Chủ nhật 01/09/2024 05:41 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Sớm giải quyết vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng ở Tây Sơn, tỉnh Bình Định

13:24 | 30/05/2024

(Xây dựng) – “Ban Quản lý dự án 2 phải có kế hoạch rõ ràng, đến khi nào thì có tiền chi trả cho người dân, có hay không có tiền cũng phải báo cáo để địa phương trình bày với dân. Tinh thần chỉ bàn tiến, không bàn lùi…” - Đây là phát biểu của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Anh Tuấn tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Tây Sơn, Ban Quản lý dự án 2 và các nhà thầu về tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên đoạn qua địa bàn huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) vào ngày 29/5.

Sớm giải quyết vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng ở Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Quang cảnh buổi làm việc.

Dự án Tăng cường kết giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng chiều dài tuyến 143,6km, gói thầu XL01 thuộc Dự án đang triến khai thi công trên địa phận huyện Tây Sơn dài 17km, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2024. Tuy nhiên vướng mắc hiện nay là thiếu nguồn vốn đền bù giải phóng mặt bằng.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện có gần 1.400 trường hợp bị ảnh hưởng khi dự án đi qua với diện tích đất thu hồi hơn 42.000m2.

Hiện nay, cơ bản đã thực hiện công tác bàn giao mặt bằng toàn tuyến chính cho chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai thi công, huyện cũng đã giải ngân 65,03/ 65,055 tỷ đồng vốn được cấp (đạt tỷ lệ 99,9%).

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là các vị trí thực hiện thi công hoàn trả đường gom còn vướng mặt bằng 46 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án tại khu vực cầu Ba La và cầu Bầu Sen do thiết kế mới cao nâng cao độ nền so với hiện trạng (từ 1,4m đến 4m). Bên cạnh đó, còn lại 02 trụ điện tại vị trí cầu Ba La chưa thực hiện di dời được do nhân dân chưa đồng ý GPMB tại vị trí đường gom. Hiện còn 300 hộ dân ở xã Tây Giang và 60 hộ dân xã Tây Thuận bị nứt nhà do thi công lu nền, đơn vị chưa đánh giá xác định mức độ thiệt hại…. việc này đã phát sinh thêm vốn đầu tư hơn 30 tỷ đồng, nâng tổng vốn GPMB phân bổ năm 2024 cần 50 tỷ đồng.

Từ tháng 3/2024 đến nay, UBND huyện Tây Sơn đã liên tục gửi văn bản đôn đốc, đề nghị Ban Quản lý dự án 2 chỉ đạo các nhà thầu thi công và các đơn vị có chức năng khẩn trương tổ chức khảo sát, đánh giá và giám định mức độ thiệt hại về nhà cửa, vật kiến trúc bị ảnh hưởng do việc thi công dự án gây ra, đồng thời yêu cầu Ban quản lý dự án 2 khẩn trương chuyển tiền để địa phương chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng, tạo điều kiện cho nhân dân sớm thực hiện phương án tái định cư. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 2) mới chuyển khoảng 13,7 tỷ đồng GPMB. Việc giải ngân vốn nhỏ giọt đã khiến công tác bồi thường GPMB gặp nhiều khó khăn.

Sớm giải quyết vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng ở Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án 2 hứa sẽ giải ngân hết nguồn vốn vào ngày 10/6/2024.

Tại buổi làm việc, đại diện Ban Quản lý dự án 2 hứa sẽ nhanh chóng chuyển 5,2 tỷ đồng cho huyện vào ngày 30/5. Đây là số tiền còn dôi dư của tỉnh Gia Lai hoàn trả lại cho Ban 2 (theo phân khai năm 2024). Đối với số tiền còn lại sẽ chuyển cho huyện chậm nhất vào ngày 10/6/2024.

Chỉ đạo buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn yêu cầu: Ban Quản lý dự án 2 phải tính toán, kể cả việc Ban, nhà thầu phải ứng tiền để chi trả hoặc tính phương án vay mượn để sớm có tiền cho địa phương. Đồng thời, đơn vị thi công phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để rà soát, sớm kiểm định, đền bù đúng người, đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng, việc cấp vốn phải theo trình tự, quy định, mong địa phương và người dân chia sẻ. Huyện Tây Sơn cần hỗ trợ tuyên truyền cho người dân đồng thuận với dự án này. Trường hợp nào bị ảnh hưởng, có đủ cơ sở thì tiến hành đền bù, tránh trường hợp những hộ dân khác không bị ảnh hưởng mà vẫn đề nghị xem xét đền bù để trục lợi.

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, tháng 8 – 9 là mùa mưa nên việc lưu thông trên tuyến đường này sẽ càng khó khăn hơn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, việc đi lại của người dân 2 tỉnh Bình Đinh và Gia Lai. Vì vậy, Bộ Giao thông vận tải quyết tâm thực hiện hoàn thành sớm tuyến đường này, nhất là đoạn đèo An Khê và 02 cây cầu đi qua địa bàn huyện Tây Sơn (cầu Bàu Sen và cầu Ba La).

Sớm giải quyết vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng ở Tây Sơn, tỉnh Bình Định
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu các đơn vị phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vướng mắc.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị, trong thời gian tới, các đơn vị cần tập trung quyết liệt, triển khai để sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến dự án này. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Ban Quản lý dự án 2, nhà thầu và lãnh đạo huyện Tây Sơn hàng tuần, thậm chí là hàng ngày hoặc từng thời điểm, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện nếu có vướng mắc thì cần phải ngồi lại hoặc ra hiện trường kịp thời giải quyết những vướng mắc.

Được biết, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, Quốc lộ 19 dài 143,6 km, có 8 gói thầu: Điểm đầu là Km50+00, Quốc lộ 19 thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối Km241+00, Quốc lộ 19 thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Dự án đi qua tỉnh Bình Định dài 17 km, tỉnh Gia Lai 126,34 km, thực hiện từ năm 2017 - 2023; quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với tổng mức đầu tư hơn 3.654 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (IDA) 150 triệu USD; vốn đối ứng 3,7 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật 2,1 triệu USD. Đến tháng 7/2022, Bộ Giao thông vận tải quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và điều chỉnh tiến độ dự án kết thúc vào tháng 6/2024.

Thu Loan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load