Thứ sáu 26/04/2024 05:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

“Sốc” với cách hành xử của Ban quản lý khu dân cư Senturia Vườn Lài

15:05 | 03/03/2023

(Xây dựng) - Phản ứng lại với việc không đóng phí của một số cư dân trong khu dân cư Senturia Vườn Lài, phường An Phú Đông, quận 12, Ban quản lý khu dân cư đã để cho người của Công ty TNHH Quản lý tài sản Taisei Việt Nam có những hành động khiến người dân bức xúc.

“Sốc” với cách hành xử của Ban quản lý khu dân cư Senturia Vườn Lài
Khu dân cư Senturia Vườn Lài.

Ban quản lý “bá đạo”

Bà Bạch Kiều Trang sinh sống tại số nhà 58D5 Khu dân cư (KDC) Senturia Vườn Lài cho biết, bà rất bức xúc khi 9 giờ sáng ngày 14/2/2023 bảo vệ tại cổng đường D1 chặn người giao hàng, không cho tới nhà bà để giao đồ. Lý giải cho hành động này, người bảo vệ giải thích là họ nhận được yêu cầu của Trưởng Ban quản lý buộc họ phải áp dụng việc cấm không cho shipper vào nhà những hộ dân chưa đóng phí quản lý. Bà Trang cho hay, sở dĩ từ khi gia đình bà phát hiện một số khuất tất trong thu chi, trong điều hành của Ban quản lý nên gia đình bà ngưng đóng phí để yêu cầu làm rõ. Tuy nhiên đã nhiều lần, gia đình bà và nhiều hộ dân khác làm đơn yêu cầu nhưng đều chưa được Ban quản lý giải thích một cách thỏa đáng. Bà Trang cũng quả quyết, bà và một số hộ dân khác chỉ đóng phí vào một tài khoản chung có sự giám sát của nhiều người, nhất định không đóng phí vào tài khoản của Công ty TNHH Quản lý tài sản Taisei Việt Nam.

“Tại sao chúng tôi phải đóng phí vào tài khoản của Công ty Taisei trong khi đây không phải là tài khoản chung của cư dân được Ban quản trị lập ra? Công ty Taisei này là ông vua hay sao mà tự cho mình cái quyền cấm đoán, hạn chế quyền tự do, quyền công dân của chúng tôi?” – Bà Trang bức xúc.

Ông Nguyễn Hữu Yên, sinh sống tại nhà số 10D2 bức xúc với hành vi cấm không cho xe công nghệ vào nhà ông đón khách của bảo vệ. Ông Yên cho hay, bản thân ông là cán bộ về hưu, vì vợ ốm, con ở xa, ông thường xuyên phải gọi xe công nghệ để chở vợ đi bệnh viện. Nhưng từ ngày 14/2/2023, bảo vệ chặn ở ngoài cổng không cho xe công nghệ vào nhà khiến gia đình ông gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại. Ông lo lắng, nếu chẳng may gặp sự cố không đi cấp cứu kịp thời, để lỡ mất giờ vàng trong y học, hậu quả sẽ khôn lường. “Chúng tôi có cảm giác như mình đang bị đi tù ngay trong chính ngôi nhà của mình. Công ty Taisei có quyền lực gì mà dám bất chấp pháp luật của Nhà nước cấm đoán chúng tôi, hành hạ những người già như chúng tôi thế chứ”. Ông Yên cho biết, đây là hành động trả đũa của Ban quản lý đối với những gia đình không đóng phí quản lý như các ông. Ông và nhiều hộ dân khác đã đưa ra bản yêu cầu 9 nội dung, nhưng Ban quản lý trả lời không thỏa đáng nên ông ngưng đóng phí để họ phải làm rõ những khuất tất.

Ông Hoàng Minh Dũng, sinh sống tại số nhà 01D4 đã làm đơn kêu cứu gửi khắp nơi trước những hành động bất thường từ những người làm dịch vụ ở khu dân cư của ông. Ông cho biết, từ khi nhiều hộ dân ở đây ngưng đóng phí thì Ban quản lý ra thông báo cấm cản một số việc làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Bức xúc nhất là chuyện đổ rác. Ông Dũng cho hay, ngoài việc Ban quản lý không cho gia đình ông đổ rác, để rác, thì còn dựng chuyện “gắp lửa bỏ tay người”. Cụ thể, vào lúc 23 giờ18 phút ngày 22/2/2023, camera gia đình ông đã ghi lại cảnh có người mặc đồng phục của Công ty TNHH Quản lý tài sản Taisei Việt Nam lấy rác từ nhà người khác bỏ sang nhà ông. “Có nằm mơ tôi cũng không tưởng tượng được cái trò này. Họ làm thế chỉ mất vệ sinh, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết giữa các cư dân với nhau”.

Ông Châu Văn Nghị, tại số nhà 03D6 viết đơn phản ánh tới Báo điện tử Xây dựng bức xúc về việc ông và gia đình bị một số người trong Ban quản lý và công ty làm dịch vụ cấm cản, vi phạm quyền công dân đối với những người trong gia đình ông. Trong đơn ông liệt kê các hành vi như sau: Cấm không cho ra công viên; cấm không cho xe taxi, xe công nghệ vào tới nhà dân (khi có người bệnh phải đi bộ ra cổng sẽ chậm mất thời gian vàng trong y học); cấm đổ rác; từ chối tiếp nhận ý kiến đề xuất của gia đình ông… Ông cũng giải thích rõ lý do gia đình ông chưa đóng phí là vì: Quỹ kết dư còn 3,2 tỷ đồng nữa chưa hết tiền; Công ty TNHH Quản lý tài sản Taisei hoạt động không hợp pháp (Ông cho rằng công ty này hết hạn hợp đồng đã lâu nhưng không hiểu sao lại được Ban quản lý hết nhiệm kỳ ký gia hạn cho thêm 2 năm nữa); thu chi không minh bạch; trả lời các kiến nghị chưa thỏa đáng; lúc đầu công ty tự xưng là công ty nước ngoài nhưng thực chất lại là công ty Việt Nam…

“Sốc” với cách hành xử của Ban quản lý khu dân cư Senturia Vườn Lài
Đơn phản ánh của người dân.

Trong đơn gửi tới Báo điện tử Xây dựng, ông Nguyễn Trung Chính, ngụ tại số nhà 37D9 viết: “Sau khi chúng tôi biết được chuyện quản lý vận hành có nhiều khuất tất, đặc biệt về vấn đề tài chính không minh bạch, ký kết hợp đồng giữa hai bên có điều gì đó không rõ ràng, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị, yêu cầu công ty Taisei và anh Linh - Trưởng Ban quản lý cung cấp các tài liệu, trả lời, giải đáp các thắc mắc mà chúng tôi yêu cầu. Nhưng phía Công ty Taisei và anh Linh không tôn trọng, coi thường cư dân chúng tôi, trả lời qua loa hình thức đối phó. Chứng từ đều không phù hợp, cái cần không cung cấp được. Trong khi đó, tôi và những cư dân trên đều là những cán bộ, sỹ quan cao cấp trong quân đội đã nghỉ hưu, bác sỹ, cán bộ Nhà nước cũng đều có cả… Không một lần trả lời nào cho chúng tôi từ phía lãnh đạo Công ty Taisei. Mặc dù đã được chủ đầu tư gửi văn bản nhắc nhở. Không hiểu vì lý do gì, mục đích gì phía Công ty Taisei và anh Linh tìm mọi cách, mọi thủ đoạn, ra nhiều văn bản chế tài, cấm đoán chúng tôi…”.

Chưa hết, ông Lê Văn Hải, sinh sống tại số nhà 03D5 còn kể ra hàng loạt những hành vi xúc phạm đến danh dự cá nhân trên mạng xã hội của Ban quản lý. Ông Hải cho biết: “Ban quản lý sử dụng mạng xã hội để xúc phạm, chửi bới, khủng bố những người bất đồng ý kiến và chỉ ra những sai phạm của Ban quản lý, gây hoang mang cho cư dân và gây mất an ninh trật tự. Ban quản lý chụp hình bêu riếu cư dân. Ban quản lý ra các văn bản (SVL/TFM/TB 04-02/2023, SVL/TFM/TB06-02/2023 ngày 21/2/2023) hạn chế các quyền hợp pháp của các cư dân nếu bất đồng ý kiến với họ. Không cho xe taxi, các loại xe công nghệ vào khu dân cư giao nhận hàng, đón khách, không được đổ rác và không cho xe đổ rác khác vào lấy rác, không được sử dụng các tiện ích công cộng trong khu dân cư… Phải gọi Ban quản lý này là Ban quản lý bá đạo”.

Bất thường tư cách Ban quản lý

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ngày 11/2/2023, Ban quản lý khu dân cư Senturia Vườn Lài có Thông báo số SVL/TFM/TB04-02/2023 về tạm ngưng cung cấp dịch vụ đối với nhà chưa đóng phí quản lý do ông Lê Đỗ Văn Linh, Trưởng Ban quản lý ký. Trong thông báo này có nêu lý do: vẫn có nhiều nhà không đóng phí dịch vụ làm đa số cư dân đóng phí bức xúc. Ban quản lý sẽ ngưng cung cấp các dịch vụ đối với những nhà chưa đóng phí quản lý: Ban quản lý không tiếp nhận ý kiến, đề xuất của các nhà chưa đóng phí; Không quét dọn trước cửa nhà và không thu gom rác sinh hoạt; Ban quản lý không đảm bảo an ninh - an toàn liên quan đến các nhà đó bao gồm: các mất mát, trộm cắp…; không được sử dụng các tiên ích công cộng trong khu dân cư (ở clubhouse, công viên, phòng Gym, hồ bơi…); Không cho xe taxi, các loại xe công nghệ vào khu dân cư nhận hàng, đón khách mà cư dân đó ra cổng bảo vệ nhận hàng và đón xe; Thông báo danh sách cư dân không đóng phí ở bảng thông báo ở clubhouse, cổng ra vào đường D1, đối với những nhà trống/nhà chưa về ở Ban quản lý dán thêm thông báo nợ phí quản lý trước cửa nhà; Ban quản lý không phê duyệt đăng ký thi công hoàn thiện nhà của những cư dân chưa thanh toán phí quản lý; Ban quản lý không phê duyệt đăng ký chuyển đồ ra.

Theo quy chế hoạt động và chế độ thu chi tài chính Ban đại diện khu dân cư Senturia Vườn Lài tháng 12/2022, Khu dân cư Senturia Vườn Lài bầu một Ban đại diện. Ban đại diện này thuê và giám sát công ty quản lý; Ban quản lý là bộ phận thường trực của Công ty quản lý đặt tại khu dân cư. Như vậy, Ban quản lý là một bộ phận thuộc Công ty Taisei được thuê tới làm dịch vụ, không phải là “ông chủ” mà tự cho mình cái quyền từ chối tiếp nhận ý kiến, đề xuất của cư dân, hạn chế quyền tự do đi lại, tự do giao dịch của người dân…

Luật sư Lê Trung Phát – Giám đốc hãng luật Lê Trung Phát Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đơn vị cung cấp dịch vụ chỉ được quyền ngưng những dịch vụ do chính họ cung cấp. Ở đây, công ty quản lý không được thuê để cung cấp dịch vụ giao nhận hàng, dịch vụ đón trả khách, không cung cấp hạ tầng tiện ích công cộng như công viên, hồ bơi, nhà sinh hoạt chung, nên không có quyền ngưng những dịch vụ này. Công ty quản lý có quyền ngưng dịch vụ thu gom rác, dọn vệ sinh do chính họ đảm nhận, nhưng không có quyền ngăn cấm người dân thuê đơn vị khác để thu gom rác và làm vệ sinh giúp họ. Ở đây cần phải hiểu rằng, việc cung cấp dịch vụ khác với việc hạn chế quyền công dân của cư dân. Quyền công dân quy định trong Hiến pháp chứ không phải trong bản hợp đồng thuê dịch vụ của công ty quản lý. Cung cấp dịch vụ bảo vệ để đảm bảo an ninh an toàn trong khu vực, chứ không phải là để quản thúc, hạn chế quyền công dân của cư dân. Việc công ty quản lý không cho xe dịch vụ ra vào nhà cư dân là hành động cản trở quyền tự do đi lại của người dân. Cản trở không cho cư dân xuống công viên, các nơi thuộc tiện ích chung mà chi phí vận hành ấy đã được chủ đầu tư trả là hành động vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cư dân. Bởi đây là tiện ích, là quyền lợi của cư dân được xác định trên hợp đồng mua bán nhà, nó không phát sinh từ dịch vụ do bên vận hành cung cấp.

Theo phản ánh của người dân, sở dĩ người làm thuê – Công ty Taisei có thể “bá đạo” leo lên tiếm quyền “ông chủ” như vậy là do Công ty Taisei trực tiếp thu tiền phí quản lý vào tài khoản của công ty, rồi tự thu, tự chi suốt một thời gian dài. Người dân cho biết, từ tháng 2/2022 tới tháng 1/2023 Công ty Taisei tự thu tự chi không xuất trình được chứng từ rõ ràng khiến cho họ nghi ngờ.

Số tiền phí quản lý người dân phải nộp mỗi tháng không hề nhỏ. Mỗi nhà đóng phí quản lý từ 2,2 -2,6 triệu đồng/tháng tùy vào diện tích. Với số lượng 194 căn biệt thự, nhà phố, mỗi tháng sơ bộ cũng tới nửa tỷ đồng tiền phí quản lý. Tuy nhiên, khi người dân yêu cầu, Công ty Taisei chỉ báo cáo tồn quỹ đến ngày 31/12/2022 là gần 3,2 tỷ đồng.

Trong thông báo phí tới người dân, Ban quản lý yêu cầu người dân nộp vào tài khoản của Công ty TNHH Quản lý tài sản Taisei VN được mở tại ngân hàng ACB phòng giao dịch Bùi Đình Tuý. Nếu chậm nộp, cư dân sẽ phải đóng lãi 0.05%/ngày.

Tại Văn bản số 1111/2022BĐD-KDC SENTURIA ngày 11/10/2022, ông Lê Đỗ Văn Linh, Trưởng Ban quản lý khu dân cư cho biết, quỹ quản lý vận hành Công ty Taisei Việt Nam nhận giữ hộ theo như Quy chế của Ban điều hành khu dân cư. Nếu cư dân có yêu cầu chuyển giao, Ban quản lý sẽ tiến hành lấy ý kiến về việc thành lập tài khoản và chuyển giao quỹ Quản lý vận hành theo biên bản đồng ý của đa số cư dân.

Do nghi ngờ, người dân tìm hiểu mới vỡ lẽ, sở dĩ có Ban quản lý “bá đạo” này xuất hiện là do chủ đầu tư cố tình áp dụng mô hình quản lý vận hành chung cư cho hoạt động của một khu dân cư. Dù biết rõ thẩm quyền quản lý, vận hành khu dân cư sau khi nhận bàn giao sẽ thuộc về chính quyền địa phương, không thuộc về một Ban đại diện/Ban điều hành nào cả, nhưng chủ đầu tư vẫn đứng ra tổ chức hội nghị để thành lập Ban đại diện/Ban điều hành khu dân cư, sau đó rút khỏi vai trò quản lý để mặc cho Ban điều hành/Công ty quản lý thu tiền phí của người dân. Bằng cách này, chủ đầu tư chối bỏ trách nhiệm quản lý, vận hành khu dân cư của mình khi chưa tiến hành bàn giao cơ sở hạ tầng về cho địa phương. Đồng thời, chủ đầu tư đỡ gánh nặng phí quản lý, vận hành trong thời gian thi công, đặc biệt hơn nữa là có thể dễ dàng thu quỹ bảo trì 2% của cư dân.

“Sốc” với cách hành xử của Ban quản lý khu dân cư Senturia Vườn Lài
Người dân bức xúc trước hành xử của Ban quản lý.

Theo luật sư Lê Trung Phát, quy chế hoạt động và chế độ thu chi tài chính của Senturia Vườn Lài từ khi thành lập năm 2019 cho tới tháng 12/2022, dựa trên Thông tư 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Tuy nhiên, Senturia Vườn Lài là một khu dân cư rộng hơn 9,5ha, không phải khu chung cư. Khu dân cư này có 194 căn biệt thự, nhà phố liên kế và các tiện ích công cộng khác. Vì thế, việc áp dụng quy chế quản lý vận hành nhà chung cư cho khu dân cư là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo các văn bản trả lời của chủ đầu tư - Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phước, hiện nay chủ đầu tư chưa được cơ quan chức năng nghiệm thu hạ tầng cơ sở. Thế nên, chủ đầu tư cũng chưa thể bàn giao phần hạ tầng cơ sở khu dân cư này về cho địa phương. Theo quy định, trách nhiệm quản lý, vận hành cơ sở hạ tầng, dịch vụ khu dân cư này vẫn thuộc về chủ đầu tư Tiến Phước.

Tuy nhiên, tại Công văn số 42/CV-TP ngày 20/2/2023, chủ đầu tư Tiến Phước lại chối bỏ phần trách nhiệm của mình, bằng cách trả lời người dân rằng, việc quản lý, vận hành là do Ban điều hành cư dân thuê công ty quản lý để làm việc, không liên quan đến chủ đầu tư. Chủ đầu tư đã bàn giao cho Ban điều hành rồi.

Từ cách hành xử “bá đạo” của Ban quản lý khu dân cư Senturia Vườn Lài tới việc chủ đầu tư đứng ra tổ chức hội nghị bầu Ban điều hành để sau đó Công ty quản lý đứng ra thu tiền phí của người dân, tới cả việc thu 2% phí bảo trì của người dân không nằm trong quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cần sớm vào cuộc để làm rõ những khuất tất từ quản lý, vận hành khu dân cư của Công ty quản lý và chủ đầu tư dự án này.

Nhóm phóng viên

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load