(Xây dựng) – Vòng chung kết cuộc thi INSEE Prize – “sân chơi” dành cho sinh viên nghiên cứu khoa học đã khép lại với giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM nhờ đề tài “Thư viện xanh”. Trị giá giải thưởng lên đến 100 triệu đồng.
Nhóm sinh viên trường ĐH Tài nguyên Môi trường TP.HCM chiến thắng với đề tài “Thư viện xanh”
INSEE Prize tiếp nối Holcim Prize trước đây do Công ty Siam City Cement (Việt Nam) tài trợ cho cuộc thi hàng năm nhằm tạo ra cho sinh viên có một sân chơi nghiên cứu khoa học. Ngoài phát huy khả năng sáng tạo, đưa ra các giải pháp xanh bền vững cho sự phát triển của cộng đồng thì sinh viên còn được rèn luyện các kỹ năng trình bày, làm việc nhóm, cũng như những kỹ năng quản lý dự án, điều phối các bên liên quan, quản lý tài chính, kiểm chứng lý thuyết trong thực hành… Từ năm 2008 đến nay, nhiều đề tài của sinh viên đã góp phần cải thiện đời sống và sinh kế cho người dân Việt Nam.
Năm nay INSEE Prize có rất nhiều ý tưởng sáng tạo đặc biệt là 8 ý tưởng của 8 trường lọt vào chung kết.
Đề tài “Thư viện xanh” cuả 2 sinh viên Nguyễn Vũ Luân và Bùi Thiện Nhân (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), bắt nguồn ý tưởng từ việc 2 em đi mùa hè xanh tại tỉnh Bình Thuận, sau đó nảy ra ý định thiết kế một thư viện xanh cho trường Tiểu học Xuân Mỹ, KP Phú Xuân, Thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc.
Thư viện có diện tích 32m2 (4x8m), được các sinh viên dùng đất sét làm tường. Mái thì được tận dụng trồng thuốc nam, hệ thống lấy sáng, lấy gió dùng ánh sáng tự nhiên. Dùng hệ thống pin năng lượng mặt trời để cung cấp điện cho thư viện..
Mô hình Thư viện xanh.
Sinh viên Nguyễn Vũ Luân – Khoa Môi trường Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM chia sẻ sau khi đề tài của mình giành giải Nhất: Chi phí để xây dựng thư viện dự kiến khoảng 150 triệu. Khi kêu gọi được đủ tài chính, chúng em sẽ xây dựng cho địa phương.
Một dự án khác là “Zero to all” – văn phòng quy mô nhỏ của trường ĐH Bách Khoa TP.HCM đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của các Start-up. Văn phòng được thiết kế bền vững, hướng đến việc tự cung cấp năng lượng cho quá trình vận hành. Đề tài được Ban tổ chức trao giải Nhì với giá trị phần thưởng 60 triệu đồng
Mô hình “Zero to all” của sinh viên trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Ở “Làng chài cầu vồng” của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhóm sinh viên đã nghiên cứu cuộc sống sinh hoạt của làng chài Ngư Mỹ Thuận (Huế) và đề xuất giải pháp thiết kế thuyền là nhà cho bà con. Chi phí thấp, sử dụng vật liệu mây tre địa phương.
Mô hình làng chài cầu vồng là những modun có thể tháo lắp cơ động.
“Trung tâm nuôi dạy trè mồ côi” của nhóm sinh viên trường ĐH Cần Thơ đã đưa ra giải pháp sử dụng chai nhựa kết hợp với xi măng làm vật liệu chính để xây dựng, vừa tận dụng được nguồn chai nhựa phế thải vừa bảo vệ được môi trường.
Mô hình “Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi”.
Phương pháp lấy sáng được các em tận dụng từ chai nhựa. Vào ban ngày, ánh sáng mặt trời khúc xạ xuyên qua lòng chai đầy nước và tỏa ánh sáng vào bên trong nhà. Cùng thời điểm đó, tấm pin năng lượng mặt trời gắn với chai sẽ được sạc liên tục. Vào ban đêm, khi không còn ánh mặt trời, mạch điện, cảm biến ánh sáng và tấm pin năng lượng mặt trời sẽ hoạt động nhờ phần năng lượng đã tích trữ, hai bóng đèn Led nằm bên trong chai sẽ cháy tỏa ánh sáng suốt đêm cho căn nhà. Bên cạnh đó để có nguồn nước sử dụng, đề tài còn đưa ra giải pháp lọc nước dơ từ công nghệ thủy sinh từ lau sậy…
Hai đề tài này được BTC trao đồng giải Ba với phần thưởng 30 triệu đồng.
Ngoài ra, 4 đề tài giành đồng giải Khuyến khích với phần thưởng 10 triệu đồng bao gồm: “Hẻm” của trường ĐH Kiến trúc Hà Nội; “Vertical Garden - ứng dụng mô hình vườn theo trục đứng cho khu phức hợp của trường ĐH Công nghệ TP.HCM; Nhà ăn thân thiện – trường ĐH Khoa học Xã hội nhân văn thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM; Ứng dụng công trình xanh vào hệ thống nhà xưởng sản xuất than tổ ong từ bùn thải ao nuôi cá tại Đồng Tháp của trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM
Bùi Hiền
Theo