Trong khi thị trường địa ốc TP.HCM im ắng thì hàng loạt dự án đất nền tại Bình Dương, Đồng Nai, Long An lại ồ ạt bung hàng. Theo các chuyên gia, đây là động thái ăn theo quy hoạch kết nối với Sài Gòn. Nhiều DN, nhà đầu tư đã rót vốn vào Đồng Nai, Long An và chờ đợi các địa phương này kết nối sâu rộng với TP.HCM. Một trong những kỳ vọng của giới kinh doanh là các tỉnh lân cận có thể thu hút đầu tư, giãn dân từ Sài Gòn theo mô hình đô thị vệ tinh.
Hạ tầng "mở lối" cho BĐS ven Sài Gòn
Đất nền hút khách
Ngày 13/11, Cty An Cư Lạc Nghiệp, sàn Becamex IJC và Cty Hưng Thịnh Phát đã mở bán block D dự án căn hộ chuyên gia IJC Aroma, Bình Dương. Dù giá bán khá cao, 21 - 27 triệu đ/m2 nhưng có 104 căn được đặt cọc trên tổng số 134 căn mở bán. Đây là khối nhà cuối cùng được mở bán của dự án này tại TP mới Bình Dương.
Ngày 12/11 Cty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang đã bán đợt một dự án Làng sinh thái du lịch Eco Village (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), thu hút hàng trăm khách hàng tìm hiểu sản phẩm và đặt mua. Nhiều người chọn một lúc 2 - 3 nền đất vì cho rằng vài trăm triệu đồng/nền vẫn rẻ so với TP.HCM.
Mua hai nền đất trong dự án Eco Village, bà Hoàng Thị Nam, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM, chia sẻ: "Tôi đã đi xem dự án hai lần trước khi quyết định đặt mua nền đất ở đây. Đường đi thuận tiện, giá bán 3 - 5 triệu đ/m2, giá này Sài Gòn tìm không ra".
Theo bà Nam, mục đích mua nền đất chỉ đơn giản là có của để dành sau này dưỡng già. Bà cho rằng, nếu bây giờ đầu tư vài trăm triệu cho một nền đất, 5 - 10 năm nữa còn có hy vọng xây nhà. "Giá đất ở nội thành TP.HCM quá đắt đỏ, ngay cả chung cư cũng lên đến 700 - 800 triệu đ/căn, tôi không kham nổi", bà nói.
Trước đó, ngày 09/11, Cty CP Phát triển hạ tầng và BĐS Thái Bình Dương (PPI) và Cty CP Phát triển nhà Thủ Đức mở bán dự án Long Hội City (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Mức giá bán trung bình 3 - 5 triệu đ/m2. Buổi mở bán đã thu hút được khoảng 600 khách hàng tham gia và có 160 trên tổng số gần 200 nền đất mở bán đã được khách hàng đặt mua trong đợt đầu tiên.
Đua nhau đầu tư
Trong quý IV, nhiều dự án tại Long An đã được công bố và bán ở Sài Gòn.
Trong tháng 11, Cty CP Đầu tư Nam Long và CBRE đã công bố thỏa thuận hợp tác theo hình thức tư vấn cho hạng mục bán lẻ của dự án KĐT Nam Long - Vàm Cỏ Đông. Hồi cuối tháng 5, Cty Nam Long (chủ đầu tư) đã khởi công dự án này.
Theo chủ đầu tư, dự án rộng 355ha, tọa lạc tại huyện Bến Lức tỉnh Long An, được phát triển thành 4 giai đoạn với khoảng 37% đất được sử dụng để phát triển nhà ở gồm biệt thự, nhà phố, căn hộ cao cấp... Ngoài ra, DN sẽ phát triển dòng sản phẩm căn hộ giá "mềm" ngay trong dự án này như mô hình căn hộ EHome của Nam Long tại TP.HCM.
Xu hướng đầu tư địa ốc lấn ra thị trường vùng ven lan rộng sang các DN khác. Một đơn vị kinh doanh địa ốc khác tại TP.HCM là Cty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cũng đầu tư vào dự án Làng sinh thái du lịch Eco Village, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Dự án rộng 97ha đã được chủ đầu tư mở bán nền ngày 12/11.
Dự báo về tốc độ phát triển của các tỉnh lân cận TP.HCM, Chủ tịch HĐQT Cty Nam Long, Nguyễn Xuân Quang nhận xét: “Mặc dù thị trường BĐS đã và đang gặp phải nhiều khó khăn trong năm 2011 nhưng trong vòng vài thập niên tới, tiềm năng phát triển của các tỉnh lân cận TP.HCM là rất lớn".
Theo ông Quang, do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh tại Việt Nam, và các bộ phận dân cư đang đổ dồn về sống tại khu vực thành thị. Tỉnh Long An vốn là khu vực mở rộng tự nhiên của TP.HCM nên địa bàn này trở thành một điểm đầu tư được nhiều DN lựa chọn.
Trong khi đó, Tổng giám đốc Cty CP BĐS La Bàn, Huỳnh Dư An phân tích: "Các DN địa ốc TP.HCM chuyển hướng sang BĐS ở vùng ven giáp ranh phía tây Sài Gòn vì từ địa phận huyện Bình Chánh đổ về miền Tây hạ tầng kết nối khá tốt khiến cho thời gian di chuyển về hướng này được rút ngắn lại".
Ồ ạt ăn theo hạ tầng
Ngày 03/12, Tập đoàn Đất Xanh tiếp tục mở bán KĐT thương mại Phúc Long tại KĐT Suối Son. Cùng nhập cuộc đua, cuối tháng 11, Cty CP Địa ốc Thăng Long mở bán đợt ba gồm 200 nền nhà liên kế và biệt thự thuộc KĐTM Phước An - Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Theo Cty Địa ốc Thăng Long, sở dĩ đơn vị này tung hàng vào cuối năm vì trong quý III, tỉnh Đồng Nai đã công bố quyết định của Chính phủ về quy hoạch cảng sân bay quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư ước hơn 10 tỷ USD. Theo quy hoạch, sân bay này kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai 4, đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Long Thành. Đây là tiền đề giúp liên kết vùng của khu Đông Nam bộ tốt hơn, tạo sức hút đối với nhà đầu tư.
Giáp ranh với phía tây của TP.HCM, tỉnh Long An cũng có hàng loạt dự án được công bố và mở bán ăn theo hạ tầng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, mở rộng QL51, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành... Nhiều tập đoàn lớn như: Khang Thông, Đồng Tâm, Nam Long… cũng lần lượt đầu tư các KĐT phức hợp vùng ven để đón lợi thế hạ tầng. Các dự án đó là KĐT Nam Long - Vàm Cỏ Đông, Happy Land, Làng sinh thái du lịch Eco Village, Long Hội City, Five Stars...
Nhận định về cuộc chạy đua đầu tư và mở bán BĐS giáp ranh TP.HCM, Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường BĐS Cty GIBC, Huỳnh Phước Nghĩa phân tích: "Có rất nhiều lý do khiến cho các DN, nhà đầu tư săn đất ven đô và tung hàng hiện nay. Nguyên nhân quan trọng nhất là khát vọng sở hữu tài sản và kỳ vọng sự kết nối giao thông với TP.HCM trong vài năm tới quá lớn".
Ông Nghĩa cũng cho rằng trong vòng 5 năm tới, giao thông kết nối TP.HCM với các vùng lân cận như: Đông Nam bộ, ĐBSCL sẽ tốt dần lên. Thời gian di chuyển đi về Sài Gòn vì vậy cũng sẽ rút ngắn và là thời điểm thích hợp định hình các KĐT vệ tinh. Nhận định về tiềm năng của các KCN ở các tỉnh giáp ranh TP.HCM, ông Nghĩa cho rằng, đây là "bà đỡ" cho các KĐT vệ tinh vì khi các KCN hoạt động sẽ giúp quá trình đô thị hóa ở khu vực này diễn ra nhanh hơn.
Đại Lộ
Theo baoxaydung.com.vn