sau nhiều năm bới rác nhặt phế liệu để bán, lúc trọ chỗ này, khi thuê nhà chỗ kia, chị Hương (Nam Định) được ông chủ vựa ve chai “mời” về khu phế liệu mới ở Hoàng Cầu để tiện cho việc đi lại. Chị Hương nhớ lại: Lúc đó là vào khoảng năm 2005, năm 2006, và tôi ở đây cho đến bây giờ. Chị cho biết, hơn một nửa ở đây là chị em phụ nữ, chủ yếu làm nghề ve chai. Công việc của họ thường bắt đầu từ 1h chiều và kết thúc vào khoảng 2h đêm, với những đồ nghề đơn giản gồm một chiếc xe đạp thồ, một cây gậy để khều rác và bao đựng phế liệu.

Trong gần chục năm mưu sinh ở Hà Nội, chị Hương đã đi khắp các ngóc ngách, ngõ hẻm ở Hà Nội để nhặt nhạnh những thứ mà người ta bỏ đi. Nhưng đối với những người như chị, thì những thứ đó đều có thể kiếm ra tiền. Với giá khoảng 2.000-3.000 đồng/kg nilon (tùy loại), 11.000 đồng/kg xốp… trung bình mỗi ngày các chị kiếm được chưa đầy 100 nghìn đồng.

Cùng ở chung phòng trọ với chị Hương là anh chồng làm nghề lái taxi và chị gái chị cũng làm nghề nhặt rác như chị. Căn phòng của chị chỉ vọn vẹn khoảng 5m2, đủ kê vài tấm gỗ làm giường, ít nồi niêu, bát đũa… Phòng trọ cũng được tận dụng làm từ phế liệu, ẩm thấp và chật chội. Bao bọc xung quanh xóm trọ chỉ toàn rác và rác. Ngày cũng như đêm, khu xóm trọ lúc nào cũng lờ mờ trong ánh sáng leo lét của chiếc bóng đèn phủ đầy bụi. Đối với những người khác mỗi khi phải đi qua bãi ve chai này đều cảm thấy khó chịu cái mùi nồng nặc ấy, nhưng đây lại là cuộc sống của hàng trăm con người như chị Hương. Cuộc sống của họ gần như chỉ gắn liền với rác thải. Ăn trong rác, ngủ trong rác, hít thở cũng toàn mùi rác.

  

Với nhiều người, đống ve chai cũ kỹ chỉ là những thứ bẩn thỉu, bỏ đi. Nhưng đối với những cư dân ở đây, thì đó lại là nguồn thu chủ yếu để họ có thể trang trải cho cuộc sống túng bấn và chăm lo cho cả gia đình ở quê, mặc cho môi trường sống này có ô nhiễm và hôi hám đến mức nào.

An toàn lao động: Chỉ là chuyện nhỏ

Hầu hết những người lao động ở đây đều không có dụng cụ bảo hộ lao động, chỉ một số ít cẩn thận mới dùng khẩu trang và găng tay để lựa phế liệu. Giữa đống nilon và phế liệu đầy ruồi nhặng bốc mùi xú uế, anh Vũ Đình Lộc (Thanh Hóa) chân trần, không khẩu trang, dùng tay không phân loại những túi nilon người ta vứt đi được chủ vựa mua về. Công việc của anh là phân loại phế liệu, cái nào không bán được thì gom lại đổ thành đống ở trong khu, cái nào dùng được sẽ đóng vào bao để bán. Khi được hỏi tại sao không đeo găng tay, anh Lộc cười xuề: Quen rồi. Dùng mấy cái đó không thoải mái.

Ở khu vựa khác, ông chủ vựa cũng tay không lựa lựa, xếp lại những đống chai, lọ vừa mua được. Cuộc sống của những người chủ vựa này cũng hầu như gắn liền với phế liệu. Họ ở đó gần như cả ngày, đợi có hàng là mua.

Đối với những cư dân ở xóm ve chai, khái niệm về an toàn lao động dường như là một cái gì đó mơ hồ. Với họ, một ngày kiếm được bao nhiêu tiền từ rác, có đủ để nuôi con, hay phụ giúp gia đình ở quê không mới là quan trọng.

  

Cô Nguyễn Thị Phương (Thanh Hóa) làm ở bãi phế liệu cũng được 3 năm. Nhưng khác với anh Lộc, chị Hương gần như “định cư” ở bãi phế liệu, cô Phương chỉ lên đây sau mỗi vụ mùa để kiếm thêm chút tiền. Cô kể: Ở quê làm ruộng cũng chỉ đủ gạo để ăn, mà cuộc sống thì còn quá nhiều thứ phải lo, nên mỗi năm tôi lại lên đây làm vài tháng. Trước đây tôi làm giúp việc, nhưng làm nghề đó phải ở lâu dài. Làm nghề nghề phân loại rác này mỗi tháng cũng được khoảng 1,5 triệu đồng, ăn, ở do chủ vựa nuôi, lại tự do, khi nào không muốn làm thì nghỉ.

Cũng giống như cô Phương, chị Thanh (Nam Định) chỉ ngụ cư ở xóm rác sau khi xong mùa màng. Đối với chị, những tháng ngày giữa đống phế liệu ấy là cơ hội để chị kiếm thêm chút tiền lo cho con ăn học. Chị chia sẻ: Đời mình thất học đã khổ rồi, quyết không để cho con mình phải thất học nữa. Đó chính là động lực để các chị "chôn" sức khỏe của mình nơi bãi ve chai đầy ô nhiễm này.

“Nghèo cho sạch, rách cho thơm”

Cuộc sống vất vả, đầy ô nhiễm là vậy, nhưng những người như chị Hương, chị Thanh hay cô Hồng (Nam Định) luôn cảm thấy vui vẻ khi nói về cuộc sống của mình. Và dường như, trên bãi phế liệu khổng lồ này, đã thành một điều gì đó gắn bó với cuộc sống của họ. Cô Hồng tâm sự: Nhờ rác mà tôi một tay lo toan được cho tổ ấm bé nhỏ vốn thiếu tay đàn ông (chồng mất sớm, một mình cô phải gánh trọng trách nuôi dạy hai cô con gái nên người). Cô kể: Nhiều người cũng như chúng tôi từ quê lên làm ăn, nhưng lại bị sa ngã vào con đường đâm thuê chém mướn, mại dâm, cờ bạc… Nhưng những người như chúng tôi ở đây, dù nghèo khổ, túng thiếu cũng vẫn phải giữ lương tâm của mình, thà “nghèo cho sạch, rách cho thơm.”

  

Có lẽ vì vậy mà không ít người khi sống ở bãi rác Hoàng Cầu, còn về quê rủ thêm bạn bè, con cái, anh chị em lên đây làm. Như anh trai anh Lộc, làm ở bãi phế liệu một thời gian, về quê lại kéo cậu em trai lên đây làm. Thấm thoát mà đã ba, bốn năm. Anh Lộc kể: Anh trai tôi về quê lấy vợ, muốn lên đây làm tiếp, nhưng vợ không cho đi, đành phải ở nhà. Hay như cô Hồng, sau khi quyết định về quê vào cuối năm nay trông cháu, sẽ để con gái cả lên làm thay. Không biết, mong muốn của cô có thành hay không, vì UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Sở Xây dựng kiểm tra, chỉ đạo thu gom, xử lý khu bãi rác này trong tháng 8/2012. Rất có thể, khi bãi phế liệu này được dẹp bỏ, hàng trăm con người đang sinh sống ở đây lại “dạt” sang những bãi rác khác, như họ vẫn làm bao năm qua.

Phạm Bùi

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
  • Thị xã Quảng Trị: Phấn đấu hoàn thành kế hoạch của năm 2025

    (Xây dựng) - Ngay từ cuối năm 2024, thị xã Quảng Trị đã đề ra những mục tiêu quan trọng, đồng thời ban hành chương trình hành động cụ thể, nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cho năm 2025. Nhân dịp đầu năm mới 2025, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Mai Anh, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị.

  • Tặng quà Tết ý nghĩa cho công nhân lao động ở Thái Nguyên và Bắc Giang

    Ngày 19/1, Đoàn công tác Ban Dân vận Trung ương và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đến thăm, tặng quà cán bộ, công nhân, người lao động Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

  • Cháy nhà 3 tầng ở Hà Nội, 1 người mắc kẹt

    Ngôi nhà 3 tầng có địa chỉ ở số 79, ngõ 95 Bạch Đằng (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội.

  • Cần Thơ: Bàn giao 30 căn nhà cho bà con nghèo đón Tết

    (Xây dựng) – Vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường dự Lễ bàn giao 30 căn nhà tình nghĩa xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công với cách mạng tại huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ.

  • Hà Nội: Phường Hạ Đình tổ chức chương trình Tết nhân ái, ấm tình quân dân

    (Xây dựng) - Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, chúng ta lại càng thêm nhớ về cội nguồn dân tộc với “bánh chưng xanh, thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ”. Sáng 18/1, trong không khí hân hoan đón Tết Ất Tỵ năm 2025, Đảng ủy - UBND - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Hạ Đình phối hợp với Hội Chữ thập đỏ quận Thanh Xuân, Ban Chỉ huy Quân sự quận Thanh Xuân, Ban Chỉ huy Lữ 26 Quân chủng Phòng không Không quân long trọng tổ chức chương trình “Tết nhân ái, ấm tình quân dân” mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025.

  • Tết đến trong những căn nhà mới

    Nhiều người nghèo được đón Tết trong những căn nhà mới thuộc chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát, kịp “an cư lạc nghiệp” ngay từ đầu năm mới Ất Tỵ 2025.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load