Việc thực hiện công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện an sinh xã hội hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động.
Ngày 28/6, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương dự và chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố và một số doanh nghiệp, bệnh viện.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt Nghị quyết, đánh dấu mốc quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội hướng tới mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân, BHXH cho mọi người lao động.
BHXH và BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội và phát triển KT-XH. Thực hiện tốt các chế độ, chính sách BHXH, BHYT là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, DN và của mỗi người dân. Quan điểm này đã được khẳng định, trở thành nền tảng cho mọi chính sách, phương hướng về BHXH, BHYT, góp phần quan trọng đưa mục tiêu BHYT toàn dân, BHXH cho mọi NLĐ dần thành hiện thực.
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT từng bước được hoàn thiện phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH đất nước, tạo thuận lợi cho NLĐ và nhân dân tham gia và thụ hưởng BHXH, BHYT.
Nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, người dân, NLĐ được nâng lên rõ rệt. Nhiều cấp ủy, chính quyền đã nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động nhân dân; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác BHXH, BHYT. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHXH, BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.
Bên cạnh đó, nhận thức của xã hội ngày càng đầy đủ hơn về vai trò, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT đối với sự phát triển và ổn định chính trị-xã hội, về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình khi tham gia BHXH, BHYT…
Mức độ hài lòng của nhân dân về chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, về thủ tục đăng ký tham gia và thanh toán các loại hình bảo hiểm từng bước được nâng lên. Số người tham gia BHXH, BHYT liên tục tăng, trong đó số người tham gia BHYT đã vượt chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục trong việc thực hiện 2 chính sách quan trọng này. Cụ thể, vẫn còn một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức tới công tác tuyên truyền; nội dung tuyên truyền chưa thực sự phong phú, hấp dẫn. Một số cấp ủy đảng, chính quyền còn coi công tác tuyên truyền là nhiệm vụ riêng của ngành BHXH, dẫ̃n tới vẫn còn một bộ phận NLĐ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách.
Công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan với cơ quan BHXH chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng trốn, nợ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra. Số người tham gia BHXH còn ở mức thấp so với tiềm năng (cả nước mới có khoảng 25,8% lực lượng lao động tham gia BHXH, 22% tham gia Bảo hiểm thất nghiệp). Một số tỉnh, nhất là các tỉnh vùng Tây Nam Bộ có tỉ lệ bao phủ BHYT thấp so với mặt bằng chung cả nước…
Để Nghị quyết 21 có sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội thì sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp có vai trò hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, nơi nào, địa phương nào có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thì đều đạt kết quả tốt.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cần phải được tiến hành thường xuyên, chủ động và kịp thời làm thay đổi hẳn nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người dân khi tham gia BHXH, BHYT.
Ngoài ra cần phải phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Việc đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH phải theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi và sự hài lòng của đơn vị, người tham gia.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Phát biểu chỉ đạo hội nghị đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: BHXH và BHYT giữ vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội. Trong thời gian qua, cùng với chính sách phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến chính sách an sinh xã hội, đặc biệt chú ý lãnh đạo, chỉ đạo phát triển công tác BHXH, BHYT. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW trong hơn 5 năm qua đã đem lại nhiều chuyển biến tích cực và nhiều thành quả có ý nghĩa, góp phần quan trọng tạo nền tảng cho sự phát trển bền vững kinh tế- xã hội.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình khẳng định định, việc sơ kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW vừa để khẳng định các kết quả cần tiếp tục phát huy, vừa nhằm chỉ ra các hạn chế, khuyết điểm cần khắc phục; đồng thời là căn cứ để tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị trong lãnh đạo chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 21-NQ/TW trong thời gian tới.
Theo Toàn Thắng/Baochinhphu.vn