Bộ trưởng KHĐT nhìn nhận quá trình thực hiện chương trình phục hồi kinh tế xã hội, một số cấp ngành có tâm lý e ngại, sợ sai. Kết quả giải ngân nhiều chính sách chưa đạt kỳ vọng.
Sáng 17/10, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Dũng cho biết đến ngày 30/9, số vốn giải ngân của chương trình đạt trên 61.000 tỷ đồng, khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực.
Con số trên không bao gồm 46.000 tỷ đồng, tương đương 2 tỷ USD dự kiến sử dụng để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế do việc thực hiện cần căn cứ yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 thực tế.
Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ trưởng KHĐT cho biết đến hết ngày 23/9, tổng số tiền giải ngân hơn 3.500 tỷ đồng. Khoảng 5 triệu lao động đã thụ hưởng hỗ trợ từ chính sách này, lớn hơn so với mục tiêu ban đầu đề ra là 4 triệu người.
Đồng thời, ngân hàng chính sách xã hội đã giải ngân các chính sách tín dụng ưu đãi đạt 10.700 tỷ đồng cho gần 240.000 đối tượng khách hàng vay vốn. Trong đó, chính sách cho vay giải quyết việc làm giải ngân 7.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch.
Ông Dũng cho biết đến hết tháng 9, các ngân hàng thương mại giải ngân hỗ trợ khoảng 29.000 tỷ đồng, tạm tính doanh số hỗ trợ lãi suất trên 15.000 tỷ đồng và dư nợ được hỗ trợ là trên 13.000 tỷ đồng.
“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sớm quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện chính sách nhưng kết quả thực hiện chính sách còn chưa đạt như kỳ vọng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận.
Báo cáo của Bộ KHĐT cũng đề cập đến nhiều kết quả thực hiện các chính sách khác như giảm thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất…
Hồi tháng 1, Quốc hội thông qua gói phục hồi kinh tế - xã hội gần 350.000 tỷ đồng chi cho 5 nhóm trọng tâm bao gồm bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Nêu vướng mắc khi thực hiện chương trình phục hồi kinh tế - xã hội, Bộ trưởng KHĐT cho biết việc xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc triển khai một số chính sách thuộc chương trình còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
“Ngoài ra, một số chính quyền địa phương tạo thêm các thủ tục mới làm người thụ hưởng có tâm lý e ngại, không đăng ký”, ông Dũng nói và lấy ví dụ về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Chỉ có hai năm thực hiện (2022-2023) trong khi danh mục nhiệm vụ, dự án sử dụng vốn của chương trình mới được giao kế hoạch vào cuối tháng 9/2022, ông Dũng e ngại sẽ tạo sức ép cho tiến độ thực hiện và giải ngân, đặc biệt với các dự án giao thông quy mô lớn. Do đó, ông đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT thời gian tới.
Đề cập đến những nguyên nhân, ông Dũng cho rằng việc xây dựng, ban hành và quán triệt triển khai chính sách đôi khi chưa được quan tâm đúng mức, gây chậm trễ trong triển khai.
Đồng thời, các cấp, ngành ở một số nơi chưa quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của chương trình, chưa tích cực đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ thuộc phạm vi mình quản lý… Bộ trưởng KHĐT cũng nhắc đến tình trạng có tâm lý e ngại, sợ mắc sai phạm trong thực hiện.
"Việc thực hiện chính sách đôi khi còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn có tâm lý bị động, ỷ lại, chưa chủ động, linh hoạt trong triển khai", theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.
Thời gian tới, Chính phủ đề nghị các cấp, ngành tập trung hoàn thiện việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn lại cả chương trình trong tháng 11/2022.
Những chính sách đã ban hành cần được đẩy mạnh quán triệt nội dung, cách thực hiện đến từng cấp, ngành... Các đơn vị không quy định thủ tục phát sinh so với yêu cầu hoặc trên mức cần thiết, không tạo rào cản trong việc thực hiện chính sách cho các đối tượng thụ hưởng.
Theo Mỹ Hà/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/so-sai-khi-thuc-hien-chuong-trinh-phuc-hoi-kinh-te-xa-hoi-post1365999.html