Tỉnh Sóc Trăng cần nỗ lực khắc phục khó khăn với khát vọng vươn lên mạnh mẽ; khai thác tiềm năng, lợi thế và có giải pháp đột phá, phấn đấu đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Một góc thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng)
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với tỉnh Sóc Trăng được nêu tại văn bản số 239/TB-VPCP.
Giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Sóc Trăng tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 9,39%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gần 2 lần so với đầu nhiệm kỳ. Quý I năm 2017 sản lượng thủy sản đạt 24.300 tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2016.
Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của Tỉnh chuyển dịch còn chậm, nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn; tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhất là trong đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn cao.
Phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất tôm lớn vùng ĐBSCL
Để vượt qua khó khăn, phấn đấu đưa Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững, trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào cuối nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong đó, chủ động nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các khu công nghiệp trên địa bàn, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao thu nhiều lao động; dựa vào lợi thế tự nhiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) theo quy hoạch; tiếp tục đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phấn đấu đến năm 2020 Sóc Trăng tăng gấp 2 lần số doanh nghiệp hiện có.
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; đổi mới mô hình tổ chức sản xuất, phát triển một số sản phẩm chính của địa phương gắn với xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý; quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; khai thác thế mạnh về nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu tôm, phấn đấu trở thành một trong những trung tâm sản xuất tôm lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp vào mục tiêu xuất khẩu đạt 10 tỷ USD của cả nước vào năm 2020.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phát triển dịch vụ, phát huy các giá trị, lễ hội văn hóa đặc sắc ở địa phương; quảng bá du lịch lễ hội, đa dạng sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển hạ tầng du lịch; phấn đấu đến năm 2020 thu hút 2 - 3 triệu lượt khách du lịch.
Ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của các doanh nghiệp, người dân; công tác tiếp dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Cùng với phát triển kinh tế, Sóc Trăng cần quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm đặc biệt cho đồng bào Khmer; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Theo Phương Nhi/chinhphu.vn